Câu chuyện pháp luật Không thỏa hiệp với tội ác
Tội phạm xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em từ lâu đã là vấn nạn nhức nhối, gây phẫn nộ trong dư luận. Dù hệ thống pháp luật Việt Nam đã có những chế tài nghiêm khắc để xử lý hành vi này, nhưng số vụ việc vẫn gia tăng, cho thấy tính chất đặc biệt nguy hiểm và cần có các biện pháp phòng ngừa mang tính hệ thống, đồng bộ và lâu dài.
Theo quy định tại Chương XIV, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các hành vi XHTD trẻ em được quy định cụ thể trong 5 điều luật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng, người phạm tội có thể đối diện với hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân. Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể, khung hình phạt nghiêm minh, song trong thực tế, tình trạng XHTD trẻ em vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng ngày càng tinh vi. Điều này cho thấy, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng XHTD trẻ em, không thể chỉ trông chờ vào hình phạt mà đòi hỏi một hệ thống giải pháp đồng bộ từ pháp luật, giáo dục, đến cộng đồng và công nghệ.
Cụ thể như tăng cường giáo dục giới tính và kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trong nhà trường và gia đình. Trẻ cần được dạy cách nhận biết hành vi xâm hại, cách nói “không”, cách tìm kiếm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho phụ huynh, giáo viên và người dân, để nâng cao nhận thức và khả năng phát hiện sớm các dấu hiệu xâm hại, kịp thời tố giác hành vi vi phạm. Cần thiết lập các đường dây nóng, nền tảng tố giác trực tuyến, nơi trẻ hoặc người thân có thể báo cáo ẩn danh những hành vi nghi ngờ xâm hại. Đồng thời, cần đảm bảo nạn nhân và gia đình được hỗ trợ tâm lý và pháp lý sau vụ việc…
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ bằng mọi giá. Bất kỳ sự chần chừ, lơ là nào trong xử lý tội phạm XHTD trẻ em đều là sự tiếp tay cho tội ác. Vì thế, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần thể hiện sự quyết liệt, minh bạch trong từng vụ việc. Nếu không hành động kịp thời, những vết thương âm ỉ do XHTD gây ra sẽ còn có thể kéo dài…