Câu chuyện đáng ngẫm 'Sao chồng không kiếm 30 triệu để vợ đỡ áp lực?'
Kinh tế trong nhà tệ hại không phải lỗi 100% thuộc về người đàn ông. Phụ nữ cũng nên nhìn nhận lại vai trò của mình.
Câu chuyện về việc ai cáng đáng, đảm đương kinh tế trong hôn nhân vốn có nhiều chiều quan điểm. Ai cũng biết rằng tiền bạc là điều rất nhạy cảm nhưng cũng rất quan trọng sau khi hai vợ chồng kết hôn. Những quan điểm sai lầm rất dễ dàng dẫn được một cuộc hôn nhân thất bại.
Cô vợ đòi hỏi chồng kiếm thêm tiền để mình đỡ áp lực
Mới đây, một cô vợ đăng tải bài viết chia sẻ về những mâu thuẫn trong nhà. Chuyện như sau:
"Tôi 34 tuổi, có 1 con 5 tuổi, chồng làm văn phòng lương mỗi tháng 15 triệu đồng.
Tôi đã trải qua nhiều công việc: Văn phòng, buôn bán nhỏ, thuê mặt bằng kinh doanh... Tất cả đều không đem lại kết quả gì. Tình hình hiện tại của tôi là có một mặt bằng thuê 5 triệu mỗi tháng nhưng bán hàng chẳng có lời bao nhiêu. Mỗi tháng kiếm được vài ba triệu, có tháng phải đi vay tiền nhà ngoại để trả.
Tôi cũng nợ nhà ngoại 170 triệu đồng mà chưa biết lúc nào mới trả được.
Lương của chồng thấp, chỉ đủ trả tiền thuê nhà và cho con học trường mầm non, còn lại một phần lo chi phí ăn uống. Tháng nào nhà tôi cũng thâm hụt và phải đi mượn tiền. Vì tiền, ngày nào vợ chồng cũng cãi vã.
Trong phút nóng giận, tôi yêu cầu ly hôn. Chồng nói viết đơn đi anh ký. Anh không chút đắn đo hay suy nghĩ gì. Tôi biết mình là gánh nặng của chồng vì mấy năm qua không phụ anh kinh tế, làm ăn đâu thất bại đó. Nhưng tôi luôn nghĩ, trụ cột kinh tế phải là đàn ông. Phụ nữ có đi làm cũng chỉ nên thêm thắt vào thôi. Xưa nay đàn ông cần cáng đáng toàn bộ chi phí trong nhà.
Bây giờ lương anh chi có 15 triệu, tại sao anh không cố lên 25-30 triệu đồng như người ta cho tôi đỡ áp lực và nặng nề hơn.
Đàn ông là trụ cột, tại sao anh không nghĩ vậy mà cố gắng? Bây giờ tôi chỉ muốn buông xuôi thôi, chẳng còn gì níu kéo được. Chuyện tiền bạc, nợ nần khiến vợ chồng cãi vã suốt ngày khiến tôi phát điên. Nếu tôi buông hết có được quyền nuôi con hay không?".
Câu chuyện đăng tải đã khiến cho dân mạng đưa ra nhiều bình luận khác nhau. Quả thật, kinh tế luôn là chuyện lớn và nó có thể ảnh hưởng đến hôn nhân bất cứ lúc nào.
Quan điểm sai lầm của phụ nữ về kinh tế
Trong câu chuyện trên, người vợ luôn nhấn đi nhấn lại rằng cô nghĩ đàn ông là trụ cột, cần kiếm nhiều tiền còn phụ nữ thì không. Có thể chính vì sự phụ thuộc đó đã khiến cô phải khổ sở, chỉ biết đổ lỗi cho người khác về vấn đề tiền bạc.
Đành rằng, đàn ông cần phải biết vươn lên, luôn hướng đến những mục tiêu cao hơn trong cuộc sống. Cả tiền lương cũng thế, một khi lâm vào tình cảnh túng thiếu, tháng nào cũng thâm hụt thì phải tìm cách thay đổi tình thế. Nhưng như vậy không có nghĩa phụ nữ có quyền trách móc, quy kết toàn bộ trách nhiệm đó cho anh.
Phụ nữ cũng là một phần của cuộc hôn nhân, nên biết cách tự thay đổi mình, tự nâng cao sự đóng góp để kinh tế gia đình thay đổi.
Từ trước đến nay, có không ít phụ nữ tồn tại quan niệm sai lầm là kinh tế trong nhà đàn ông cáng đáng, bản thân mình chỉ đi làm cho có, tiền bạc không đáng tính đến. Vì quan niệm đó, họ không chủ động vươn lên, chỉ biết cách ủ ê, trách móc trước tình cảnh không tốt của tiền bạc trong nhà.
Một cuộc hôn nhân muốn hạnh phúc thì cần cả hai người cùng chung tay vun đắp. Kinh tế, tiền bạc là một trong những nền tảng hôn nhân. Bởi vậy, cần cả hai bên phải cáng đáng, lo toan chứ đừng đóng đinh vào quan điểm đàn ông là trụ cột, đàn ông lo tất.
Giữ vững suy nghĩ đó không chỉ nguy hiểm với mối quan hệ mà còn nguy hiểm với động lực của chính phụ nữ. Họ không kiếm được tiền, không có nỗ lực kiếm tiền, cuộc sống phụ thuộc, tâm trạng chỉ còn biết chán nản ủ ê. Và đúng như nỗi lo mà chủ nhân câu chuyện ở trên kể nếu cả hai chia tay. Một người vợ không có kinh tế thì làm sao có thể giành được quyền nuôi con.
Nếu "cuộc chiến" ly hôn nổ ra, cô vợ này sẽ bất lợi hoàn toàn bởi nuôi mình còn không xong thì làm sao nuôi một đứa trẻ. Không làm ra tiền, phụ thuộc kinh tế, người phụ nữ đã đánh mất quyền tự chủ của chính bản thân mà không hề hay biết!