Câu chuyện cảm động về một cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn

Cách đây 65 năm, con đường Trường Sơn huyền thoại được mở ra theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng. Đây là tuyến vận tải chiến lược để chi viện cho miền Nam và các nước bạn. Con đường này cũng in dấu bao máu xương và những câu chuyện về những con người Việt Nam anh hùng. Trong số đó, có thể kể đến những nữ chiến sĩ 'xẻ dọc trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai'...

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn tặng lại kỷ vật Trường Sơn cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. (Nguồn ảnh trong bài: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn tặng lại kỷ vật Trường Sơn cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. (Nguồn ảnh trong bài: Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam)

Bài thơ nhớ Bác trên đường hành quân

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn, cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn, Đoàn 559 đã phần nào tái hiện lại một Trường Sơn đậm màu lính nhưng cũng đậm chất nữ tính với những câu chuyện dung dị, đời thường.

Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024) và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2024) đã giới thiệu bài thơ “Bóng Bác trên đỉnh Trường Sơn” viết về Bác Hồ trên đường hành quân của cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn.

“Trán Bác nhuộm màu cờ đỏ tung bay/Chòm râu bạc như từng dây thạch nhũ/Vầng trán Trường Sơn ngẩng cao giữa mây trời vần vũ/Tóc Bác bạc màu, đôi dép cũ thân quen/Tôi đã xem nhiều bức tượng đồng đen/Nhiều bức tranh lồng trong gương đẹp/Nhưng chưa thấy ở đâu tôi rưng rưng nước mắt/Như ở Trường Sơn hình tượng Bác tạc vào cây/Mỗi chúng tôi chỉ được ngắm vài giây/Rồi vội vã đi ngay theo bàn tay Bác chỉ...” (trích nhật kí của bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn - bộ đội Trường Sơn, Đoàn 559 viết từ năm 1971 - 1975).

Bài thơ viết về Bác của bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn.

Bài thơ viết về Bác của bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn.

Nhắc đến Bác Hồ, bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn vẫn vẹn nguyên cảm xúc: “Đó là vào năm 1972 khi đang trên đường hành quân tôi chợt nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ được khắc tạc trên thân cây do một anh thương binh vẽ. Tôi chỉ được ngắm hình Bác vài giây rồi vội vã cùng đồng đội hành quân. Trên đường đi tôi vẫn nghĩ mãi về kỳ công của đồng chí thương binh đó, nó như tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong mỗi bước hành quân. Bài thơ viết về Bác tôi ấp ủ trong suốt dọc đường hành quân, ngay tối hôm đó tôi đã ghi lại bài thơ trong cuốn nhật ký của mình”.

Lá thư dặn chồng đến thăm “người chồng chưa cưới của em”

Cách đây 2 năm, năm 2022, tại sự kiện trưng bày, trao tặng hiện vật và giao lưu nhân chứng lịch sử mang chủ đề “Tình yêu qua chiến tranh” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với CLB “Trái tim người lính”, Hội Nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức, có một câu chuyện về lá thư dặn chồng đến thăm “người chồng chưa cưới của em” thu hút được nhiều sự quan tâm.

Đó là câu chuyện tình của nữ bộ đội Nguyễn Thị Hồng Nhãn và anh bộ đội Nguyễn Mạnh Cường. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hai người đã yêu nhau mà không đến được với nhau. Họ phải hy sinh chữ “tình” để làm tròn chữ “hiếu”. Năm 1971, khi tuổi xuân còn phơi phới, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Nhãn đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, được biên chế vào Binh trạm 15, kho Z4, Đoàn 559 bộ đội Trường Sơn làm nhiệm vụ khuân vác đạn dược, quân tư trang.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn và ông Nguyễn Mạnh Cường còn trẻ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhãn và ông Nguyễn Mạnh Cường còn trẻ.

