Cầu Bạch Đằng 2 có chiều dài 401m, rộng 17m, quy mô 4 làn xe, nối Tx.Tân Uyên của tỉnh Bình Dương và huyện Vĩnh Cửu của tỉnh Đồng Nai với tổng mức đầu tư trên 490 tỷ đồng. Ảnh: Anh Trọng
Ngày 27/12/2021, UBND tỉnh Bình Dương và UBND tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng cầu Bạch Đằng 2. Theo tiến độ, dự án phải hoàn thành trong 15 tháng kể từ ngày khởi công (tháng 3/2023). Tuy nhiên, đến nay dự án chỉ mới thi công được một số hạng mục. Ảnh: Anh Trọng
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin, đến tháng 12/2022, cầu Bạch Đằng 2 đang được thi công phần cọc nhồi ở phía bờ giáp tỉnh Bình Dương. Ảnh: Anh Trọng
Trong khi đó, ở phía tỉnh Đồng Nai, dự án này vẫn “án binh bất động”, chưa có bất kỳ hoạt động thi công nào. Thậm chí, vẫn chưa thể tiếp cận bờ sông do vướng mặt bằng của các hộ dân tại đây. Ảnh: Anh Trọng
Cũng ở phía tỉnh Đồng Nai, đơn vị thi công đã xây dựng lán trại để cho công nhân, giám sát ở nhằm xây dựng công trình tốt nhất nhưng do chưa có mặt bằng để thi công nên lán trại vẫn chưa hoạt động dù đã hoàn thiện từ lâu. Ảnh: Anh Trọng
Dù đã 12 tháng trôi qua kể từ khi khởi công, tiến độ thi công dự án cầu Bạch Đằng 2 vẫn rất chậm. Mặt bằng vẫn chưa được bàn giao đầy đủ gây khó khăn cho đơn vị thi công. Nhiều người lo ngại dự án này gần như không thể về đích đúng hạn. Ảnh: Anh Trọng
Trao đổi với PV ngày 22/12, ông Nguyễn Quang Phương - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, các hồ sơ, thủ tục liên quan đến hỗ trợ, bồi thường và giải phóng mặt bằng để xây cầu Bạch Đằng 2 đã được hoàn tất. Hiện tại, huyện đang thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người dân. Ngay khi hoàn tất sẽ bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh: Anh Trọng
Cầu Bạch Đằng 2 có tổng mức đầu tư dự án là hơn 490 tỷ đồng từ vốn ngân sách, mỗi địa phương đóng 50% với phần cầu chính. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 492. Ảnh: Anh Trọng
Sau hoàn thành, cầu Bạch Đằng 2 sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông, giúp kết nối đường ĐT747 (tỉnh Bình Dương) và ĐT768 (tỉnh Đồng Nai), tạo thuận lợi rất lớn cho việc lưu thông hàng hóa, trao đổi nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là người dân trong vùng dự án. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống giao thông liên tỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ảnh: Anh Trọng
An Bình