Câu chuyện của một 'thế hệ bông tuyết'

Gen Z đang phải đối mặt với những lời nhận xét như 'yếu đuối', 'có tí cũng trầm cảm' từ những thế hệ đi trước, luôn bị mặc định là một 'thế hệ bông tuyết'.

Cuộc khảo sát của Harmony Healthcare IT năm 2023 với 997 bạn trẻ Gen Z đã hé lộ bức tranh không mấy tươi sáng về sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ. Cụ thể, cứ 3 bạn trẻ thì có 1 bạn phải "chung sống" với những cơn hoảng loạn thường xuyên đến mức cần dùng thuốc điều trị.

Tương tự, một nghiên cứu của UNICEF năm 2015 đã hé lộ, từ 8% đến 29% trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam đang phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Điều này có nghĩa là, hàng triệu trẻ em Việt Nam đang âm thầm chịu đựng những nỗi lo âu, trầm cảm, hoặc những khó khăn về hành vi. Các vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại của các em mà còn có thể để lại những hậu quả lâu dài cho tương lai.

Khi các báo cáo liên tiếp chỉ ra những thách thức về sức khỏe tâm thần mà Gen Z đang phải đối mặt, biệt danh "thế hệ bông tuyết" đã nhanh chóng trở thành "nhãn dán" gắn liền với thế hệ trẻ hiện nay. Theo Từ điển Cambridge, cụm từ này miêu tả những người trẻ dễ bị tổn thương. Những “bông tuyết” sớm được nuôi dưỡng trong sự phát triển của công nghệ thông tin, mạnh về tri thức nhưng cũng thật mong manh, dễ vỡ.

Những "bông tuyết" liệu có dễ vỡ?

Mỗi ngày đến công ty, Phương Anh (25 tuổi, Đắk Lắk) đều canh cánh một nỗi lo âu khó tả. Áp lực công việc khiến cô nàng luôn trong trạng thái căng thẳng, sợ hãi và không thể tập trung làm việc hiệu quả. Mỗi sai sót nhỏ đều khiến Phương Anh lo lắng, sợ bị khiển trách và điều đó càng khiến công việc trở nên khó khăn hơn.

"Khi đó mình là sinh viên vừa ra trường, làm việc trong một công ty lớn áp lực hơn những gì mình nghĩ rất nhiều. Mình luôn trong trạng thái căng thẳng khi làm việc, sợ bản thân mắc lỗi sẽ bị sếp khiển trách, nên mọi việc càng không đạt hiệu suất.”

Gen Z hiện nay đang chịu áp lực từ nhiều phía. (Ảnh minh họa bởi AI)

Gen Z hiện nay đang chịu áp lực từ nhiều phía. (Ảnh minh họa bởi AI)

Và lựa chọn của Vân đó là tâm sự với gia đình với mong muốn sẽ được động viên và ủng hộ Vân tìm nơi làm việc khác phù hợp năng lực hơn. Tuy nhiên, phản ứng của gia đình lại khiến Phương Anh cảm thấy khá thất vọng. Thay vì được an ủi và động viên, cô nàng lại nhận được thái độ thờ ơ và những lời nhận xét quy chụp rằng thế hệ trẻ hiện nay đang quá yếu đuối và nhạy cảm. Nhưng Phương Anh vẫn khẳng định: "Miễn sao những thay đổi này giúp chúng mình trở nên tốt hơn, thì việc bị cho là 'yếu đuối' cũng không thành vấn đề".

Nguyễn Minh Nguyệt (23 tuổi, Hải Phòng) đưa ra một góc nhìn khác về nhận định cho rằng Gen Z là thế hệ "mong manh dễ vỡ". Theo Nguyệt, việc đánh giá này cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường sống và làm việc của mỗi người.

Cô nàng lấy ví dụ, trong môi trường làm việc, nếu phải đối mặt với những đồng nghiệp hoặc cấp trên "độc hại", bất kỳ ai, dù thuộc thế hệ nào, cũng sẽ cảm thấy khó khăn và dễ bị ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

"Việc kết luận vội vàng rằng Gen Z là một thế hệ "yếu đuối" là một sự đánh giá phiến diện và thiếu công bằng. Mỗi cá nhân, dù thuộc thế hệ nào, đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, và cách họ phản ứng trước những khó khăn trong cuộc sống cũng rất khác nhau", Nguyệt cho biết.

