Câu chuyện đảo quốc bị nước biển nhấn chìm – Bài 1: Chúng tôi đang biến khỏi trái đất

Nếu tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu tiếp tục tăng lên, phần lớn diện tích của Tuvalu có nguy chìm dưới biển.

Hồi tháng 2, một cơn bão mạnh đã đổ bộ vào Tuvalu, kèm theo đó là đợt thủy triều lớn. Những đợt sóng mạnh nhấn chìm hai bên sườn của Fongafale – đảo chính của Tuvalu, để lại những mảnh vụn trên con đường chính của hòn đảo.

Mặt biển trở nên tối tăm và dữ dội. Vào thời điểm đó, nhiếp ảnh gia 25 tuổi Gitty Yee chộp lấy máy ảnh và chạy về phía vùng nước xoáy để ghi lại khoảnh khắc bão đến.

“Đó thực sự là thảm họa tồi tệ nhất mà tôi từng thấy. Nó thực sự đã phá hủy rất nhiều ngôi nhà. Nó phá hủy một số đê chắn sóng và nước ngập đến đầu gối của chúng tôi” – cô nói.

 Tuvalu nhìn từ trên cao. Ảnh: CNA

Tuvalu nhìn từ trên cao. Ảnh: CNA

Giữa sự hỗn loạn, người bản xứ Tuvalu hướng ánh mắt về phía những đứa trẻ địa phương đang ra ngoài biển bơi lội, thích thú với làn sóng và không biết gì về những nguy hiểm của một Thái Bình Dương đang giận dữ.

Theo cô Yee, mỗi lần thủy triều lên, nước sẽ tràn lên ngập một phần hòn đảo.

Cuộc chiến thực sự

Tuvalu - đảo quốc hình vành khuyên có rạn san hô bao quanh. Đảo quốc nhỏ bé này được dự báo sẽ là một trong những quốc gia đầu tiên biến mất vì biến đổi khí hậu, do nước biển dâng cao, bào mòn những bờ biển mỏng manh, theo đài CNA.

Nguy cơ bị nước biển nhấn chìm đã thúc đẩy Tuvalu luôn đưa ra tiếng nói mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, chính tiếng nói này đôi khi khiến một số nước có lượng phát thải cao không hài lòng.

Theo kịch bản phát thải toàn cầu cao – giả định rằng lượng phát thải khí nhà kính trên thế giới tiếp tục tăng ở mức hiện tại và xem xét cơ sở hạ tầng hiện có của Tuvalu, 95% thủ đô Funafuti dự kiến bị ngập lụt hàng ngày vào cuối thế kỷ này. Theo kịch bản này, người dân sẽ không thể ở được tại Funafuti, có thể sớm nhất là vào năm 2050.

Với những dự đoán khoa học như trên, Tuvalu đã trở thành điển hình cho viễn cảnh ngập lụt do mực nước biển dâng.

"Dù biết rất rõ rằng nước biển dâng đang tàn phá cuộc sống và người dân của chúng tôi, chúng tôi không thể làm gì được” – Bộ trưởng Bộ biến đổi khí hậu Tuvalu – ông Maina Talia nói.

 Xói mòn ảnh hưởng lớn đến bờ biển Tuvalu. Ảnh: CNA

Xói mòn ảnh hưởng lớn đến bờ biển Tuvalu. Ảnh: CNA

Những câu hỏi lớn được đặt ra là tương lai của những đứa trẻ ở đảo quốc này sẽ như thế nào và chúng sẽ sống ở đâu, trong viễn cảnh nơi ở của chúng bị nước biển nhấn chìm.

Câu hỏi này khiến các nhà nghiên cứu tò mò và thôi thúc họ tới Tuvalu để tìm hiểu điều gì đang xảy ra. Ngay cả người dân địa phương, họ cũng mang câu hỏi này vào trong cuộc sống đời thường của họ.

Tại một trong những nhà nghỉ ở Funafuti, áo phông được bày bán phía sau quầy lễ tân. Trên áo phòng có dòng chữ “Tuvalu, tuyến đầu chống biến đổi khí hậu” và “Tuvalu, nơi biến đổi khí hậu là hiện thực”.

