Câu ca lưu giữ cội nguồn

Tháng 7, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình nhuộm vàng trong sắc nắng ngày hạ. Từng cơn gió Lào thường ngày bỏng rát da người là thế, bỗng nhiên như dịu mát hơn bởi những tiếng ru à ơi, những làn điệu dân ca mượt mà sâu lắng từ chương trình giao lưu các Câu lạc bộ 'Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca' năm 2024 do Bộ Tư lệnh BĐBP tổ chức vào ngày 18/7, tại tỉnh Quảng Bình.

Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Vân (thứ 2, từ trái sang) thể hiện nhân vật người con gái Lệ Thủy đến thả hoa cho người yêu đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn trong hoạt cảnh dân ca “Dòng sông hoa đỏ”. Ảnh: Thành Phú

Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Vân (thứ 2, từ trái sang) thể hiện nhân vật người con gái Lệ Thủy đến thả hoa cho người yêu đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn trong hoạt cảnh dân ca “Dòng sông hoa đỏ”. Ảnh: Thành Phú

Lắng đọng lòng người

Ngân vang giọng hò sông Mã, bình dị điệu “Đi cấy” đất Thanh; lắng sâu câu ví giặm, ví đò đưa như dòng Lam Giang xuôi dòng về biển lớn hay điệu giặm kể, ví giận thương xứ núi Hồng, sông La, vượt qua đèo Ngang làm bạn với điệu hò Lệ Thủy, điệu dợp chèo, Quỳnh Tương... đất Quảng Bình, rồi thiết tha cùng giọng hò mái nhì, mái đẩy, làn điệu hò giã gạo, hò đưa linh... của miền đất sông Hãn, non Mai quê hương Quảng Trị... Tất cả quyện hòa cùng nhau để người nghe chẳng thể nào quên dải đất miền Trung đầy nắng, đầy gió, chát mặn giọt mồ hôi trên cánh đồng ngập lụt nhưng cũng rất tình người được thể hiện qua giọng hát ngọt ngào của những “bông hồng xanh” đang ngày đêm giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Hóa thân vào nhân vật người con gái Lệ Thủy, Quảng Bình đến thả hoa cho người yêu đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 trong hoạt cảnh dân ca “Dòng sông hoa đỏ”, Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Vân (Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Trị) cất lên lời ru của quê hương để gửi vào từng con sóng dòng sông nỗi niềm thương nhớ và các điệu dân ca hò khoan Lệ Thủy, hò mái xấp, hò đưa linh... làm cho rất nhiều khán giả không cầm được dòng nước mắt với tấm lòng tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho đất nước.

Thượng tá Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Quảng Trị cho biết: “Quảng Trị là mảnh đất linh thiêng, là nơi yên nghỉ của hơn 51.700 liệt sĩ. Đây là vùng quê đa dạng, phong phú các làn điệu dân ca truyền thống. Vì thế, tham gia giao lưu các Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” năm 2024, chúng tôi đã chọn chủ đề “Gửi vào thương nhớ”, xem đây như một sự tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc. Đồng thời, qua những làn điệu dân ca, chúng tôi gửi gắm đến khán giả về tính cách của con người Quảng Trị luôn sâu nặng nghĩa tình”.

Với Trung tá Bùi Thị Hương Giang, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An, khi vào vai bác sĩ Lan trong tiểu phẩm dân ca Nghệ Tĩnh “Tử thần thầm lặng” kể về câu chuyện cứu sống người dân do suy nghĩ chưa thấu đáo đã tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón. Tuy nhiên, khi kết thúc công việc mỗi ngày, lúc màn đêm buông xuống, bác sĩ Lan đã chẳng thể nào chợp mắt được bởi nỗi nhớ nhà, nhớ con da diết. Để làm dịu đi nỗi nhớ, chị cất lên lời ru, lời tự sự của lòng mình qua các làn điệu dân ca Hát khuyên, Tự Hoa, Sông Lam dậy sóng... làm người nghe nghẹn lòng trước sự hy sinh, vất vả của những “bông hồng xanh” ngày đêm gắn bó với biên cương của Tổ quốc.

