Câu chuyện phát triển 'đoàn tàu du lịch tóc bạc' ở Trung Quốc
Mới đây, 9 bộ, ngành và Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc đã công bố một bản kế hoạch hành động tham vọng mới để mở thêm các 'đoàn tàu du lịch tóc bạc' nhằm thúc đẩy phát triển tiêu dùng dịch vụ hướng đến nhóm đối tượng tiềm năng này.
Là một phần của “nền kinh tế tóc bạc”, Trung Quốc cho biết sẽ tập trung phát triển mạnh các “đoàn tàu du lịch tóc bạc” với đối tượng phục vụ chính là người cao tuổi, coi đây như một điểm tăng trưởng mới về dịch vụ và tiêu dùng.
Vì sao Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các “đoàn tàu du lịch tóc bạc” vào thời điểm này?
Trong năm 2024, lần đầu tiên cụm từ “sức mạnh tóc bạc” đã lọt vào danh sách 10 từ thịnh hành nhất trong tiếng Trung, bên cạnh các từ ngữ thông dụng liên quan đến Zen-G. Điều này đã phần nào cho thấy người cao tuổi đang trở thành một lực lượng không thể xem nhẹ và động lực thúc đẩy phát triển xã hội ở Trung Quốc.

Phòng ở trên đoàn tàu du lịch Panda trong chuyến đi 16 ngày đến Tân Cương vào tháng 4. Ảnh: Công ty TNHH Du lịch Quốc tế người tìm đường Tân Cương
Hồi đầu năm 2024, Trung Quốc đã lần đầu tiên ban hành một văn bản chính sách mang tên “kinh tế tóc bạc”. Sau đó, hàng loạt các khái niệm liên quan đã ra đời, như “Sức mạnh tóc bạc”, “Hành động tóc bạc”, “Làn sóng tóc bạc” hay “Thị trường tóc bạc”.
Văn bản về “kinh tế tóc bạc” ra đời được ví như như một phần trong nỗ lực giải quyết những thách thức của dân số già ở Trung Quốc.
Dữ liệu mới nhất cho thấy, tuổi thọ trung bình của người Trung Quốc đã đạt 78,6 tuổi. Năm 2024, số người cao tuổi ở nước này đã lên tới trên 310 triệu người, chiếm 22% dân số cả nước. Theo dự báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, khoảng năm 2035, số người từ 60 tuổi trở lên ở nước này sẽ vượt 400 triệu, chiếm hơn 30% dân số.
Cũng trong năm 2024, 1.860 chuyến tàu du lịch đã được vận hành trên toàn quốc, nhiều nhất từ trước đến nay, với hành khách cao tuổi chiếm gần 80%. Theo một báo cáo gần đây về nền kinh tế tóc bạc của Trung Quốc, ngành này hiện có giá trị 7 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 976 tỷ USD), chiếm khoảng 6% GDP, trong đó du lịch là lĩnh vực tăng trưởng chính.
Theo số liệu từ Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc, lượng khách du lịch tóc bạc đã chiếm hơn 20% tổng lượng khách du lịch trong nước ở nước này và du lịch người cao tuổi đang chuyển từ thị trường ngách sang thị trường chính. Trong khi đó, tỷ lệ người cao tuổi đi lại vào các ngày trong tuần là khoảng 64%, cao hơn đáng kể so với những người ở các nhóm tuổi khác.
“Báo cáo chuyên đề về du lịch tóc bạc của Trung Quốc năm 2024” công bố cũng cho thấy, 17,6% người trung niên và người cao tuổi đi du lịch ba lần trở lên mỗi năm, 40,8% người trung niên và người cao tuổi đi du lịch một đến hai lần mỗi năm.
Không chỉ tăng về số lượng, mức tiêu thụ của người cao tuổi cũng tăng nhanh chóng. Báo cáo “Nghiên cứu về hệ thống chỉ số và phát triển của ngành công nghiệp cao tuổi Trung Quốc” của Trung tâm nghiên cứu khoa học cao tuổi nước này cho thấy, tổng mức tiêu dùng của nhóm dân số cao tuổi ở Trung Quốc dự kiến sẽ đạt khoảng 12 nghìn tỷ đến 15,5 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2030, tỷ lệ trong GDP quốc gia sẽ tăng lên 8,3-10,8%; tổng mức tiêu dùng vào năm 2050 dự kiến sẽ đạt khoảng 40 nghìn tỷ đến 69 nghìn tỷ nhân dân tệ, chiếm 12,2-20,7% GDP.
Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Trung Quốc cũng dự báo, đến năm 2040, “du lịch tóc bạc” sẽ chiếm 50% tổng lượng khách du lịch trong nước tại nước này.
Là một bộ phận cấu thành quan trọng của “kinh tế tóc bạc”, “du lịch tóc bạc” đang trở thàng thị trường trọng điểm của ngành du lịch Trung Quốc. Hàng loạt các dữ liệu trên đã cho thấy vai trò ngày càng lên của du khách cao tuổi. Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực kích cầu trong nước nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường bên ngoài và đối phó với thương chiến Mỹ - Trung, khai thác triệt để tiềm năng của người cao tuổi trong lĩnh vực du lịch cũng có thể được coi là một biện pháp hữu hiệu.
Vì sao là các chuyến tàu du lịch mà không phải là phương tiện khác?
Đường sắt là động mạch phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nước này hiện là quốc gia có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới với tổng chiều dài hơn 48.000km. Mạng lưới đường sắt khổng lồ của Trung Quốc đã nối các tỉnh miền Bắc băng giá gần Siberia với các ngọn đồi cận nhiệt đới phía Nam giáp Việt Nam, và đã vận chuyển hơn 4 tỷ lượt hành khách vào năm ngoái.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục nghiên cứu các công nghệ cải tiến mạng lưới đường sắt khổng lồ này, vươn tới tốc độ ngang bằng thậm chí vượt máy bay, lên tới 1.000km/h.

