Câu chuyện hôm nay: Hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo quyền cho người chuyển đổi giới tính

Dù Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định 'cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan' nhưng do thiếu văn bản hướng dẫn nên sau 8 năm, quyền của người chuyển giới vẫn là 'quyền treo'.

Tới nay, người chuyển giới vẫn vô hình và là một ẩn số với pháp luật. Do các định kiến trong xã hội, họ thường phải đối mặt với sự kì thị và phân biệt đối xử, chịu thiệt thòi trên nhiều phương diện.

Nghiên cứu năm 2015 của iSEE với 450 người chuyển giới cho thấy: 53% nữ và 60% nam bị các nhà tuyển dụng từ chối nhận vào làm việc trong khi đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực. Và ngay cả khi được nhận vào làm việc thì họ vẫn gặp phải sự kỳ thị, xa lánh, hạn chế thăng tiến ở nơi công sở; gần 30% bị từ chối việc làm. Cũng vì thế hầu hết họ phải chọn làm công việc tự do. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, có rất nhiều rủi ro cả trong gia đình và nhà trường mà một người chuyển giới gặp phải khi nhận ra bản dạng giới của mình.

Sau khoảng thời gian trì hoãn, cuối tháng 6/2022, Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật chuyển đổi giới tính. Trải qua nhiều cuộc tham vấn lấy ý kiến, tuy nhiên đến nay dự án Luật này vẫn xếp ở thứ tự chưa được ưu tiên trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ Y tế. Song hành với đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí cũng xây dựng dự án Luật Bản dạng giới. Cả 2 dự thảo Luật đều mong muốn cụ thể hóa điều 37, Bộ luật Dân sự năm 2015 về “quyền chuyển đổi giới tính”. Và vừa qua, sáng kiến lập pháp này của đại biểu Nguyễn Anh trí đã được trình ra phiên họp thứ 22 của UBTVQH. Theo tờ trình nhấn mạnh, việc xây dựng luật được nhấn mạnh là cần thiết, khẳng định quyền tự xác lập bản dạng giới, chuyển đổi giới tính là một quyền nhân thân cơ bản của công dân.

Hiện đã có 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp. Châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận quyền chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền nhân thân chính đáng của các cá nhân trở thành nhu cầu bức thiết. Và tại Việt Nam điều này cần được giải quyết bằng việc sớm ban hành một hành lang pháp lý phù hợp./.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Như Thảo Minh Công Minh Quốc Ngọc Tuấn Thế Anh Minh Chiến

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/cau-chuyen-hom-nay-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-dam-bao-quyen-cho-nguoi-chuyen-doi-gioi-tinh