Trung tá Đặng Thị Minh Khuê, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP Nghệ An chia sẻ: “Câu chuyện nhân vật bác sĩ Lan cũng chính nỗi lòng của nhiều chị em hiện đang công tại các đơn vị cơ sở. Bằng những làn điệu dân ca xứ Nghệ, chúng tôi muốn vừa bảo tồn, vừa truyền tải đến khán giả hình ảnh người nữ quân nhân BĐBP dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, song họ vẫn thể hiện nghị lực phi thường để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao”.

Ngoài những vần thơ mượt mà, bằng những làn điệu Hành Vân, vè bà Phó, Quỳnh Tương, ngựa ô, dợp chèo, Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Bình đã đưa người nghe lắng sâu trong tình cảm của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho nhân dân và cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Bình, cũng như những người lính quân hàm xanh đã trọn đời khắc ghi lời dạy của Bác, của Đại tướng để gắn bó máu thịt với nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Giá trị cội nguồn được lưu giữ và bảo tồn

5 Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” đến từ BĐBP các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị với gần 80 hội viên phụ nữ đã sưu tầm, viết lời mới, thể hiện đúng tinh thần của chương trình giao lưu là bảo tồn những làn điệu hát ru và hát dân ca của dân tộc, để cho những giai điệu đẹp, đặc trưng văn hóa truyền thống không thể nhạt phai trong tâm trí mọi người.

Tiết mục “Về với Quảng Bình” của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Bình tham gia chương trình giao lưu các Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” năm 2024. Ảnh: Thành Phú

Tiết mục “Về với Quảng Bình” của Hội Phụ nữ BĐBP Quảng Bình tham gia chương trình giao lưu các Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” năm 2024. Ảnh: Thành Phú

Tuy không xếp hạng các chương trình tham gia giao lưu, song Ban tổ chức đã thành lập Hội đồng nghệ thuật để đánh giá chất lượng và chọn lựa hạt nhân để tham mưu, đề xuất thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, Cục Chính trị BĐBP thành lập đội tuyển tham gia Liên hoan hát dân ca cấp toàn quân.

Thượng tá Phạm Thị Thanh Huyền, Trợ lý Phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị BĐBP đánh giá: “Những tiết mục tham gia giao lưu của Hội Phụ nữ BĐBP 5 tỉnh đều được đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức, cách dàn dựng phong phú, nội dung hấp dẫn. Dù thời gian hạn hẹp, đa số chị em đều công tác ở các đơn vị cơ sở, song các câu lạc bộ đã chủ động sưu tầm tư liệu, sáng tác, viết lời mới, biên đạo, dàn dựng các tiết mục, sử dụng đa dạng, phong phú các chất liệu, làn điệu dân ca nên đã đem đến món ăn tinh thần với nhiều hương vị đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với các diễn viên, đều có sự chuẩn bị tốt các phần thi cả về nội dung lẫn trang phục, sáng tạo trong cách thể hiện, mang đến cho người xem những màn trình diễn đẹp mắt, những làn điệu dân ca, hát ru ngọt ngào, sâu lắng”.

Lịch sử đã chứng minh rằng, cộng đồng các dân tộc Việt Nam rất tài tình trong việc hình tượng hóa, khái quát hóa cuộc sống bằng nghệ thuật dân gian, vì thế, mỗi vùng đất mang một đặc trưng nghệ thuật dân gian riêng. Dải đất miền Trung từ Thanh Hóa đến Quảng Trị chính là những miền quê rất giàu những làn điệu hát ru, hát dân ca của cả nước.

Đánh giá tổng thể chương trình giao lưu, Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cho biết: “Giao lưu các Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca” năm 2024 là một hoạt động nhằm khơi dậy và cổ vũ phong trào hát ru và hát dân ca trong hội viên phụ nữ BĐBP tại các đơn vị cơ sở, đặc biệt là phụ nữ trẻ. Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc để hát ru, hát dân ca được gìn giữ cho muôn đời sau”.

Trong thời đại công nghệ 4.0 phát triển như hiện nay thì việc tổ chức giao lưu hát ru, hát dân ca là rất thiết thực và bổ ích. Bởi qua đây sẽ lưu giữ sức sống trường tồn của văn hóa truyền thống, để lớp người đi sau thêm yêu quý những thành quả sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ đi trước và nhận thức được trách nhiệm cần gìn giữ âm nhạc dân gian độc đáo này.

Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-ca-luu-giu-coi-nguon-post478986.html