Tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên có đến hàng ngàn ngôi mộ, bên trong nghĩa trang lạnh lẽo, các ngôi mộ vẫn được những bàn tay chăm chỉ của nhiều phụ nữ lau dọn, chăm sóc hàng ngày.
Trong những người phụ nữ đó, có chị Trần Thị My (SN 1978, ở Lương Sơn, Hòa Bình), làm bảo vệ tại Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên đã tròn 10 năm. Đều đặn trong 10 năm đó, chị vẫn đi sớm về muộn, đến nghĩa trang trông coi, lau dọn mộ cho người đã khuất…
"Công việc chính của tôi là làm bảo vệ ca đêm, còn vai "nhân viên lễ tân" này đến như một cái duyên. Mới đầu về đây làm thấy sợ, nhưng không hiểu sao trong lòng tôi cảm thấy như có ai đó mời gọi", chị My cho biết.
Tổ bảo vệ nơi chị My làm việc có 5 người thì chỉ có duy nhất chị là nữ. Lý do chị bám trụ với công việc này đó là vì kiếm tiền nuôi con ăn học và hơn nữa cũng là cái duyên. “Là phụ nữ làm bảo vệ đã ít, nhưng lại làm bảo vệ ở nghĩa trang thì chắc ai nghe cũng rùng mình nhưng làm mãi cũng quen”, chị nói.
Theo lời người phụ nữ này, thời gian đầu mới làm chị cũng sợ “rợn tóc gáy”, nhưng được cái dù làm đêm hôm nhưng “các cụ thương” vẫn để cho mình được phục vụ nên nghĩ đó là cái duyên với công việc này.
“Trước có những người đàn ông làm công việc này, nhưng đêm cứ bị “trêu” suốt, mang cả theo tỏi bên người nhưng cuối cùng phải nghỉ hoặc chuyển công việc khác”, chị My chia sẻ.
Chị cho biết, trước đây, khi nghĩ đến công việc trong khuôn viên nghĩa trang là nghĩ ngay đến những người lớn tuổi. Bởi chỉ họ mới đủ bản lĩnh "sống chung với người chết".
Công việc bảo vệ của chị My đó là thức thâu đêm, đi xung quanh các hàng mộ ở khu vực mình quản lý, ngoài trông coi kẻ xấu thì chị còn phải dọn dẹp, lau các phần mộ nếu có bụi bẩn hoặc vật thể lạ ở trong khuôn viên mộ phần. Đôi khi còn thay người nhà thắp hương cho những ngôi mộ mới chuyển về an táng.
Ngoài bảo vệ nghĩa trang, mỗi khi có người đã khuất chuyển về nghĩa trang, chị lại làm thêm công việc chuẩn bị từ phông bạt, bàn ghế, nước nôi…thậm chí là kiêm cả chân hướng dẫn gia đình lên miếu, chùa thắp hương.
“Có người về an táng lúc sáng sớm tinh mơ, thì tôi phải có mặt trước đó từ lúc 3 giờ sáng để chuẩn bị. Sau khi an táng xong tôi lại dọn dẹp sạch sẽ mới ra về." -chị My nói.
Theo lời chị My, người Việt có quan niệm "trần sao, âm vậy", khi sống mong muốn được ở trong một ngôi nhà, khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ thì khi rời sang thế giới bên kia ai cũng mong được an táng ở nơi tương tự. Bởi vậy, khi chọn công việc này, lúc nào chị My cũng làm với mong muốn giúp các gia chủ làm trọn đạo hiếu.
Mùa đông nhiều đêm mưa rét, một mình mặc áo mưa vẫn lọ mọ giữa các hàng mộ 4-5 tiếng, có ngày tới 3 phần mộ đưa vào, một mình làm hết... những người quen biết của tôi đều phục tôi. Bản thân tôi thì không cảm thấy vất vả, tôi thấy vui khi được làm công việc đặc biệt này, hơn thế nữa là giúp gia đình những người đã khuất lo được hậu sự chu toàn”, chị My chia sẻ.
Những phút nghỉ ngơi sau vài vòng đi tuần, chị My gọi về điện về cho người thân và gia đình.
Trong màn đêm mịt mù, với những ánh đèn lay lắt phát ra từ các ngôi mộ, chị My tay vừa cầm đèn pin, vừa gọi về động viên con học tập, rồi đi ngủ đúng giờ.
Là người phụ nữ can đảm, dám trông coi nghĩa trang ban đêm nhưng khi nhắc về gia đình nước mắt chị My lại rơi. Chị chia sẻ rằng, vì làm công việc này mà không được coi trọng, hiện hai vợ chồng chị đã ly thân, chị chuyển về ở với mẹ đẻ, một mình nuôi hai con.
“Trước tôi làm khu công nghiệp xa nhà, lương thấp chẳng đủ sống, rồi con nhỏ ốm đau xin nghỉ liên tục. Vì lý do đó tôi mới xin làm công việc này nhưng mọi người ai cũng gàn, phản đối nhưng vì kiếm tiền nuôi con, để được gần con tôi chấp nhập. Vì điều đó mà tôi và chồng không hiểu ý nhau dẫn tới ly thân”, chị My kể.
Vì cuộc sống mưu sinh, chị My đành chấp nhận miễn sao con được ăn học tới nơi, tới chốn.
Sông Lam