Câu chuyện dài lâu

Niềm vui sau 9 năm ròng rã đàm phán bằng việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 30-6 thật sự rất to lớn. Song, trong niềm vui ấy cũng phải nói về những yêu cầu về lâu về dài với rất nhiều việc phải làm để tận dụng những cơ hội lớn mà 2 hiệp định này mang lại, cũng như hạn chế những tác động bất lợi.

Một số những thách thức có thể kể đến là các yêu cầu về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có thể khó đáp ứng. Thông thường hàng hóa muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU và/hoặc Việt Nam). Bên cạnh đó, EU là một thị trường yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm. Dù có được hưởng lợi về thuế quan thì hàng hóa của Việt Nam cũng phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng để có thể vượt qua được các rào cản dày đặc, từ TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại), SPS (các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), cho đến các yêu cầu thiên biến vạn hóa khác của những khách hàng giàu có nhưng khó tính. EU đồng thời cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa… Bên cạnh đó còn là những cam kết về lao động và công đoàn với những tiêu chuẩn rất cao - vốn là ưu tiên của EU, nhưng khác biệt với đặc thù thể chế của Việt Nam.

Về đầu tư, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba. Hiệp định IPA có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh và - rất đáng lưu ý - cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài...

Dễ thấy xây dựng cơ chế để triển khai thống nhất, đồng bộ và hiệu quả cam kết của EVFTA, bao gồm nội luật hóa, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực thi cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ... đã là một khối lượng công việc rất lớn.

Với EVIPA, đó là yêu cầu rà soát, công bố và kiểm soát chặt chẽ các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, đẩy mạnh công tác phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước; xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư và văn bản hướng dẫn để thực thi có hiệu quả chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các ngành sử dụng công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, dự án sản xuất có quy mô lớn, dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng nhiều lao động, dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, dự án thực hiện trong các lĩnh vực xã hội hóa đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Cũng sẽ không thể thiếu những chính sách hỗ trợ (trong khuôn khổ cam kết) nhằm khuyến khích sự phát triển các DN nhỏ và vừa, DN dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập, hỗ trợ DN thâm nhập và phát triển thị trường thông qua các kênh hợp tác kinh tế, xúc tiến thương mại và đầu tư, bao gồm hỗ trợ giải quyết vướng mắc, khó khăn phát sinh tại các thị trường xuất khẩu...

Đặc biệt, theo khuyến nghị của các chuyên gia kỳ cựu, Chính phủ cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ tư pháp liên quan đến giải quyết tranh chấp hợp đồng. Một mặt sớm thiết lập cơ chế hiệu quả để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch cũng như cơ chế công nhận và bảo đảm thực thi phán quyết của tòa án, trọng tài nước ngoài, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư, kinh doanh; mặt khác, cần thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, củng cố niềm tin để các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn.

Cần nói thêm rằng, mặc dù Việt Nam đã tham gia WTO gần 13 năm nay (từ ngày 7-11-2006) và WTO thậm chí được coi là “đã có dấu hiệu lỗi thời”, thì đến nay Bộ Tư pháp vẫn đang phải tổ chức các lớp phổ biến kiến thức về WTO, thậm chí những lớp học như thế vẫn còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu!

Về phía DN trong nước, có lẽ không thừa khi nhắc lại luật chơi của thị trường: “không có bữa trưa nào miễn phí”. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương TS Nguyễn Đình Cung cho rằng nhiều DN biết đến EVFTA, song hầu hết đều không biết cụ thể về hiệp định, một phần do tính chất bảo mật trong quá trình đàm phán EVFTA; nhưng mặt khác, cũng còn do DN không chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho hiệp định quan trọng này.

Kỳ vọng của DN với tác động của EVFTA, theo TS Nguyễn Đình Cung, dường như cũng không rõ ràng. Phần đông DN không chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội và hạn chế tác động bất lợi. Một số DN có chuẩn bị nhưng chỉ ở mức cơ bản, tập trung vào những hoạt động dễ thực hiện hoặc ít tốn kém.

Ký được FTA với EU (trong ASEAN, Việt Nam là nền kinh tế thứ 2, sau Singapore đã có trong tay hiệp định này) là một điều đáng tự hào. Từ nay cho đến khi được Quốc hội các bên phê chuẩn sẽ còn một khoảng thời gian, có thể kéo dài tới một năm nữa. Đó là khoảng thời gian vô cùng quý giá để Chính phủ và cộng đồng DN Việt Nam tranh thủ biến niềm vui khi ký kết trở thành những lợi ích thực tế có thể cầm nắm được.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cau-chuyen-dai-lau-602393.html