Năm 1972, trong một lần đi công tác, chị Nguyễn Thị Hồng Nhãn bị sức ép của bom hắt xuống ngầm và bất tỉnh, chị đã được một đồng chí lái xe đưa đi cấp cứu tại bệnh viện dã chiến, 10 ngày sau tỉnh lại biết mình thoát chết, muốn gặp đồng chí lái xe để cảm ơn, nhưng không biết đồng chí đó tên gì, ở đơn vị nào. Mãi đến năm 1973 chị bất ngờ gặp lại người lái xe đã cứu sống mình một năm về trước tên là Nguyễn Mạnh Cường, quê Thái Bình. Cùng làm việc trong một đơn vị (D76, E11, F571 đoàn 559). Anh bộ đội Nguyễn Mạnh Cường đã dành sự quan tâm đến chị Nhãn và đem lòng yêu chị nhưng chưa được chấp nhận. Đến năm 1974, sau một trận ốm, chị được sự chăm sóc tận tình của anh Cường, cảm động trước tấm lòng chân thành ấy chị đã nhận lời yêu anh. Tình yêu của hai người được thông qua những lá thư gửi cho nhau, thể hiện tình cảm yêu quý, nhớ thương và hứa hẹn cùng nhau phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Năm 1975, chị Nhãn ra quân trở về địa phương, anh Cường vẫn ở đơn vị. Hai người thường viết thư cho nhau. Cuối năm 1976, chị Nhãn ít trả lời thư anh Cường hơn, vì lúc này gia đình, nhất là mẹ phản đối gay gắt mối quan hệ của hai người. Mẹ đã nói với chị: “Mày đi 4 - 5 năm rồi bây giờ mày lại đi lấy chồng thiên hạ nữa thì coi như mẹ mất con”. Nghĩ đến tình mẫu tử, chị đã rất khó khăn và khổ tâm khi đưa ra quyết định của mình, nhưng cuối cùng chị đành hy sinh chữ “tình” để làm tròn chữ “hiếu”.

Đến năm 1985, chị bị một trận ốm nặng tưởng không qua khỏi nên đã viết thư để lại dặn chồng và các con: “Nếu chẳng may điều kiện xấu nhất đến với em và sự xa cách đau thương đến với chồng và các con quá sớm… khi các con trưởng thành, anh hãy đưa địa chỉ này cho các con tìm đến thăm “người chồng chưa cưới” của em ngày sống trong quân ngũ, điều này anh hãy chiều và tha thứ cho em phòng khi em qua đời quá sớm, khi các con còn thơ dại chưa biết gì…!”.

Sau một thời gian sức khỏe hồi phục, lá thư được cất đi để làm kỷ niệm. Lá thư là một trong số 47 hiện vật mà cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn đã tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt nam lưu giữ. Hiện nay, cả bà Nhãn và ông Cường đều đã có gia đình riêng, con cái trưởng thành. Họ gặp nhau trong mỗi lần đơn vị tổ chức gặp mặt và coi nhau như người đồng đội, mối tình năm xưa chỉ là một kỷ niệm đẹp.

Trong chiến công vĩ đại trên đường Trường Sơn, lịch sử luôn ghi nhớ hơn 2 vạn nữ chiến sĩ đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân. Ảnh tại triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn của Bảo tàng Phụ nữ VN năm 2019

Trong chiến công vĩ đại trên đường Trường Sơn, lịch sử luôn ghi nhớ hơn 2 vạn nữ chiến sĩ đã hy sinh xương máu và cả tuổi thanh xuân. Ảnh tại triển lãm Kiêu hãnh Trường Sơn của Bảo tàng Phụ nữ VN năm 2019

... Trong chiến công vĩ đại của con đường Trường Sơn mang tầm vóc lịch sử, ngoài các chiến sĩ nam giới, không thể không nhắc đến gần 2 vạn nữ chiến sĩ từ khắp các địa phương trong cả nước tình nguyện trực tiếp đóng góp công sức chiến đấu với bao mồ hôi, nước mắt và xương máu, đánh đổi cả sự hy sinh của bản thân mình. Họ là những nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội thông tin, giao liên, quân y, văn công, lái xe, nhà văn, nhà báo, công binh… Con đường Trường Sơn đã để lại những cái tên trở thành huyền thoại như: Mười cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc; Tiểu đoàn nữ chiến sĩ Trưng Trắc của tỉnh Hà Tây; Đội nữ chiến sĩ lái xe mang tên người nữ anh hùng quân giải phóng miền Nam Nguyễn Thị Hạnh; Tiểu đoàn Vận tải 232 thuộc Cục hậu cần Quân khu V; hay những cái tên bất tử như: La Thị Tám, Nguyễn Thị Huấn, Hồ Thị Thu Hiền…

Những kỷ niệm và câu chuyện tình của cựu nữ chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Thị Hồng Nhãn nói trên là một trong rất nhiều kỷ niệm của cả một thế hệ thanh niên đã cùng nhau góp sức trai trẻ làm nên chiến thắng lịch sử của đất nước theo dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. “Chiến tranh” luôn là hai từ mà mỗi khi nhắc đến luôn gợi bao hình dung về sự tàn khốc, ác liệt và chia ly, nhưng với họ thì sức mạnh để vượt qua những năm tháng đau thương, mất mát đó chính là lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu Tổ quốc và tình yêu lứa đôi trong sáng, thiêng liêng. Họ đã viết nên những câu chuyện cùng năm tháng để mỗi khi nhắc lại, chúng ta lại càng trân trọng, thêm tin vào vào những điều đẹp đẽ luôn tồn tại trong cuộc sống.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cau-chuyen-cam-dong-ve-mot-cuu-nu-chien-si-truong-son-post514290.html