Theo tôi, nên tiếp tục cấm GV công lập dạy thêm cho học sinh chính khóa của mình
Những giáo viên giỏi muốn dạy thêm thì đăng ký dạy thêm với các trung tâm gia sư vào thời điểm đã hoàn thành công việc ở nhà trường để tăng thu nhập.
Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được lấy ý kiến ngay trước thềm năm học 2024-2025 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong những ngày vừa qua. Những mặt tích cực từ việc dạy thêm, học thêm không phải là không có nhưng nó cũng đã để lại quá nhiều những hệ lụy cho ngành giáo dục và nó cũng tạo ra áp lực lớn về tài chính đối với phụ huynh học sinh.
Làm sao để hạn chế được dạy thêm, học thêm không đúng quy định ở các cấp học, các địa bàn đô thị, những vùng có điều kiện là điều nhiều người trăn trở trong những năm vừa qua, hiện nay và cả những năm học tiếp theo. Bởi lẽ, dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm có nhiều điểm mở, rất khó quản lý và cũng rất khó trông chờ vào sự trung thực khi giáo viên dạy thêm cam kết với hiệu trưởng.
Suy cho cùng, hiệu trưởng nhà trường có nhiều việc quản lý, họ cũng phải đứng lớp giảng dạy theo quy định nên họ cũng chẳng có thời gian đi kiểm tra, giám sát xem giáo viên của mình đang dạy thêm ở ngoài nhà trường như thế nào. Riêng việc dạy thêm trong nhà trường thì đó lại là một khoản thu đáng kể ngoài lương của quản lý các nhà trường, là lợi ích của họ.
Dạy thêm, học thêm đã biến tướng ở nhiều nơi trong thời gian qua
Nhìn lại chương trình 2006 được áp dụng gần 20 năm học vừa qua, chúng ta thấy trong từng ấy thời gian, dù học sinh cả nước dùng chung 1 sách giáo khoa và mỗi năm tái bản 1 lần nhưng không thay đổi về nội dung, bài học. Nhà xuất bản chỉ chỉnh sửa một số sai sót nhỏ trong sách giáo khoa.
Về cơ bản, sách giáo khoa được giữ nguyên như lần đầu xuất bản nhưng Bộ đã nhiều lần tinh giản, điều chỉnh nội dung dạy học, nhiều bài học đã không còn dạy trong các tiết học chính khóa mà đã bỏ hẳn hoặc chuyển sang đọc thêm, hướng dẫn tự học.
Thế nhưng, cho dù Bộ điều chỉnh nội dung, kiến thức đã giảm đi một phần rất lớn so với ban đầu nhưng học thêm, dạy thêm vẫn diễn ra. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, học sinh không thể đến trường học trực tiếp thì học sinh vẫn học thêm online với thầy cô dạy chính khóa như thường.
Chương trình 2018 được ban hành và triển khai đến các cấp học phổ thông, năm học 2024-2025 là năm cuối cùng của lộ trình cuốn chiếu cho cả 3 cấp học. Mục tiêu chương trình là phát triển phẩm chất, năng lực người học chứ không tái hiện kiến thức như chương trình 2006. Nhưng, nhìn từ thực tế, nỗi lo lắng về học thêm vẫn hiện hữu.
Không chỉ học sinh lớp 9, lớp 12 học thêm để thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp mà nhiều học sinh các lớp còn lại cũng đang đi học thêm ở nhà thầy cô giáo với nhiều nguyên nhân, lí do khác nhau.
Theo quy định của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012, cấp tiểu học cấm dạy thêm các môn văn hóa; cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa. Vậy nhưng, những năm học vừa qua, học sinh vẫn đi học thêm với thầy cô chính khóa.
Mỗi học kỳ có 2 lần kiểm tra định kỳ ôn một vài buổi là xong nên nhiều thầy cô dạy trước chương trình là chủ đạo trong các lớp học thêm. Vì thế, một đơn vị kiến thức nhưng học sinh phải học đi, học lại ít nhất 2 lần trong cùng thời điểm. Có thể tối hôm nay học trước ở nhà thầy cô, sáng mai vào trường cũng học lại bài đó.
