Câu chuyện đời thật về Trịnh Công Sơn và Dao Ánh: 'Tình chị duyên em' và 300 bức thư tình lãng mạn xuyên thế kỷ!
Xem Em Và Trịnh, bạn đã biết gì về mối tình 'kinh điển' giữa Trịnh Công Sơn và 'nàng thơ' Ngô Vũ Dao Ánh?
(Bài viết có tiết lộ nội dung phim)
Những ngày qua, 2 bộ phim Em Và Trịnh cũng như Trịnh Công Sơn thực sự đã khiến dư luận chú ý. Dẫu vẫn mang về 2 luồng ý kiến trái chiều rõ rệt, song không thể phủ nhận 2 phim điện ảnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đã khiến công chúng nhớ về Trịnh Công Sơn - người nhạc sĩ lãng mạn bậc nhất trong lịch sử âm nhạc Việt Nam hiện đại. Cuộc đời của nhạc sĩ họ Trịnh lắm truân chuyên, nhiều thăng trầm gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Song song với đó, hậu thế cũng luôn hướng về những "nàng thơ" trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn - những nguồn cảm hứng bất tận tạo nên những tuyệt phẩm trong nền âm nhạc Việt Nam.
Một trong những nàng thơ nổi tiếng nhất của nhạc sĩ họ Trịnh chắc chắn phải kể đến Ngô Vũ Dao Ánh. Một "ánh hướng dương" trong trẻo, tươi vui làm bừng sáng cuộc đời người nhạc sĩ, để rồi khi ra đi để lại hai mươi năm chờ đợi cho một lời hồi đáp. Câu chuyện tình giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh dẫu trải qua nhiều thập niên, nhưng vẫn dễ khiến công chúng nao lòng khi đọc lại những lá thư tình, nghe lại những nhạc khúc được viết nên trong cuộc tình của cả hai.
Trong bộ phim Em Và Trịnh và Trịnh Công Sơn, khán giả có thể biết được hoàn cảnh gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn và Ngô Vũ Dao Ánh vừa... éo le, nhưng cũng vô cùng đáng yêu. Trịnh Công Sơn trong một lần hội ngộ cùng nhóm bạn trong "Tuyệt Tình Cốc" đã bắt gặp bức tranh vẽ nàng Ngô Vũ Bích Diễm, trót đem lòng say mê và được nhóm bạn tìm cách để đưa anh gặp được "người thật việc thật".
Khi nhóm bạn đến nhà Bích Diễm, em gái của Diễm - Dao Ánh là người ra mở cửa. Đây cũng là lần gặp mặt đầu tiên giữa Trịnh Công Sơn với Dao Ánh. Theo diễn biến của bộ phim, sau khi "nàng thơ" Bích Diễm chối từ tình cảm rồi sau đó đi du học, chàng thanh niên Trịnh Công Sơn đã mang trái tim gửi lại cho Dao Ánh. Mối tình của cả hai khắc ghi bằng hàng trăm lá thư được Trịnh Công Sơn viết những ngày ở B'lao dạy học và cho đến tận những năm tháng cuối đời...
Vậy câu chuyện ngoài đời của cả hai ra sao?
Dao Ánh - "đóa hướng dương" và 300 bức thư tình cho đến tận những năm tháng cuối đời của Trịnh Công Sơn
Có thể thấy đoàn làm phim đã khắc họa tương đối chính xác nhiều sự kiện trong cuộc tình đầy lãng mạn giữa Trịnh Công Sơn với "nàng thơ" Dao Ánh. Theo chia sẻ của bà Trịnh Vĩnh Trinh - em gái của Trịnh Công Sơn - thì Dao Ánh là "người gốc Bắc, đẹp, cao, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất dịu dàng. Chị không thích ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo, rất hợp với anh Sơn".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân kể lại mối duyên gặp gỡ giữa Trịnh Công Sơn với Ngô Vũ Dao Ánh, khá tương đồng với tình tiết diễn ra trong phim : "Có một điều lúc ấy Sơn không để ý: Những lúc Trịnh Công Sơn đến nhà Diễm, thì Ngô Vũ Dao Ánh - em gái của Diễm còn là một cô bé, nhỏ hơn Diễm đến bốn năm tuổi, chạy loăng quăng theo chị...."
Không ngờ chỉ mấy năm sau Dao Ánh trở thành một thiếu nữ xinh đẹp với khuôn mặt bầu bĩnh, dễ thương khác thường. Với cái cầu đã bắc từ hồi yêu Bích Diễm, nay Bích Diễm đã vào học Đại học ở Sài Gòn, tâm hồn của Sơn qua cây cầu cũ, nói như Đinh Cường "Sơn lại da diết với cái dáng vẻ khoan thai, áo lụa vàng của Dao Ánh để rồi thất vọng, để rồi...".
