Câu chuyện học sinh góp tiền...

Cho trẻ em góp một ít tiền giúp đỡ người khác là việc cần thiết. Bởi đây cũng là cách giáo dục lòng thương người nơi con trẻ.

Trẻ có thể lấy từ tiền tiết kiệm của chúng hay xin bố mẹ... Nhưng góp như thế nào, cách góp ra sao cũng quan trọng. Hơn thế, có nên lúc nào cũng kêu gọi trẻ em (học sinh) đóng góp tiền bạc trong khi chúng chưa phải là đối tượng kiếm ra tiền hay không?

Mới đây, nhiều trường học, trong đó có một số trường ở Hà Nội, kêu gọi học sinh quyên góp giúp các bạn học sinh vùng bão lũ đang khó khăn, thiếu sách vở, quần áo... Sự quyên góp này trên tinh thần tự nguyện.

Theo báo chí, một hiệu trưởng cho biết, nhà trường khuyến khích các em đóng góp dưới 30.000 đồng, 5.000 thôi cũng đáng quý; các em không nên ganh đua nhau, em đóng ít, em đóng nhiều.

Quan niệm của vị hiệu trưởng nói trên là rất đúng đắn. Bởi bất cứ sự đóng góp nào nhằm giúp đỡ người khác đều xuất phát từ tấm lòng; do đó mọi sự so sánh, mọi hành động hướng về “thành tích” nên bị xóa bỏ. Tất nhiên, do người khó khăn cần được giúp đỡ càng nhiều càng tốt, nên xã hội rất đề cao những người đóng góp nhiều. Nhưng đó là môi trường trong xã hội nói chung, còn môi trường học đường lại khác. Suy cho cùng, các em chỉ nên thể hiện tấm lòng, sự thương cảm, không vô cảm với người khác là đã đủ...

Nói như vậy, bởi vẫn đang có hiện tượng lấy chuyện học sinh đóng góp giúp đỡ các bạn vùng bão lũ làm “thành tích” ở một số lớp học.

Một phụ huynh kể, giáo viên đưa chuyện lớp kia đóng nhiều, lớp nọ đóng ít để thúc giục học sinh góp tiền và... góp càng nhiều càng tốt. Phụ huynh này nói: "Suy cho cùng tiền học sinh đóng góp là tiền của bố mẹ. Trong khi đó, tôi đã đóng góp ở chỗ làm, chỗ khác nữa rồi".

Phụ huynh khác cho biết, lớp nọ thì có một số em chưa góp tiền giúp đỡ người bị bão lũ đã “được” giáo viên nêu tên, thậm chí đứng lên bảng.

Câu chuyện nói trên là không phổ biến, nhưng lần nữa khiến chúng ta giật mình vì bệnh thành tích dường như ăn sâu, len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống, từ môi trường giáo dục, đến xã hội. Bởi vậy, có giáo viên sợ lớp mình góp tiền ít, lớp kia nhiều.Bởi vậy, trên mạng xã hội nhan nhản những bàn luận về việc người này giàu mà đóng tiền ít, nghệ sĩ nọ sao keo kiệt...

Có người phải đăng đàn trên trang cá nhân là ông đã đóng từng này, từng này tiền. Ông than: “Thật bạc phước khi phải giải thích tường tận mình đã góp số tiền ít ỏi cho người gặp nạn, nhưng vì nhiều người nói ra, nói vào quá nên phải giải thích”.

Quay trở lại vấn đề học sinh quyên góp tiền bạc: mục đích vừa là giáo dục lòng thương người cho các em, vừa phần nào giúp đỡ các học sinh vùng bão lũ khó khăn.

Những chuyện lớn giúp học sinh vùng bão lũ đã có Nhà nước lo, như việc mới đây Bộ GD&ĐT đề nghị miễn, giảm học phí cho học sinh vùng lũ, hỗ trợ hàng triệu bản sách giáo khoa... Chuyện học sinh giúp đỡ nhau nên là chuyện nặng về tinh thần.

Cũng không riêng gì bão lũ, những dịp khác như Tết Trung thu, Nguyên đán..., mọi sự đóng góp của học sinh nên chỉ chủ yếu ở khía cạnh tinh thần.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cau-chuyen-hoc-sinh-gop-tien.html