Cậu ấm tàn tật kén vợ

Cậu cả con quan huyện trong tiểu thuyết 'Ngỡ mây chiều in bóng nước' dù tàn phế vẫn được mẹ hỏi cưới cho nhiều cô gái.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Nhân tài đất Việt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nhân tài đất Việt.

Thằng hầu nằm rên hừ hừ, làm công trong nhà không dám hỗn với bề trên, nhưng nó không cam, cậu nhìn thấu cả. Liệt giường như vậy đâm ra hay, chẳng ai thèm diễn với cái đứa què quặt không có tương lai, ít ra có dăm ba người không giấu được ý nghĩ trong đáy mắt, cậu lại tinh tường nên nhìn qua đã rõ lòng mấy đứa ở trong nhà.

“Mày không muốn hầu cậu thì đi đi.”

Thằng hầu nghe tiếng cậu cả từ xưa giờ là con vàng của bà huyện, ngày ấy cậu cao sang nhường nào ai chẳng biết, bây giờ gió gãy cành cong, nó khinh trong lòng mà không dám nói, ngờ đâu cậu biết cả.

“Dạ con không dám, để con hầu cậu.”

“Mày sang lấy một đấu gạo đi, bảo là cậu cho. Ai hỏi thì bảo tao không vừa lòng mày.”

Thằng hầu ngơ ngác một lúc, cậu nói xong lại chìm vào thế giới riêng của mình, cậu cứ thế này nó mới sợ. Mỗi đêm cậu ngủ không lên tiếng, nhưng mấy tháng đầu nghiến răng kèn kẹt như ma quỷ, tính cách cứ quỷ quái đa đoan, lại tinh như cú không ai thoát khỏi cặp mắt của cậu, trong nhà đùn đẩy thế nào đến lượt nó hầu cậu. Nhưng nếu được chọn, ai lại chọn người cả ngày lầm lì như chết thế này.

Cậu không nói, nó chẳng hỏi, ngẫm nghĩ một lát rồi cúi đầu vái cậu.

Chưa đầy mấy canh, loan tin cậu không vừa lòng tôi tớ, bà huyện lại đưa người khác sang hầu.

Chẳng biết có phải việc bỏ trầu khơi được khát vọng sống của cậu, hay là cậu biết được đặc quyền bệnh đau của mình, nên cậu ngày càng tùy ý. Sớm này đuổi con ở, tối đến đập thằng hầu. Bà huyện còn chẳng ngó ngàng, cậu đập bình cũ bà đem tới bình mới, cậu đuổi người bà dung túng, người nào nhẹ thì bà đổi, kẻ nào nặng còn bồi thường cho đấu gạo con gà thì mới êm chuyện.

Lâu dần, trong nhà ai sang hầu cậu cũng nơm nớp lo sợ, chớ thấy cậu ngồi đấy yên tĩnh mà nhầm. Cậu biết cả, thấu cả, ai làm gì sai cậu để đó dạy dỗ sau. Ai nấy đều sợ cậu một phép. Chẳng là ngoài sợ chứ sau vẫn thì thầm to nhỏ, nói cậu ăn ở bạc phúc nên mới phải què suốt đời không thể đứng lên. Cậu nghe xong lại đập thêm một trận, từ đó tụi nó không còn dám nói gì cậu nữa, chẳng qua trong lòng có ma có quỷ tự mình rõ chứ cậu chẳng buồn bận tâm.

Tin hỏi cưới của cậu truyền khắp đầu trên ngõ dưới. Nếu là trước kia, ai chẳng biết cậu cả ung dung điềm đạm, cậu học cao hiểu rộng, sớm muộn gì cũng đỗ trạng nguyên. Khi ấy nếu cậu đánh tiếng muốn ai làm lẽ, người ấy sẽ đỏ mặt bằng lòng.

Còn ngày nay vật đổi sao dời, cậu cả bây giờ nằm liệt giường, ai sang đấy không phải hưởng phúc mà là mang tội. Bà cả đi nước này sao mà hiểm thế, ai lại muốn con mình vào hầu người như vậy cả đời.