Nếu như Bích Diễm chỉ là một đoạn tình thoáng qua thì với người em Dao Ánh mới thực sự sâu nặng. Lời thư Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh đẫm chất thơ, đầy cảm xúc làm hậu thế không khỏi rung động. Ví dụ như, trong một bức thư viết vào ngày 22/2/1965, Trịnh Công Sơn bày tỏ nỗi nhớ với người con gái xứ Huế mộng mơ: "Anh đang viết ở bưu điện, quanh anh sương không còn nhìn thấy nhau. Buổi sáng hoa hồng nở rất tuyệt diệu. Anh không còn lời nào để nói bởi vì tất cả đã âm thầm biến mất khỏi anh. Anh chỉ còn một ngôn ngữ này để gửi về: Ánh có còn đó không? Nhớ nhung ngút ngàn.
Dao Ánh! Bao nhiêu sương mù mang tên đó, trên vùng cao anh mãi ngước nhìn. Hãy kể cho anh nghe. Hãy nói chuyện với anh. Đã có gì qua ở đó. Anh nhớ mãi một loài nga mang tên Dao Ánh và mang tên hoa mặt trời. Hoa hồng và sương mù xin chất đầy trên hai tay Ánh đây".
Gần 3 năm liên lạc với hàng trăm bức thư nồng nàn, phải tới năm 1966, tức là khi Dao Ánh bước sang tuổi 18, còn Trịnh Công Sơn 27 tuổi, ông mới ngại ngùng viết lời yêu: "Dao Ánh, có một điều không nên nói ra mà vẫn phải nói trong lúc uống thật say để có đủ can đảm nghe lời phủ nhận hay cái gật đầu: Anh yêu Ánh... Nếu điều đó không làm Ánh phiền lòng thì hãy đến bên anh bằng một dáng dấp khác, bằng một thời khắc và bằng một vẻ nồng nàn mà anh hằng mong đợi".
Sau lời tỏ tình đó, họ chính thức yêu nhau, Khi đó, Dao Ánh là nữ sinh của trường Đồng Khánh, còn Trịnh Công Sơn đang giảng dạy ở B'lao (Lâm Đồng).
Năm 1967, chuyện tình của họ tan vỡ khi Trịnh Công Sơn chủ động chia tay Dao Ánh chỉ sau 5 tháng ông chính thức ngỏ lời yêu. Trong bức thư chia tay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết: "Một quyết định thật khó khăn và chẳng ai trong cuộc dám dứt khoát với chính mình. Quyết định nào cũng có sự khổ sở của nó. Anh cam đành là kẻ bội bạc để mở cho Ánh sự ngạt thở bấy lâu, trong đó người này hay kẻ kia đã cố gắng đóng cho trọn vai trò của mình. Anh xin cảm ơn 4 năm ròng rã nâng niu tình yêu đó, cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được...".
Sau khi chia tay nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh sang Mỹ và lập gia đình. Dù vậy, họ vẫn giữ liên lạc với nhau. Sau 20 năm xa cách, Dao Ánh bất ngờ trở về Việt Nam. Gặp lại người yêu cũ, nhạc sĩ viết tặng bà ca khúc Xin Trả Nợ Người trong đó có những lời đầy day dứt: "Nỗi buồn xin lỗi bàn tay. Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình...". Khi trở lại Mỹ, Dao Ánh ly hôn.
Những tuyệt phẩm âm nhạc gọi tên mối tình Trịnh Công Sơn - Dao Ánh
Đáng chú ý, mối tình sâu nặng giữa Trịnh Công Sơn và Dao Ánh suốt nhiều thập niên chỉ được biết đến trong nội bộ gia đình nhà Trịnh, công chúng gần như không biết suốt nhiều năm. Phải đến tận 10 năm sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời (2011), Dao Ánh và gia đình nhạc sĩ họ Trịnh chính thức công bố 300 lá thư mà nhạc sĩ từng gửi cho Dao Ánh trong thời gian ông dạy học ở B’lao vào những năm thập niên 1960, công chúng "sững sờ" và bắt đầu biết đến sự xuất hiện của Dao Ánh trong những sáng tác cực kỉ nổi tiếng của Trịnh Công Sơn. Những bức thư tình của nửa thế kỷ trước đó đã giúp người yêu nhạc hiểu thêm về Trịnh và âm nhạc Trịnh, về tâm hồn lãng mạn đến choáng ngợp của người nhạc sĩ tàu khoa.
Càng bất ngờ hơn cả là nhiều ca khúc quen thuộc và nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, vốn được truyền tụng rằng được viết cho "nàng thơ", "bóng hồng" kia nhưng đến cuối cùng tất cả chỉ là cho Dao Ánh.