Phòng ăn trên đoàn tàu du lịch Panda. Ảnh: Công ty TNHH Du lịch Quốc tế người tìm đường Tân Cương
An toàn hơn và không bị tắc đường như di chuyển bằng ô tô, giá cả phải chăng, đúng giờ, thoải mái và nhiều tiện ích hơn máy bay, dễ dàng cải tạo nội thất với dịch vụ chuyên nghiệp, là những ưu thế nổi trội của các đoàn tàu du lịch so với các loại hình vận tải khác. Với người cao tuổi, đặc biệt là người đã nghỉ hưu, có cả thời gian và nguồn lực tài chính để đi du lịch ở Trung Quốc, đường sắt được coi là sự lựa chọn hàng đầu.
Theo kế hoạch hành động về việc mở thêm các đoàn tàu du lịch tóc bạc công bố mới đây, các đoàn tàu này sẽ được tối ưu hóa về kích thước và cách bố trí giường, ghế ngồi và nhà vệ sinh trong khoang hành khách, đồng thời bổ sung thêm tay vịn, bình oxy, hộp sơ cứu, nút gọi khẩn cấp và các thiết bị, tiện nghi cần thiết khác phục vụ người cao tuổi.
Các chuyên gia y tế cũng sẽ được bố trí trên tàu và các chi phí y tế phát sinh trong quá trình đi lại sẽ đủ điều kiện để giải quyết bảo hiểm y tế liên vùng, quy trình yêu cầu bồi thường cho hành khách cao tuổi cũng được đơn giản hóa.
Các đoàn tàu du lịch này sẽ tận dụng các thời điểm đi lại thấp điểm để tránh xung đột với các dịch vụ hành khách thông thường, đảm bảo các chuyến tàu hoạt động hiệu quả mà không làm gián đoạn hệ thống giao thông rộng lớn.
Mục tiêu của Trung Quốc là đến năm 2027 thiết kế hơn 100 tuyến đường sắt chất lượng cao dành cho người cao tuổi, xây dựng 160 đoàn tàu thân thiện với người cao tuổi và vận hành hơn 2.500 chuyến tàu dành cho người cao tuổi.
Những yếu tố giúp du lịch Trung Quốc thu hút đối tượng khách hàng cao tuổi
Những năm qua, du lịch nghỉ dưỡng dành cho người cao tuổi đã phát triển khá mạnh ở Trung Quốc, đặc biệt là hình thức du lịch nghỉ dưỡng lưu trú dài ngày. Loại hình này đang được triển khai rộng rãi ở nhiều khu vực có tiềm năng, lợi thế về du lịch và khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Người cao tuổi Trung Quốc chỉ cần chi vài ba nghìn nhân dân tệ là có thể thuê nhà ở cả tháng kèm ăn uống hàng ngày tại các thị trấn du lịch vừa và nhỏ.
Theo tài khoản mang tên “Diễn viên Châu Thụy” khá nổi tiếng sống ở vùng Đông Bắc giá lạnh chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc, trong dịp Tết vừa qua, gia đình anh ta gồm 7 người, trong đó có bố mẹ già, đã đến Phòng Thành Cảng, một thành phố nhỏ ở Quảng Tây tiếp giáp với Việt Nam, thuê một căn phòng gần 120 m2 chỉ với 1.100 nhân dân tệ (khoảng 4 triệu đồng)/tháng. Để đến được miền Nam xa xôi, cách tới 3.800 km, phí giao thông bằng tàu hỏa mà anh phải bỏ ra là chưa tới 1.000 nhân dân tệ (hơn 3 triệu đồng)/người. Vật giá thấp, thời tiết ấm áp, gia đình anh đã ở lại Phòng Thành Cảng trong suốt 3 tháng và đón một cái Tết ấm áp với nhiều trải nghiệm mới.
Mô hình thuê nhà hoặc vào các khu nghỉ dưỡng bình dân dành cho người cao tuổi đã không còn xa lạ và ngày càng trở nên quy củ, chuyên nghiệp tại Trung Quốc.
Trong khi đó, du lịch bằng tàu thường là những chuyến đi dài ngày, phổ biến là 16 ngày, với nhiều mức giá. Theo báo giá của các hãng lữ hành, trong tháng 4, giá cho sản phẩm cao cấp đi dọc Tân Cương, cao nhất lên tới 69.999 nhân dân tệ (khoảng 250 triệu đồng)/người, trong khi sản phẩm bình dân tới vùng Đông Bắc, thấp nhất chỉ 3.999 nhân dân tệ (khoảng 14 triệu đồng)/người. Đáng chú ý là hiện nay rất nhiều điểm du lịch ở Trung Quốc giảm giá hoặc miễn vé cho người cao tuổi. Điều này giúp giảm giá thành cho các chuyến đi.
Có thể nói, các chuyến tàu du lịch tóc bạc là một phần trong nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm “thúc đẩy tiêu dùng dịch vụ” - điều đang rất khó thực hiện đối với thế hệ trẻ, những người đang phải vật lộn với tình trạng việc làm không ổn định và suy thoái bất động sản.
Với những biện pháp hỗ trợ mới vừa đưa ra, Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng và quyết tâm đưa việc phát triển các đoàn tàu du lịch tóc bạc thành nhiệm vụ trọng tâm trong kích cầu du lịch nội địa, góp phần đẩy nhanh nền “kinh tế tóc bạc” như một phần trong nỗ lực nhằm chuẩn bị ứng phó với những thách thức của già hóa dân số.