Câu chuyện gắn sao OCOP cho củ nghệ Bắc Kạn
BBK -Nhờ xây dựng tốt vùng nguyên liệu đến quy trình sản xuất, cho ra sản phẩm nghệ chất lượng, đến nay HTX Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng (TP. Bắc Kạn) đã có các sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh và đang từng bước vươn ra thị trường lớn.
Chị Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành chia sẻ: "Từ nhiều đời nay, nghệ vốn được sử dụng trong bữa ăn và làm thuốc, hầu như nhà nào cũng trồng nghệ nhưng chủ yếu để tự cung tự cấp, chưa thành mặt hàng trên thị trường. Tôi nghĩ, nếu chỉ trồng để sử dụng như truyền thống trước đây sẽ không khai thác được hết giá trị của cây nghệ, từ suy nghĩ đó tôi quyết tâm tìm hiểu, học hỏi ở nhiều nơi, sau đó đầu tư dần để phát triển diện tích và tập trung vào chế biến sâu củ nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ củ nghệ, theo nhu cầu của người tiêu dùng, nâng cao giá trị củ nghệ vốn có".
Từ suy nghĩ đó, HTX xác định cùng các thành viên đem nhiệt huyết với cây nghệ, liên kết với bà con nông dân để một phần vừa giúp người dân, nhất là hộ nghèo có cây trồng chủ đạo, có việc làm, thu nhập ổn định, HTX phát triển bền vững. Tự học là chính, từ sản xuất nhỏ lẻ và rồi nâng dần lên, HTX dần tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trên thị trường; nhiều hộ dân sau khi liên kết với HTX trồng nghệ đã thoát được nghèo.
Nghệ vốn là cây trồng truyền thống quen thuộc với bà con nông dân, dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật trong chăm sóc mà năng suất lại cao hơn trồng cây ngô, lúa, có thể tận dụng trồng ở những diện tích đất đồi núi có độ dốc trung bình, đất ven đồi và trồng xen canh với các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp mới trồng trong khoảng ba năm đầu…
Đến nay, HTX đã phát huy được tiềm năng của cây nghệ và khởi nghiệp thành công, xây dựng được vùng nguyên liệu đủ phục vụ cho hoạt động của HTX, liên kết với hơn 400 hộ dân trồng nghệ ở các địa phương như: TP. Bắc Kạn, Pác Nặm, Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì.
Sản phẩm của HTX những năm trở lại đây được tỉnh Bắc Kạn chọn tham gia trong các cuộc trưng bày, quảng bá giới thiệu sản phẩm ở các hội chợ thương mại, hội chợ nông sản thực phẩm an toàn… tổ chức ở các tỉnh, thành phố trong cả nước và là nơi tham quan sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản, đặc hữu khi có các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Năm 2020, HTX được tỉnh hỗ trợ hơn 03 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà xưởng quy mô phục vụ việc chế biến sâu, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao từ củ nghệ. Nhờ đầu tư bài bản, hệ thống máy móc hiện đại, HTX Nông nghiệp Tân Thành đã vươn tầm trở thành một trong những HTX đứng tốp đầu của tỉnh Bắc Kạn với các dòng sản phẩm tinh bột nghệ cao cấp.
HTX Nông nghiệp Tân Thành đã thành công với sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm. Mỗi năm, bao tiêu khoảng 5.000 tấn nghệ cho người dân. Nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi, đến nay, HTX đã có 16 đại lý tại các tỉnh, thành phố và một số công ty xuất nhập khẩu; hợp đồng cung cấp sản phẩm cho một số doanh nghiệp để xuất khẩu.
"Tham gia xây dựng sản phẩm OCOP là cách để HTX đánh giá, thấy rõ những hạn chế trong sản xuất sản phẩm, từ đó đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn. Chúng tôi luôn xác định Chương trình OCOP vừa là thách thức vừa là cơ hội để tạo dựng thương hiệu của sản phẩm và là cơ hội để đưa củ nghệ “từ làng ra phố”, chinh phục thị trường trong nước, hướng tới mở rộng xuất khẩu"- chị Minh chia sẻ thêm./.
Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/cau-chuyen-gan-sao-ocop-cho-cu-nghe-bac-kan-post57297.html