Câu chuyện bảo tồn 'làng Tây' 500 tuổi nhìn từ triển lãm 'Bóng di sản'

Chụp hay vẽ về làng đã không còn là điều mới, bởi nhắc đến làng là nhắc đến những gì thân thương, sâu lắng, chạm đến tâm khảm của nhiều thế hệ. Vậy nên, với triển lãm mỹ thuật 'Bóng di sản' của nhóm họa sĩ 33A không gây bất ngờ cho nhiều người khi có chủ đề về làng Cựu, nhưng lại hấp dẫn ở câu chuyện đằng sau liên quan tới vấn đề bảo tồn làng cổ.

Sự sống “mong manh” của làng Cựu

Triển lãm “Bóng di sản” về làng Cựu là một hoạt động trong dự án dài hơi “Đánh thức di sản” của nhóm họa sĩ 33A. Với 3 ngày điền dã, các họa sĩ đã thể hiện vẻ đẹp của làng Cựu bằng các tác phẩm nghệ thuật. Tất nhiên, với tác động của thời gian và con người tạo ra, làng Cựu đến nay đã mất mát không ít vẻ đẹp của một “làng Tây” với những ngôi biệt thự pha trộn kiến trúc Việt cổ và phương Tây. Nhưng các họa sĩ đã thêm vào trong tranh các chi tiết, các thủ pháp nghệ thuật mới để làng Cựu đẹp mãi như những gì nó vốn có từ cổng làng, kiến trúc các ngôi biệt thự đến cảnh quan chung…

Có thể nói, triển lãm bày ra trước mắt người xem vẻ đẹp của ngôi làng cổ 500 năm tuổi nổi tiếng từ thời Pháp thuộc với nghề may mặc bằng hơi thở đương đại, trẻ trung và tươi mới. Nhưng đằng sau những bức tranh chân dung người làng Cựu, khung cảnh của làng là những nỗi buồn, những lo lắng và băn khoăn khi làng Cựu đang biến đổi, một sự biến đổi rất đáng lo ngại.

Tác phẩm "Bóng di sản" kích thước 20x40 cm của họa sĩ Nguyễn Minh "phố"

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, chuyên gia nghiên cứu văn hóa, nhóm trưởng viết dự án “Thành phố sáng tạo” khi về làng Cựu đã nhận ra, sự sống của làng Cựu “rất mong manh”. Những người làm thuê xưa kia nay giàu lên, phá cổng, phá bờ tường ngôi nhà, xây bể nước, phá vỡ không gian kết cấu mang giá trị di sản… Với góc độ chuyên gia, chị đã đề nghị nhóm tư vấn tác động tới chính quyền địa phương phải giữ làng Cựu và đánh động ý thức dân làng. Để làng Cựu tiếp tục phát triển nhưng bảo tồn di sản, chị Phương và nhóm nghiên cứu đã đề xuất ý tưởng, đưa làng Cựu trở thành điểm đến của du lịch. Dự án này cần từ 5 đến 15 năm đầu tư, bằng việc mời các chuyên gia nước ngoài đến lưu giữ, phục chế lại kiến trúc xưa.

Những bức ảnh chụp về làng Cựu của PGS.TS Thu Phương đã nhận được sự đồng cảm của nhóm họa sĩ 33A. Và 9 họa sĩ đã về làng Cựu để thăm thú rồi vẽ tranh và trưng bày triển lãm như một cách đánh thức di sản, đánh thức sự quan tâm của chính quyền và người dân tới vấn đề bảo tồn di sản. Cũng giống như bao người, nhóm họa sĩ cũng đặt ra những câu hỏi rất cụ thể từ triển lãm lần này rằng, di sản có nên bảo tồn nguyên trạng hay vừa bảo tồn vừa phát triển?

Những hành động cụ thể

Và những bức tranh ấy còn chứa đựng những lo lắng mơ hồ khi một ngày nào đó, rất có thể, làng Cựu sẽ mất đi hoàn toàn nếu không kịp thời tác động tới người dân trong quá trình trùng tu các ngôi biệt thự. Họa sĩ Mạnh Tưởng bày tỏ, là người đi nhiều, anh cảm nhận rất rõ khi về làng Cựu là sự yên lặng đến nao lòng, chỗ đông nhất của làng Cựu là nơi họp chợ ở giữa làng. Gọi là chợ nhưng thực ra chỉ là mấy bà già và vài chị bán mớ rau, bìa đậu, vài quả trứng và chút hoa quả.

