Câu chuyện của những nhà trị liệu bằng sách

Nhà triết học La Mã Cicero từng có một câu nói nổi tiếng: 'Nếu bạn có một khu vườn và một thư viện, bạn có mọi thứ bạn cần'.

 Giá trị của sách đã được nhìn nhận từ lâu. Ảnh: ABC Radio National.

Giá trị của sách đã được nhìn nhận từ lâu. Ảnh: ABC Radio National.

Câu nói này đã có từ khoảng 2.000 năm trước và vì thế, có thể thấy giá trị của sách và việc đọc sách đã được các nhà hiền triết nhận ra từ rất lâu rồi.

Và kể từ khi sách được phát minh, sách luôn được con người giới thiệu và chia sẻ khắp nơi, cho dù đó là quyển truyện tranh được chuyền quanh sân chơi, hay các cuốn sách được mọi người cùng chia sẻ trong một câu lạc bộ và thậm chí là những danh mục sách được khuyến khích cho các mùa trong năm đăng tải rộng rãi trên Internet.

Hiểu được những giá trị đó, đang có những nhà tâm lý sử dụng liệu pháp đọc sách để hỗ trợ khách hàng. Cô Lucy Pearson, Australia là một trong số đó. Công việc của cô là chia sẻ về một số cuốn sách dựa trên nhu cầu của khách hàng. Cuốn sách này có thể giúp khách hàng định hướng và làm phong phú cuộc sống.

Cô Pearson nói: “Khi bạn chỉ muốn giới thiệu một cuốn sách cho ai đó, bạn thường chỉ hỏi họ thích loại sách nào. Còn với liệu pháp đọc sách, việc tìm hiểu nhu cầu của mọi người sẽ đi sâu hơn một chút. Tôi cần hiểu những gì người đó mong muốn đạt được thông qua việc đọc sách".

Pearson đã bắt đầu hỗ trợ mọi người bằng liệu pháp đọc sách tại hiệu sách địa phương ở Bondi, Australia vào năm 2020.

Pearson chia sẻ: "Bạn phải có khả năng hiểu được những khó khăn mọi người đang trải qua và tìm cách giải quyết điều đó bằng một tác phẩm văn học hữu ích".

 Đọc sách là một phương pháp trị liệu tâm lý hữu ích. Ảnh: ABC Everyday.

Đọc sách là một phương pháp trị liệu tâm lý hữu ích. Ảnh: ABC Everyday.

Bắt đầu cuộc trò chuyện

Tuy nhiên, liệu pháp đọc sách không đơn giản là chia sẻ một cuốn sách giúp chữa lành tâm hồn hay giới thiệu cho ai đó những cuốn sách họ chưa đọc, dựa trên các tác phẩm mới phát hành hoặc đang ăn khách.

Susan McLain, một nhà tâm lý cũng trị liệu bằng liệu pháp đọc sách tại Thư viện Tiểu bang Victoria, cũng từng thực hiện phương pháp này tại các môi trường đông người như nhà tù.

Tiến sĩ McLain nói: “Điều tôi làm là chọn lọc những tác phẩm khác nhau, những cuốn sách thực sự phù hợp và dễ tiếp cận… và tôi sẽ thông qua đó để trò chuyện với mọi người, thảo luận về những điều chúng tôi có thể nhận được từ cuộc đối thoại này”.

"Những câu chuyện và thơ được viết theo cách giúp chúng ta cảm nhận được cảm xúc. Theo đó, chúng ta cũng sẽ có cảm xúc khi tìm hiểu chúng... Sau khi chúng ta đọc các tác phẩm này, chúng ta sẽ trò chuyện về điều đúc rút được từ những tác phẩm".

Những câu chuyện của họ có thể là về sự kiên cường, lòng trắc ẩn hoặc tình yêu. Tiến sĩ McLain nói rằng quá trình trị liệu sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của mọi người và giải pháp mà nhà tâm lý học nghĩ là cần thiết.

 Nhà trị liệu tâm lý sử dụng liệu pháp đọc sách Susan Mclain. Ảnh: Jasper Carn.

Nhà trị liệu tâm lý sử dụng liệu pháp đọc sách Susan Mclain. Ảnh: Jasper Carn.

Trong một lần trị liệu trong tù, tiến sĩ McLain đã đọc to cuốn My Left Foot, cuốn tự truyện của Christy Brown về trải nghiệm của ông với bệnh bại não. Từ đó, tiến sĩ bắt đầu cuộc trò chuyện về tình yêu thương vô điều kiện.

Bà McLain chia sẻ: “Mục tiêu là tạo ra một loại không gian nhẹ nhàng mà họ cần”.

Tiến sĩ McLain cho biết mọi người thường không tin tưởng lắm về liệu pháp đọc sách khi mới bắt đầu buổi trị liệu nhưng sự không chắc chắn đó nhanh chóng tan biến.

Đưa ra ví dụ về phiên trị liệu tại nhà tù, bà McLain cho biết quá trình đọc sách và thảo luận đã có tác động sâu sắc đến các tù nhân.

"Không mất nhiều thời gian để thấy hiệu quả trị liệu... Mọi thứ diễn ra khá ổn, một số người trong số họ sẽ gục đầu xuống bàn và ôm đầu nói chuyện đầy nghĩ ngợi sau khi chúng tôi đọc sách".

Tiến sĩ Mclain cho biết đến cả nhà tâm lý học trong tù cũng nhận thấy tác dụng của liệu pháp đọc sách. "Phản hồi rất nhanh chóng là liệu pháp này đã tạo ra sự khác biệt", bà McIain bày tỏ.

Điều kiện để trở thành nhà tâm lý trị liệu bằng phương pháp đọc sách

Trong khi nền tảng của bà Pearson là viết blog về sách, thì tiến sĩ McLain đã theo học liệu pháp đọc sách một cách chính thức tại Vương quốc Anh và bà đang thực hiện một chương trình đào tạo về liệu pháp này tại Australia.

Cả hai đều chia sẻ rằng bất cứ ai cũng có thể sử dụng các tác phẩm văn học để trị liệu cho mọi người.

Tiến sĩ McLain nói: “Chỉ cần đọc một cuốn sách để bắt đầu liệu pháp này. Nếu bạn đang làm điều đó để thư giãn hoặc để giúp bản thân phân tán sự tập trung thì đó chính là liệu pháp đọc sách”.

"Hay nếu bạn đang đọc một cuốn sách self-help vì được một chuyên gia tư vấn hoặc bác sĩ đa khoa gợi ý cho bạn thì đó cũng là liệu pháp đọc sách", bà McLain chia sẻ.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-cua-nhung-nha-tri-lieu-bang-sach-post1364381.html