Thành ra, những học sinh đi học thêm sẽ cảm thấy nhàm chán và đâu đó cũng có tình trạng giáo viên đã dạy ở lớp dạy thêm nên khi dạy chính khóa trên lớp đã vơi đi sự nhiệt tình. Những học sinh không đi học thêm sẽ không hiểu bài khi học trên lớp, một vài bài học như vậy thì cũng phải tìm đến lớp học thêm để bằng với bạn bè.
Nhiều hệ lụy từ việc dạy thêm, học thêm cho học sinh chính khóa
Dự thảo Thông tư quy định về việc dạy thêm, học thêm mà Bộ vừa công bố đã không còn cấm dạy thêm các môn văn hóa ở tiểu học, không cấm giáo viên các cấp còn lại dạy thêm cho học sinh chính khóa. Giáo viên công lập dạy thêm ngoài nhà trường chỉ cần báo cáo với hiệu trưởng và cam kết một số điều theo quy định là có thể dạy thêm.
Với hướng dẫn này, giáo viên dạy thêm sẽ bớt áp lực hơn trước, không còn phải lo, phải dè chừng khi dạy thêm cho học sinh chính khóa. Nhưng, họ có dạy trước chương trình, có “gà bài” trước khi kiểm tra trong lớp dạy thêm hay không thì không cơ quan nào, cá nhân nào có thể nhìn thấy hoặc quản lý được.
Với dự thảo như vậy, sẽ rất khó quản lý được. Nếu nhìn vào điểm số học tập trên lớp của đa số học sinh, nhìn vào danh hiệu học tập mà con em mình đạt được tương đồng với chất lượng thật thì phụ huynh sẽ rất mừng.
Nhưng, sự thật chưa hẳn đã là vậy. Thực tế, ngành Giáo dục những năm qua và có thể cả những năm tới đây phải đối mặt với bệnh dối trá, thành tích ở một số nhà trường. Cứ nhìn vào kỳ thi tuyển sinh 10 mà các địa phương chủ yếu thi 3 môn: Toán, Văn, Anh- 3 môn học mà học sinh đang phải học thêm nhiều nhất ở cấp Trung học cơ sở sẽ thấy những hạn chế nảy sinh.
Trong khi, kỳ thi này những em có học lực không tốt đã tự hoặc được nhà trường làm công tác tư tưởng để “phân luồng” không tham dự kỳ thi. Những em dự thi tuyển sinh 10 đa phần có học lực Khá trở lên nhưng điểm chuẩn đầu vào của một số trường Trung học phổ thông thấp. Không ít trường chỉ lấy ở mức điểm chuẩn trên dưới 2,0 điểm/ môn thi.
Nên cấm giáo viên công lập dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường
Chúng tôi cho rằng nhu cầu học thêm của một bộ phận học sinh hiện nay là có thật. Học thêm để thi vào những trường ở cấp học cao hơn có uy tín, những trường có tỉ lệ chọi cao; điểm chuẩn cao.
Nhu cầu cho con đi học thêm của phụ huynh có nhiều và đây là lẽ thường tình trong xã hội hiện nay- khi mà điều kiện kinh tế được cải thiện, các gia đình chỉ có 1-2 đứa con.
Nhưng, nên cấm giáo viên công lập dạy thêm cả trong và ngoài nhà trường thì mới đánh giá thật được chất lượng giáo dục và cũng là cách giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh học sinh.
Việc chính của giáo viên trong các trường phổ thông công lập là dạy học cho học sinh chính khóa của mình một cách tốt nhất. Một khi giáo viên đã hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì cần phải làm trọn thiên chức của một người thầy, của một viên chức ngành Giáo dục.
Những giáo viên giỏi muốn dạy thêm thì đăng ký dạy thêm với các trung tâm gia sư vào thời điểm đã hoàn thành công việc ở nhà trường để tăng thu nhập. Những giáo viên giỏi sẽ được trọng dụng bởi các trung tâm gia sư họ chọn lọc nhân sự rất tốt.
Nếu làm được như vậy sẽ tránh được tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định như hiện nay. Lúc đó, học sinh đi học thêm vì ham học, vì muốn tương lai của mình được tốt hơn, chứ không hẳn là vì sợ giáo viên của mình hoặc muốn được điểm cao trên lớp.
Thiết nghĩ, sau khi Bộ lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm cần nghiên cứu, đánh giá thấu đáo trước khi ban hành chính thức. Nếu không, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ tiếp tục là một vấn đề gây nhiều bức xúc.