Nằm chính giữa mặt Nam của Kinh thành Huế, thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh, Kỳ đài (cột cờ) của Kinh thành Huế là một công trình kiến trúc có tầm quan trọng đặc biệt trong quần thể di tích của Di sản văn hóa thế giới - Cố đô Huế.
Theo chính sử của nhà Nguyễn, Kỳ đài Huế được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807), cùng thời gian xây dựng kinh thành. Vào thời Minh Mạng, Kỳ đài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840.
Về tổng quan, kiến trúc Kỳ đài gồm hai phần: Đài cờ và cột cờ. Đài cờ gồm ba tầng hình chóp cụt chữ nhật xây bằng gạch chồng lên nhau, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ dần từ dưới lên trên với tổng chiều cao là 17,5m. Quy mô bề thế, có thể đảm nhiệm chức năng của một công trình phòng thủ. Cột cờ nằm trên đài cờ, là nơi treo cờ.
Thuở ban đầu cột cờ làm bằng gỗ, gồm hai tầng, cao gần 30 mét. Năm 1846 cột cờ được thay bằng một cây cột gỗ dài hơn 32 mét. Đến năm 1904 cột cờ gỗ này được thay bằng ống gang sau khi bị một cơn bão lớn quật gãy.
Trong thời Nguyễn, Kỳ đài là nơi treo cờ của triều đình. Trên đỉnh cột cờ còn đặt một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu, là điểm cao nhất của kinh thành. Từ Vọng Đẩu, lính canh được phân công dùng kính Thiên lý quan sát động tĩnh ngoài bờ biển.
Trong 200 năm tồn tại, Kỳ đài Huế đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của xứ Huế cũng như của đất nước. Ngày 23/8/1945, sau khi vua Bảo Đại thoái vị, trên kỳ đài lá cờ vàng (Quẻ ly) của nhà Nguyễn từ từ hạ xuống, và lá Cờ đỏ Sao vàng 5 cánh được kéo lên giữa những tiếng hoan reo như sấm, 21 phát súng lệnh vang lên chào Quốc kỳ mới của Tổ quốc.
Năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, cột cờ lại bị gãy do pháo bắn. Đến năm 1948, cột cờ mới bằng bê tông cốt sắt với tổng chiều cao 37 mét được xây dựng, chính là cột cờ hiện tại. Tổng chiều cao từ mặt đất lên đến đỉnh Kỳ đài là 54,5m.
Trong Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, vào 8h sáng ngày 31/1/1968, các chiến sĩ Giải phóng đã chiếm được Kỳ đài và lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay ở nơi đây trong 26 ngày đêm.
Ngày 26/3/1975, sau khi lực lượng giải phóng giành thắng lợi trong Chiến dịch Huế - Đà Nẵng, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lại một lần nữa được kéo lên, báo hiệu một trang sử mới của Cố đô Huế đã được mở ra.
Kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất cho đến nay, lá cờ đỏ sao vàng luôn kiêu hãnh tung bay trên đỉnh Kỳ đài Huế. Công trình này vừa là biểu tượng cho một Cố đô Huế xưa, vừa là minh chứng cho tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân Huế...
Mời quý độc giả xem video: Dấu thương xứ Huế. Nguồn: VTV Travel.
Quốc Lê