Câu chuyện làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ của vợ chồng kỹ sư điện
Vì yêu thích làm nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm sạch theo hướng hữu cơ, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, vợ chồng chị Lê Thị Nhung, anh Nguyễn Công Phú, làm việc tại Công ty Nhiệt điện Nghi Sơn đã bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao trên quê hương Hoằng Hóa.
Có dịp đến thăm nông trại Nhung Farm (Hợp tác xã nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ) tại thôn Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thằng, huyện Hoằng Hóa, chúng tôi vô cùng thích thú khi được thăm khu nhà màng với đủ các loại rau, củ đang độ thu hoạch và trò chuyện về làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao với chị Lê Thị Nhung và anh Nguyễn Công Phú - chủ nông trại.
Kể về hành trình bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao, chị Lê Thị Nhung, chủ trang trại Nhung Farm chia sẻ: Năm 2013 sau khi tốt nghiệp khoa Hệ thống điện, Đại học Điện lực Hà Nội, với tấm bằng kỹ sư tôi về Thanh Hóa làm việc tại Công ty nhiệt điện Nghi Sơn. Chồng tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội với tấm bằng kỹ sư nhiệt và làm việc tại Công ty nhiệt điện Nghi Sơn. Quen nhau tại công ty rồi cùng xây dựng tổ ấm. Quê chồng ở xã Hoằng Thắng - vùng quê chuyên sản xuất các loại rau màu, trong đó nhiều nhất là trồng dưa hấu.
Chị Nhung nói: Mỗi lần về quê chồng, theo mẹ ra đồng thu hoạch rau, dưa hấu, tôi cảm thấy yêu thích công việc này. Cùng với đó, nhìn thấy bà con làm nông theo hướng truyền thống vất vả, đồng ruộng thường bị ngập lụt dẫn đến mất mùa, bên cạnh đó bà con vẫn còn thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến sức khỏe người làm và người tiêu dùng, tôi suy nghĩ muốn làm điều gì đó cho quê hương.
“Nhiều diện tích đất ruộng bị bỏ hoang do nhiều người chuyển sang công việc khác, tôi cảm thấy rất tiếc và muốn khôi phục lại. Chia sẻ trăn trở về hướng làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất trên mảnh đất không hóa chất, ở đó không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với chồng".
"Ban đầu anh Công không đồng ý vì lo vợ vất vả. Nhưng thấy tôi quyết tâm, anh đã ủng hộ. Tôi mong muốn, mình làm nông nghiệp sạch để con cái được hòa mình cùng cuộc sống thiên nhiên, gia đình có nơi đi về sau khoảng thời gian làm việc tại công ty và tạo ra các sản phẩm sạch cho mọi người”, chị Nhung chia sẻ.
Đầu năm 2020, anh Công, chị Nhung bắt tay vào làm nông nghiệp với tên Nông trại Nhung Farm. Xây dựng khu nhà màng rộng 6.500m2 trên đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Để có kiến thức về nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hai vợ chồng chị Nhung đã tham gia vào các diễn đàn nông nghiệp hữu cơ, các hội làm nông, tham khảo ý kiến của các anh chị đi trước, tìm hiểu, học hỏi về cây giống, về đất, nước, vi sinh vật... Đồng thời tạo ra các loại phân bón hữu cơ cho cây, làm thuốc diệt trừ sâu bệnh từ sản phẩm thiên nhiên.
Cây trồng đầu tiên mà vợ chồng chị Nhung lựa chọn là dưa vàng Kim Hoàng Hậu và dưa lưới. Trong quá trình trồng, 2 vụ đầu tiên vợ chồng chị đã thất bị với thời tiết, kỹ thuật chăm sóc… sau đó, có kinh nghiệm, dưa đã cho trái ngọt. Tháng 5-2020, các sản phẩm của Nông trại Nhung Farm trồng đã có chứng nhận VietGap và thực hành theo tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam.
Năm 2020, sản phẩm dưa vàng Nhung Farm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020. Sản phẩm dưa vàng Nhung Farm có màu vàng ươm, trơn bóng bắt mắt, ngon nhất thu hoạch vào tháng 4 đến tháng 11. Dưa được bón bằng mật mía ủ lên men vi sinh chất lượng ngọt thơm đủ vị.
Hiện nay, ngoài sản phẩm dưa vàng, vào vụ đông, gia đình chị Nhung trồng thêm các loại su hào, dâu tây, dưa leo baby, các loại cải cao cấp… các loại cây này đang phát triển tốt, dự kiến cho quả ngọt đầu tiên vào cuối năm.
Bên ngoài khu nhà màng, chị Nhung trồng dưa chuột nếp, dưa hấu, khoai tây. Hiện nay, nông trại Nhung Farm tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương.
Vừa làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, vừa bắt tay vào làm nông nghiệp, khó khăn chồng khó khăn nhưng hai vợ chồng chị Nhung, anh Công quyết tâm thực hiện với tinh thần “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua”.
Hiện tại, sản phẩm của Nông trại Nhung Farm đang phân phối tại: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa. Các chuỗi cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung.
Ngoài ra, chị Nhung tham gia phiên họp “Chợ nhỏ an lành” – nơi những người trẻ khởi nghiệp và giới thiệu những sản phẩm do chính mình làm ra với khách hàng. Ở đó, chị Nhung học hỏi được nhiều kinh nghiệm, là nơi gắn kết những người trẻ, cùng nhau hướng đền nền nông nghiệp bền vững.
Chia sẻ về những dự định sắp tới, chị Nhung cho biết, chị đang chuẩn bị thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng phân hữu cơ kết hợp công nghệ cao vào dưa lê Hàn Quốc”. Đây là đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa chấp thuận và sẽ triển khai năm 2022 tại Hợp tác xã nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ do chị làm Giám đốc.
Chia tay nông trại Nhung Farm, chúng tôi tin rằng với niềm đam mê, sự nỗ lực quyết tâm, vợ chồng kỹ sư điện Lê Thị Nhung sẽ tiếp tục thành công trên con đường đã lựa chọn, ngày càng đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, an toàn sức khỏe cộng đồng.