Nhưng đối với những người tham gia cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, tình hình hiện nay không đơn thuần như những khẩu hiệu kia. Đó là vấn đề cứu một quốc gia, một nền văn hóa và một dân tộc.

Quyền tự do rời đi

Trong khuôn khổ hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow (Anh) vào năm 2022, Bộ trưởng Ngoại giao lúc bấy giờ của Tuvalu – ông Simon Kofe đã đứng trên bục phát biểu, nước ngập tới đầu gối ở mũi phía bắc của Fongafale và có một bài phát biểu đầy nhiệt huyết về tác động của biến đổi khí hậu đối với đất nước ông và thế giới.

“Chúng ta không thể chờ đợi các bài phát biểu trong khi mực nước biển xung quanh chúng ta ngày càng dâng cao. Chúng tôi đang chìm và mọi người cũng vậy” – ông nói.

Kể từ hội nghị đó đến nay, tình hình vẫn không thay đổi nhiều, nước vẫn dâng và người dân Tuvalu vẫn sống trong mối đe dọa bị nhấn chìm.

 Người dân Tuvalu bên bờ biển. Ảnh: CNA

Người dân Tuvalu bên bờ biển. Ảnh: CNA

Nước biển thường xuyên tràn vào nhà cửa và cơ sở kinh doanh của người dân. Nhiều nơi tại Tuvalu rộng chỉ tính hàng mét và từ đầu đến cuối đảo Fongafale chỉ dài 12 km.

Về phía chính phủ Tuvalu, họ đã thực hiện nhiều biện pháp chủ động để bảo vệ đất đai của họ và đảm bảo nơi sinh sống cho thế hệ tương lai.

“Chúng ta không thể chờ đợi các bài phát biểu trong khi mực nước biển xung quanh chúng ta ngày càng dâng cao. Chúng tôi đang chìm và mọi người cũng vậy”

Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Tuvalu – ông Simon Kofe.

Vào tháng 9-2023, hiến pháp nước này đã được sửa đổi. Trong đó, Hiến pháp Tuvalu tuyên bố rằng tư cách nhà nước của Tuvalu sẽ tồn tại vĩnh viễn, bất kể lãnh thổ thực tế của quốc gia này có bị mất hay không.

Về mặt lý thuyết, đó là một động thái củng cố sự tồn tại của quốc gia Tuvalu, nhưng làm dấy lên một cuộc thảo luận khác về khả năng chuyển toàn bộ đất nước đến một nơi mới.

Hiện tại, chính phủ Tuvalu vẫn khẳng định việc di cư không nằm trong chương trình nghị sự của họ.

“Chính phủ của chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng việc di cư là điều không thể. Nhưng đó là vấn đề lựa chọn của người dân chúng tôi. Mọi người có quyền tự do rời đi nếu họ muốn” – ông Talia nói.

 Nơi hẹp nhất ở Tuvalu chỉ rộng vài mét. Ảnh: CNA

Nơi hẹp nhất ở Tuvalu chỉ rộng vài mét. Ảnh: CNA

Ông cũng giải thích rằng chính quyền sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các quy trình và lộ trình để người dân Tuvalu đưa ra quyết định về việc di cư hay không, đồng thời sẽ nỗ lực bảo vệ nơi ở của người dân.

“Vai trò của chúng tôi với tư cách chính phủ là đảm bảo rằng chúng tôi giữ cho Tuvalu tồn tại vì nếu chúng tôi di cư đến những nơi khác trên thế giới, một ngày nào đó, các con tôi sẽ hỏi tôi: Tuvalu ở đâu? Chúng tôi đến từ đâu? Và Tuvalu đã biến mất khỏi bề mặt Trái đất” – ông nói.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/cau-chuyen-dao-quoc-bi-nuoc-bien-nhan-chim-bai-1-chung-toi-dang-bien-khoi-trai-dat-post801480.html