Cầu cho đêm Trung thu không là đêm đại họa
Cảnh tượng dân đổ ra chật kín phố phường vui chơi khi Hà Nội vẫn giãn cách khiến đêm Trung thu có nguy cơ thành đêm đại họa.
Clip: Người dân ùa ra đường đi chơi Trung Thu, phố cổ Hà Nội chật cứng
Thật khó có thể nghĩ ra bất cứ lý do gì bao biện cho hành vi đưa con nhỏ xông vào biển người chơi Trung thu ở Hà Nội tối 21/9.
Sau 2 tháng giãn cách, trong ngày đầu tiên Hà Nội ngừng áp dụng giấy đi đường, dường như người ta quên mất rằng Thủ đô vẫn đang giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, mức độ hạn chế giảm để người dân có thể đi làm những công việc cần thiết nhất nhằm phục hồi kinh tế, hoàn toàn không phải thoải mái ra đường vui chơi.
Thành phố vẫn yêu cầu không tập trung đông người, đảm bảo 5K, và điều này bị vi phạm nghiêm trọng ngay trong ngày đầu tiên.
Người ta cư xử như thể thành phố đã hết dịch, như thể mọi thứ đã trở lại hoàn toàn bình thường. Có thể họ chủ quan vì hầu hết dân số trưởng thành đã được tiêm vaccine COVID-19, nhưng phần lớn trong số này mới tiêm trong chiến dịch thần tốc cách đây ít ngày, kháng thể tạo thành chưa đủ để bảo vệ họ.
Và ngay cả khi đã được bảo vệ bởi vaccine, họ vẫn có thể mang SARS-CoV-2 về nhà vào đêm Trung thu, lây cho những đứa trẻ hay người bệnh nặng chưa được tiêm chủng. Và còn rất nhiều đứa trẻ khác được bố mẹ đưa ra đường chơi Trung thu, thay vì đón chị Hằng, các cháu có thể đón phải “cô Vy”.
Nhiều người vin vào chủ trương “sống chung lâu dài với đại dịch” để biện minh cho việc đổ ra đường chơi Trung thu. Nhưng muốn “sống chung” an toàn với COVID thì phải tuân thủ 5K, mà cảnh chen vai thích cách như đêm qua đã loại trừ 2K – Khoảng cách và Không tập trung – mất rồi.
Có ý kiến lập luận, mọi người ra đường đông nhưng không tụ bạ, không mua bán, chỉ ở trên xe và di chuyển thì đâu có sao! Nhưng hãy nhìn món đồ chơi Trung thu mới tinh trên tay lũ trẻ trong loạt ảnh được đăng tải trên báo chí, rõ ràng là bằng cách nào đó, giao dịch mua bán vẫn diễn ra, sự tiếp xúc vẫn diễn ra và virus có cơ hội lan truyền.
Nếu trong biển người “chơi trăng” ở các phố trung tâm Hà Nội tối qua có một người mang virus SARS-CoV-2, đêm Trung thu sẽ thành đêm đại họa. Chúng ta chỉ có thể nín thở cầu cho điều đó không thành sự thật trong vài tuần tới, để thành phố có thể dần dần trở về trạng thái bình thường mới thay vì lại tăng cường mức độ giãn cách do xuất hiện thêm các ca bệnh trong cộng đồng.
Cư dân mạng vẫn hay có câu cửa miệng: “Vui thôi, đừng vui quá”, vì khi vui quá, chúng ta rất dễ quên những nguy hiểm chực chờ dẫn đến sai một ly đi một dặm, cái sảy nảy cái ung.
Rất dễ thấu hiểu và thông cảm cho sự cuồng chân của người Hà Nội khi phải ở nhà 2 tháng, nhưng nếu để tái diễn tình trạng ở TP.HCM thì còn ai cần sự thông cảm này không? Người Sài Gòn đã ở nhà 4 tháng, và đến nay số ca mắc mỗi ngày vẫn là 5.000 – 6.000, cả chục nghìn người đã chết, cả nghìn đứa trẻ mồ côi.
Hãy nghĩ đến điều đó để mỗi khi định ra đường hay gặp gỡ người khác, mỗi chúng ta đều tự hỏi lại mình một lần nữa rằng việc này có thực sự cần thiết không, có đáng không. Đừng để những ngày lễ, ngày vui trở thành ngày ươm mầm cho hiểm họa.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/cau-cho-dem-trung-thu-khong-la-dem-dai-hoa-ar637676.html