Câu chuyện lạ ở phố cổ Hà Nội thời phong kiến
Hà Nội là thủ đô của nước ta, có bề dày lịch sử, văn hóa. Hà Nội xưa kia còn có tên gọi Thăng Long. Trên mảnh đất ngàn năm văn hiến này, bao nhiêu con người tài hoa được sinh ra, và từ nơi khác đến có cơ hội phát huy khả năng của mình. Bên cạnh đó, tại đây, cũng có những câu chuyện dở khóc dở cười.
Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ đã có những đoạn tả chi tiết về mấy phố cổ xưa của Hà Nội. Ông phải là người am hiểu, chịu khó nghe ngóng mới có thể viết ra được câu chuyện dở khóc dở cười này. Câu chuyện về những người ăn trộm.
Theo Phạm Đình Hổ, phường Diên Hưng (Hàng Ngang) và phường Đồng Lạc (Hàng Đào) là nơi phố hàng áo, bán các thứ tơ lụa vóc nhiễu rất nhiều. Phiên chợ là những ngày: mồng một, mồng sáu, mười một, mười bốn, rằm, hai mươi mốt, hai mươi sáu, ba mươi. Phiên chợ phường Bạch Mã (Hàng Buồm) cũng là một chỗ buôn bán rất huyên náo.
Như vậy, vào thời Phạm Đình Hổ sinh sống (1768 – 1839), phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Buồm rất tấp nập và huyên náo. Tuy nhiên, chợ ở đây diễn ra theo phiên. Các phiên diễn ra cũng nhiều, chứ không thưa thớt. Phạm Đình Hổ cho biết, ở những phố này bán áo, tơ lụa, vóc nhiễu.
Câu chuyện trở nên bất thường và li kỳ hơn, khi Phạm Đình Hổ kể rằng: “Chợ phường Bạch Mã (Hàng Buồm) cũng là một chỗ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm cho ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc áo người ta, hoặc khuân đồ vật hàng hóa.
Có khi chúng huyên truyền là voi lồng ngựa sổ để các người chợ búa và người đi đường xô nhau chạy, hàng hóa đồ vật vứt bừa bãi; lúc biết là chúng huyên truyền láo thì quân kẻ cắp đã phỗng hết cả rồi”.
Đoạn này cho thấy mánh khóe của kẻ ăn trộm thật khôn ngoan, nhất là việc những kẻ này cố ý gây ồn ào, khiến người đi chợ xô nhau chạy, rồi thừa cơ lấy đồ.Việc tung tin thất thiệt voi lồng ngựa sổ cũng cho thấy, mánh khóe tinh ranh của kẻ trộm.
Phạm Đình Hổ còn kể tiếp một câu chuyện, mà ngày nay, ta đọc lại cũng thật khó tin: “Một hôm, ở phường Đông Các (Hàng Bạc) có một bà lớn đi võng mành mành cánh sáo, đầy tớ lính hầu rậm rịch, đến trước cửa một nhà hàng bạc, truyền thị tỳ dừng võng lại để hỏi mua mấy chục nén bạc.
Mà cả giá chưa xong, bà lớn ngồi trên võng truyền vú già hãy cầm chục nén bạc đem về dinh, trình quan lớn xem qua, sẽ định giá. Chủ nhà hàng cũng không ngờ gì. Một lát, thị tì và lính hầu lẻn dần đi hết, hai tên lính khiêng võng cũng cút mất. Trời đã gần tối, chờ mãi chẳng thấy người vú già cầm bạc trở lại, nhà chủ mới đến trước võng hỏi bà lớn để đòi bạc. Mở mành mành xem thì té ra là một mụ lão ăn mày, mù cả hai mắt, mặc áo nhiễu điều, ngồi chễm chệ trong võng, mơ màng không biết nói ra sao.
Nhà chủ cho đi tìm hết mọi nơi, không còn thấy tăm hơi đâu cả, chỉ bắt được có cái võng cũ nát, giá không đáng mấy quan tiền. Ấy, những lối ăn cắp lừa dối như thế rất nhiều, không thể kể hết được. Cái tài giỏi của kẻ gian cũng lắm lối rất buồn cười, xem thế đủ hiểu cái thịnh suy của đời thăng bình vậy”.
Câu chuyện cho thấy lối trộm cắp bài, trắng trợn giữa ban ngày ban mặt ngay trên mảnh đất nghìn năm văn hiến. Phạm Đình Hổ không kể thêm về những thói trộm khác, nhưng ông nói sự lừa dối như trên vào thời ông cũng rất nhiều, không thể kể hết được.
Được biết, thời Phạm Đình Hổ sống là vào thời nhà Lê chỉ còn thực quyền, chúa Trịnh nắm hết quyền hành. Tiếp sau đó là những biến loạn chưa từng có trong lịch sử nước ta để dẫn đến sự ra đời của triều Nguyễn.