Câu chuyện bi thương đằng sau tiếng chuông dưới đáy biển Nhật Bản
Theo truyền thuyết, cho đến hơn một thế kỷ trước, cư dân dọc bờ biển phía Tây đảo Kyushu thường nghe thấy tiếng chuông thê lương khi những cơn bão đổ bộ.
Tuy nhiên, tiếng chuông không phải đến từ một ngôi chùa hay một nơi ẩn cư trên núi, mà kỳ lạ hơn, âm thanh này phát ra từ dưới đáy biển. Tiếng chuông đã sớm trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ngư dân - không chỉ đơn thuần từ sự tò mò, đây còn là những tín hiệu cảnh báo cho 'những điều chẳng lành'.
Bất cứ khi nào động đất xảy ra trong khu vực, người dân đều sẽ lắng nghe tiếng chuông. Nếu như tiếng chuông reo lên dữ dội, đồng nghĩa rằng sóng thần sắp tới và cư dân sẽ phải tìm cách di chuyển đến những vùng đất cao hơn. Chính vì vậy, những cơn bão luôn là một phần không thể thiếu trong câu chuyện lịch sử gắn liền với chiếc chuông.
Taira Kiyomori (1118-1181) được biết đến là một thủ lĩnh vĩ đại của gia tộc Heiki vào thế kỷ 12, từng “thành lập chính quyền do tầng lớp võ sĩ samurai thống trị đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản”. Trong quá khứ, ông được mô tả là một bạo chúa tàn nhẫn nhưng đồng thời, vẫn là một chiến binh vĩ đại. Có lẽ đây chính là điều khiến ông nhận được sự ngưỡng mộ và tôn trọng của các nước láng giềng trên Bán đảo Triều Tiên.
Được cho là, một trong những vị vua của triều đại Cao Ly, vua Nghị Tông (trị vì 1146-1170) hoặc vua Minh Tông (trị vì 1170-1197), đã cảm thấy việc gửi một chiếc chuông đồng lớn đến Tướng Kiyomori sẽ thể hiện một sự tôn trọng phù hợp.
Ông đã chỉ huy các nghệ nhân của mình đúc một quả chuông cao 8,8 mét với đường kính 2,7 mét, chu vi 8,8 mét. Không rõ lý do tại sao nhà vua quyết định gửi một chiếc chuông - đặc biệt là một chiếc chuông quá lớn - nhưng khi món quà được hoàn thành, ông lại phải đối mặt với một nhiệm vụ to lớn khác, đó chính là vận chuyển đến Nhật Bản.
Chiếc chuông được đặt cẩn thận trên một chiếc bè khổng lồ ở Masan (nay là một phần của Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc) và sau đó, vào một ngày đẹp trời, chiếc chuông bắt đầu hành trình đến Nhật Bản.
Nhưng thật không may, hôm đó không hẳn là một ngày đẹp trời như mọi người đã nghĩ. Khi đã tới rất gần bờ biển Nhật Bản, cách khoảng một km ngoài khơi bờ biển Kyushu, chiếc bè đã gặp phải biển động lớn, kéo theo chiếc chuông bị lật và lao thẳng xuống đáy biển.
Không rõ vì bất cứ lý do gì, cả quốc vương Cao Ly và hoàng tử samurai Nhật Bản đều không cố gắng vớt chiếc chuông lên khỏi mặt nước. Một bài báo sau này đã giải thích rằng, “trong vòng 100 năm, hậu duệ của hoàng tử samurai đã từng dẫn binh băng qua chiếc chuông, chìm trong các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược".
Các cuộc tấn công thời điểm đó thực chất là âm mưu xâm lược Nhật Bản của Khả hãn Đế quốc Mông Cổ Hốt Tất Liệt giai đoạn năm 1274-1279. Hàng trăm tàu thuyền của kẻ xâm lược và hàng nghìn binh lính đã thiệt mạng chủ yếu do bão.
Người ta chỉ có thể tự hỏi, liệu những người lính chiến đấu ở cả hai phe có từng nghe thấy tiếng chuông rền vang khủng khiếp khi những cơn gió giận dữ từ biển cả nổi lên hay không.
Trong suốt hơn bảy thế kỷ, không mấy ai biết đến sự tồn tại của chiếc chuông, ngoại trừ những người đánh cá tại bờ biển Kyushu, nhưng tất cả đã thay đổi vào mùa hè năm 1908. Theo một tờ báo đưa tin lúc bấy giờ: “Yamamoto Kikutaro, một người giàu có và tâm huyết với bộ sưu tập hiện vật cổ, bắt đầu tìm kiếm chiếc chuông trong truyền thuyết”.
Thông qua sự hỗ trợ của ngư dân, các thợ lặn đã tìm thấy chiếc chuông ở độ sâu 36 mét dưới bề mặt, nằm yên lặng dưới đáy biển. Ngoại trừ việc được bao phủ bởi hàng loạt những thanh sắt, chiếc chuông vẫn còn nguyên vẹn và không bị hư hại. Món quà này sau đó đã được phục hồi vào mùa hè năm 1909 và nhanh chóng được đưa vào trưng bày.
Nhiều nguồn tin cho rằng, chiếc chuông sẽ sớm được đưa đến thành phố Kyoto, nơi nó sẽ được treo trong ngôi chùa Hongwanji.