Còn mọi thực phẩm như thịt lợn, gà, cá phải sang làng khác mới mua được. Nên cảm giác vắng lặng mong manh là điều ai cũng nhận ra khi về làng. Các ngôi nhà cổ kính với cánh cổng luôn cửa cài then đóng tĩnh mịch. Còn một số hộ gia đình sinh sống rất lặng lẽ. Sự tĩnh lặng đó đã chạm đến trực cảm của anh, nên Mạnh Tưởng không khai thác phong cảnh đẹp cổ kính của đường làng, con ngõ hay riêng một góc nào đó.

Tác phẩm của họa sĩ Mạnh Tưởng

Tác phẩm của họa sĩ Mạnh Tưởng

Anh thể hiện qua những cổng nhà, những ô cửa, cửa nhà là nơi đi về, là tổ ấm của mọi gia đình. Với những cửa đó, anh muốn gửi thông điệp đến mọi người và giới trẻ, hãy đến, cảm nhận và chạm tình yêu của mình với di sản mà cha ông ta đã gậy dựng, chỉ có Chạm tới ta mới có ý thức gìn giữ bảo vệ và tôn tạo các giá trị văn hóa đang ngày mai một bởi cuộc sống đô thị hóa hiện nay.

Họa sĩ Nguyễn Minh “Phố” thì cho rằng, các di sản của tạo hóa, của cha ông để lại từ nhiều đời luôn đáng trân trọng và cần bảo tồn, tuy nhiên đứng ở góc độ hội họa thì những di sản ấy sẽ là nguyên liệu cho nghệ sĩ sáng tạo nên các tác phẩm mới. Cái khó và cũng là thử thách cho các nghệ sĩ là cũng với những nguyên liệu ấy, bạn phải mang được vào đó hơi thở đương đại của một tư duy mới, mà không làm biến dạng hoặc mất đi tinh thần, giá trị của di sản đó. Nếu không, bạn sẽ luôn dập khuôn đi theo lối mòn với cách vẽ, cách tạo hình đã có từ trước. Bên cạnh việc tạo ra cái mới, cái đương đại ấy thì người nghệ sĩ vẫn phải “trình làng” những phong cách, những đặc trưng đã tạo nên tên tuổi của mình, để mình vẫn là mình.

Chị Trương Việt Anh, admin của facebook “Di sản Việt”, dù không sinh ra ở làng Cựu nhưng là con cháu của làng khi có cụ ngoại là người làm may nổi tiếng và thành đạt ở làng. Chị kể, làng Cựu, Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội là ngôi làng có nghề may gia truyền chuyên may quần áo phục vụ cho người Pháp và giới thượng lưu ở Hà Nội. Cũng nhờ nghề này mà nhiều người dân làng giàu lên nhanh chóng, trở thành những nhà tư sản thành đạt ở Hà Nội và cả Sài Gòn. Khi về làng, họ đua nhau xây những biệt thự nguy nga, tráng lệ theo phong cách tân thời, biến làng Cựu trở thành một “làng Tây” sang trọng.

Tác phẩm của họa sĩ Minh Đông về làng Cựu

Tác phẩm của họa sĩ Minh Đông về làng Cựu

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, làng Cựu ngày càng trống trải và cái tên nức tiếng một thời của làng, làng may nổi tiếng từ thời Pháp gần như bị rơi vào quên lãng. Con cháu làng Cựu bỏ làng lên thành phố và mở các tiệm may nổi tiếng ở Hàng Trống, Hàng Bông, Hàng Gai... Làng giờ chỉ còn nhà thờ họ và những ngôi biệt thự xuống cấp theo thời gian. Đáng buồn hơn, những ngôi biệt thự này đang được sửa chữa không theo quy chuẩn và làm mất đi những kiến trúc độc đáo. Vì thế làm nhiều người không khỏi tiếc nuối cho vẻ đẹp của ngôi “làng Tây” một thời.

Nỗi niềm của chị Việt Anh cũng là nỗi niềm của nhiều người yêu mến làng Cựu và những lo lắng, băn khoăn cho ngôi làng không phải không có căn cứ. Tuy nhiên, những lo lắng này cần được biến thành hành động. Và triển lãm “Bóng di sản” của nhóm họa sĩ 33A chính là cú chạm và đánh động tới cộng động và người dân về vấn đề bảo tồn di sản.

Triển lãm “Bóng di sản” diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26-5 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/cau-chuyen-bao-ton-lang-tay-500-tuoi-nhin-tu-trien-lam-bong-di-san/854583.antd