Ca khúc đầu tiên mà Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh là Còn Tuổi Nào Cho Em, thông tin này được tiết lộ qua thư B'lao mà nhạc sĩ gửi cho "nàng thơ" vào ngày 31/12/1964: "Ánh có buồn lắm không. Hãy ngước mắt lên cho anh nhìn. Mây sẽ kết trên vùng mắt đó. Anh đã nói như thế trong lời ca Còn Tuổi Nào Cho Em cho Ánh, có bằng lòng thế không?"
Ca khúc tiếp theo là Dấu Chân Địa Đàng, nhạc phẩm được sáng tác vào khoảng năm 1964 trong lúc Trịnh Công Sơn vẫn đang dạy học ở B'lao. Từ thành thị về một vùng núi hẻo lánh, nhạc sĩ bị đưa vào một vùng đất vắng vẻ, heo hút, tình yêu với Dao Ánh như một sự ủi an tâm hồn cho người nghệ sĩ, một tia sáng ấm áp giữa núi rừng tăm tối. Ca khúc Tiếng Hát Dạ Lan ra đời và sau đó được đổi thành Dấu Chân Địa Đàng.
Sau đó, Trịnh viết Mưa Hồng cho Dao Ánh: "…Anh hát lại bản Mưa Hồng mà anh đã viết cho những ngày tháng Ánh giận anh ở Huế. Bản nhạc hát lại bỗng thấy buồn hơn. Có lẽ Ánh chưa nghe bản ấy vì từ dạo đó về sau anh chỉ gặp Ánh một hai lần gì đó rất ngắn và bặt tăm luôn. Có lẽ anh sẽ đổi lại đầu đề Tuổi Đá Buồn. Ánh nghĩ sao? Ánh có giận gì anh mà lâu thế anh không được tin. Hãy viết thư cho anh dù rất ngắn cũng được. Anh mong lắm". Bức thư viết ngày 6/12/1964, trùng với thời gian ca khúc Mưa Hồng ra đời.
Rồi đến Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng như bức thư ông gửi ngay sau khi hoàn tất nhạc phẩm: "Blao, 26/2/1965 Dao Ánh, Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mọn mọt của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh. Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru Mãi Ngàn Năm hay Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng."
Ca khúc cuối cùng mà Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh ra mắt sau cuộc chia tay chừng 20 năm - Xin Trả Nợ Người. Như chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân: "...Không ngờ hai mươi năm sau, trải qua bao nhiêu dâu bể, từ bên Mỹ, Dao Ánh trở về Việt Nam tìm Trịnh Công Sơn. Không rõ Dao Ánh nói gì với Sơn, và còn gì nữa không, mà anh đã rất hài lòng với thực tại "Hai mươi năm xin trả nợ dài, Trả nợ một đời em đã phụ tôi" (Xin Trả Nợ Người). Trong hai mươi năm ấy, Dao Ánh đã có gia đình, đã hiểu rõ cuộc đời, nên "hết phụ" tình Trịnh Công Sơn.
Như Đinh Cường đã viết: "Tháng cuối cùng trước khi Sơn mất, Dao Ánh về thăm, suốt tuần sáng nào cô cũng đến ngồi trên chiếc xe lăn của Sơn, chỉ còn biết nhìn Sơn, cho đến chiều tối mới về nhà." Trịnh Công Sơn yêu Dao Ánh phải trải qua hai mươi năm mới "nhận" được lời đáp. Tuy đã quá muộn, nhưng trên cõi đời nầy có mấy ai được yêu và được nhận có một khoảng cách dài lâu đến thế đâu!
Năm 2004, chính tay Dao Ánh thực hiện một CD nhạc mang tên Lời Của Giòng Sông để tưởng niệm nhạc sĩ, khi đó bà đã đích thân đọc lại trích thư mà cố nhạc sĩ đã gửi hồi 40 năm trước đó. CD mang tên Lời Của Giòng Sông, nghĩa là Dao Ánh tự nhận mình là "giòng sông", một hình ảnh xuất hiện đôi lần trong nhạc Trịnh. Khán giả không khỏi xúc động khi nghe chính "nàng thơ" của Trịnh Công Sơn đọc lại chính những lời mà ông viết cho bà.
Những năm tháng cuối đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị bệnh nặng. Bà Dao Ánh thường về Việt Nam chăm sóc ông. Ngày 17/1/2001, dù đang nằm trên giường bệnh, không còn khả năng viết, Trịnh Công Sơn vẫn nhớ tới Dao Ánh. Ông nhờ bạn gõ lại một bức thư và gửi email cho bà, đó cũng là bức thư cuối cùng mà "đôi tình nhân" trao gửi cho nhau. Như vậy, trong 37 năm từ khi gặp Dao Ánh đến cuối đời, Trịnh Công Sơn đã viết cho bà hơ 300 bức thư. Những bức thư này luôn được Dao Anh giữ gìn cẩn thận như minh chứng cho một mối tình lãng mạn bậc nhất của lịch sử âm nhạc Việt Nam.