Cũng là một Gen Z, Nguyễn Ngọc Linh chia sẻ về lịch trình làm việc bận rộn của bản thân: 8 tiếng tại văn phòng, kèm thêm công việc tay trái là làm freelancer thiết kế, thường xuyên thức đêm đến 2 giờ sáng. Dù vậy, cô bạn vẫn cố gắng dành thời gian cho bản thân bằng những chuyến đi ngắn cùng bạn bè.

Linh cho biết, việc phải nghe những nhận xét như "suốt ngày than thở cần đi chữa lành" khiến cô cảm thấy không hề thoải mái: "Mọi người thường so sánh chúng mình với thế hệ trước, cho rằng chúng mình quá yếu đuối và nhạy cảm. Nhưng họ có lẽ không biết rằng, chúng mình đang sống trong một thời đại với quá nhiều áp lực và kỳ vọng khác nhau", Linh chia sẻ.

"Thế hệ Gen Z đang phải đối mặt với những áp lực từ nhiều phía. Bên cạnh công việc và học tập, các bạn trẻ còn phải đối mặt với những kỳ vọng xã hội, những so sánh với các thế hệ trước và cả những định kiến về sức khỏe tâm thần. Việc so sánh thế hệ Gen Z với các thế hệ trước và kết luận rằng họ 'yếu đuối' là một sự so sánh khập khiễng. Mỗi thế hệ đều có những khó khăn riêng và việc đánh giá một cách đơn giản như vậy là không công bằng", Linh tâm sự thêm.

Gen Z - Thủ lĩnh trong cuộc cách mạng về sức khỏe tinh thần

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cho biết, lý do Gen Z thường được gắn mác "thế hệ bông tuyết" là bởi họ thường thể hiện sự nhạy cảm hơn với các vấn đề xã hội và dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động xung quanh. Trưởng thành trong một thời đại đầy biến động như khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và áp lực từ mạng xã hội khiến Gen Z phải đối mặt với nhiều vấn đề tâm lý. Điều này khiến các bạn cảm thấy lo lắng, trầm cảm và đôi khi cảm thấy quá sức trước những khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, cách nuôi dạy và môi trường sống cũng góp phần hình thành nên tính cách nhạy cảm của nhiều bạn trẻ. Việc được bảo bọc quá mức của các bậc phụ huynh khiến thế hệ trẻ ít có cơ hội rèn luyện kỹ năng đối mặt với khó khăn.

Bên cạnh đó, chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn cũng cho rằng việc gọi Gen Z là "thế hệ bông tuyết" và đánh giá tính cách của một thế hệ là một cái nhìn mang đầy tính chủ quan. Bà nhấn mạnh rằng những nhận định này thường mang màu sắc cá nhân và bị ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội, văn hóa mà người đánh giá đang sống.

"Trong xã hội hiện đại, việc quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể hiện cảm xúc một cách chân thật đang được khuyến khích. Mỗi thế hệ đều có những đặc điểm riêng biệt và được hình thành trong những bối cảnh xã hội khác nhau. Việc so sánh và đánh giá một cách mang tính quy chụp là không nên".

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn: "Gen Z đang tạo ra một làn sóng mới trong cách chúng ta nhìn nhận về sức khỏe tinh thần"

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn: "Gen Z đang tạo ra một làn sóng mới trong cách chúng ta nhìn nhận về sức khỏe tinh thần"

Mặc dù được xem là thế hệ “dễ tổn thương”, Gen Z vẫn được coi là những người tiên phong trong việc tìm hiểu và chăm sóc sức khỏe tinh thần. "Gen Z đang dẫn đầu một cuộc cách mạng về sức khỏe tinh thần", chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn nhận định. Khác với các thế hệ trước, Gen Z không còn xem việc thừa nhận sự "yếu đuối" là một điều xấu hổ bởi các bạn hiểu rằng, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại.

"Gen Z đang tạo ra một làn sóng mới trong cách chúng ta nhìn nhận về sức khỏe tinh thần. Họ không chỉ quan tâm đến sức khỏe thể chất mà còn dành sự quan tâm lớn cho sự cân bằng về cảm xúc", bà cho biết thêm.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/cau-chuyen-cua-mot-the-he-bong-tuyet-post1670294.tpo