Cũng có người gia cảnh cơ hàn, làm lẽ nhà quan còn hơn làm vợ nhà nghèo, cậu cả thế nào cũng chẳng sao. Vậy mà chưa đánh tiếng xong, đã nghe tin cậu cả không hiểu lên cơn gì mà phải mời thầy lang đến. Cậu cả sau đợt bệnh lại như bị ma nhập, mỗi ngày nằm võng đi dạo trong làng.

Cậu cả không đi lại được, vẫn có người địu cậu cẩn thận từng li từng tí một. Cậu đi sang, ai nấy nhìn vào mà hết hồn.

Người cậu gầy như que củi, tóc tai rũ rượi không buồn vấn, toàn thân run lẩy bẩy rên hừ hừ như bị phong. Ngày ấy cậu đẹp mã bao nhiêu, bây giờ tàn tạ bấy nhiêu, còn chẳng bằng thằng mõ đầu chợ. Nghe nói có cô lượn sang võng cậu, cậu gọi người đứng dậy bắt về làm lẽ. Nghe bảo đêm ấy, cô gái nọ treo cổ tự vẫn.

Thôi thôi nhà quan đấy, cửa cao quá không với tới, nhà còn bu thầy em nhỏ, cưới cậu cả ngay cả mạng còn không còn lấy đâu ra hưởng phúc.

Cậu cả kia như bị ma ám, dăm ba ngày lại nhốt một bà tư, mấy tháng trời lại hỏi trầu một bà năm. Mấy bà về nhà rình rang, ra đi lại chẳng ai biết. Từ đấy mấy cô tát nước tưới đồng, nhìn thấy cậu bèn lủi về nhà ngay. Con gái trong nhà thì giữ cho kĩ, kẻo cậu cả thấy được lại bắt mất con.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mấy mùa lúa mà cậu vẫn phòng không lẻ bóng. Bà cả khi này mới sang hỏi chuyện cậu.

Cậu càng lúc càng gầy, nhưng sắc mặt đã tốt hơn, cậu ngồi lâu một chỗ tự tìm được niềm vui cho mình. Một ngày nhìn người đi qua đi lại diễn đủ vai hề, cậu xem cũng hợp dạ lắm.

“Mấy nay con làm gì bu cũng không quản, nhưng mạng con phúc lớn, năm nay không thành gia ắt có điềm gở. Bu tìm được vợ cho con rồi, con cứ bằng lòng đi. Nhà nó nghèo nhất cái làng bên, nhưng con nói một nó không dám nói hai, bu đã bỏ trầu cau rồi.”

Cậu cả không ừ chẳng hử, bà huyện đã thành quen. Đến khi bà đi rồi, cậu mới nhìn theo dáng bu gầy xọp, cậu không nói một lời, nhéo đùi mình một cái. Nơi cậu nhéo vải nhăn nheo hết cả, nhưng cậu chẳng nhíu mày lấy một cái, không có cảm giác gì.

Cậu thành ra thế này mà bu còn chưa bỏ cuộc, nhưng cậu không lo, khắp đất này còn ai dám về làm vợ cậu nữa. Nếu người nói dám, không treo cổ thì cũng là dan díu với người khác. Cậu không phải hạng trời đánh thánh vật gì, người đã có tình cậu cũng thuận theo thôi.

Ấy vậy mà cậu chẳng ngờ, có người về thật, còn ngoan ngoãn ngồi đợi cậu trong phòng.

Đám rình rang cậu biết, cưới lẽ không nhiều quy tắc mấy, cậu chưa cưới vợ cả đã có dăm ba bà lẽ, nên thêm bớt một người cũng chẳng sao. Nghe bảo nhà thị nghèo, bà cả chẳng mang trầu cau gì, cho bà mối ít tiền thì sự đã thành. Nhưng cậu đã đến bước này nào dám chê ai, thị có sao cũng mặc, cưới về rồi hờ hững cũng như không.

Thị là dân chân lấm tay bùn, chắc hẳn phải là người đen đúa như than củi, sáng này sang nghe mấy con hầu kháo nhau thị xinh đáo để, cậu cũng nghe rồi để đó thôi. Chiều về lại bảo thị vừa vào nhà không có chậu than kiệu võng, vừa vào nhà bà cả đã mời sang nói chuyện một buổi, dầu cạn còn chưa được về phòng.

Trường Tình/Bách Việt Books - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/cau-am-tan-tat-ken-vo-post1528513.html