Câu chuyện sách giáo khoa đầu năm học
Sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập là hành trang không thể thiếu của học sinh khi năm học mới bắt đầu. Để đảm bảo cung ứng đủ SGK, các nhà sách trên địa bàn tỉnh đã khảo sát, cân đối và nhập các bản sách mới bảo đảm nhu cầu của học sinh. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm một số đầu SGK vẫn còn.
Phụ huynh, học sinh mua sắm sách giáo khoa tại Nhà sách Việt Lý (TP Thanh Hóa).
Khan hiếm SGK
Đầu tháng 8-2023, chị Nguyễn Thị Hương (phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) dẫn hai con trai sẽ lên lớp 4 và lớp 6 đến Nhà sách Việt Lý (TP Thanh Hóa) để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập chuẩn bị cho năm học mới.
Chị Hương cho biết: Tất cả các đầu SGK, đồ dùng học tập lớp 4 và lớp 6 đều có thể mua được, tuy nhiên đối với vở bài tập toán lớp 4 tập 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) thì không còn. Nhân viên nhà sách thông báo là đang tạm hết hàng, nhà sách sẽ bổ sung trong thời gian sớm nhất.
“Bên cạnh SGK, tôi cũng quan tâm và ưu tiên lựa chọn đồ dùng học tập của các hãng sản xuất trong nước như Hồng Hà, Thiên Long, Bến Nghé,... để đảm bảo an toàn, chất lượng, hợp túi tiền” – Chị Hương cho biết thêm.
Trước “ma trận” các loại SGK, đồ dùng học tập, bàn ghế, đèn bàn, cặp chống vẹo cột sống,... anh Lê Văn Chuyên (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa) có con trai chuẩn bị vào lớp 1 lại băn khoăn: "Một bộ SGK được nhà sách giới thiệu lên đến vài chục cuốn/bộ. Tôi không biết nên chọn mua cuốn nào, mua hết thì sợ thừa mà không mua lại sợ thiếu”!.
Thông thường, mỗi cuốn SGK sẽ có thêm một cuốn vở bài tập đi kèm. Ví dụ như SGK Giáo dục thể chất sẽ có thêm cuốn Bài tập Giáo dục thể chất; SGK Công nghệ có cuốn Bài tập Công nghệ; SGK Âm nhạc, có bài tập Âm nhạc; SGK Tự nhiên và Xã hội, có Bài tập Tự nhiên và Xã hội... Tuy nhiên, học sinh trên lớp hầu như không sử dụng đến cuốn bài tập. Dù có cho sử dụng, giáo viên cũng không có đủ thời gian để cho học sinh làm thêm cuốn bài tập trừ 2 môn Toán và tiếng Việt. Các môn khác, học sinh sẽ tự giác trong việc làm thêm ở nhà để ôn luyện kiến thức đã học trên lớp. Còn đối với những học sinh không tự giác, gia đình không nhắc nhở thì gần như không sử dụng tới các cuốn bài tập.
Chị Lê Thị Thu Hà, nhân viên Nhà sách Việt Lý cho biết: Phần đa phụ huynh sẽ lựa chọn mua đầy đủ cả bộ sách bao gồm SGK và cuốn bài tập cho con. Tuy nhiên, nếu kinh tế eo hẹp, phụ huynh cũng có thể mua đủ đầu SGK để con có tài liệu học tập. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm 2 cuốn vở bài tập Toán, tiếng Việt để cho con làm bài tập. Đối với những cuốn sách tham khảo khác, phụ huynh có thể cân nhắc tùy điều kiện hoặc nhu cầu của con em mình tránh mua ồ ạt rồi không sử dụng dẫn đến lãng phí.
Tặng SGK nâng bước học sinh đến trường
Từ nhiều năm nay, được sự ủng hộ của các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, ngành giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đã triển khai phong trào “Tặng SGK nâng bước học sinh đến trường”. Từ chương trình ý nghĩa này, đã có hàng nghìn em học sinh nghèo có đầy đủ SGK, đồ dùng học tập bước vào năm học mới.
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến ngày tựu trường, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Yên Lạc (Yên Định) lại hân hoan quay trở lại trường để nhận SGK miễn phí từ phong trào “Tặng SGK nâng bước học sinh đến trường” do nhà trường phát động ngay sau khi năm học cũ vừa kết thúc.
Cô Ngô Thị Út Hường, giáo viên Trường Tiểu học Yên Lạc cho biết: Mỗi năm trường có khoảng 15 - 20% học sinh có nhu cầu được hỗ trợ SGK cho năm học mới. Để có đủ SGK cho các em, nhà trường đã vận động từ Hội cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm, các tổ chức đoàn thể... để có đủ nguồn hỗ trợ mua sắm SGK, đồ dùng học tập trao tặng cho các em học sinh nghèo.
Phong trào “Tặng sách, nâng bước học sinh đến trường” được ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Thanh Hóa triển khai được gần 10 năm nay với hàng nghìn cuốn SGK, gồm cả cũ và mới, sách tham khảo, truyện tranh đã được trao tặng. Sau khi tiếp nhận, các nhà trường sẽ sắp xếp, phân loại để gửi tặng cho các em học sinh khó khăn.
Cô Trần Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quảng Phú (TP Thanh Hóa) cho biết: Năm học 2023-2024 là năm thứ 8 nhà trường triển khai hoạt động tặng SGK cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nâng bước các em đến trường. Để có thêm nguồn SGK tiếp tục triển khai phong trào tặng SGK cho năm học tiếp theo, nhà trường đã vận động các em học sinh sau khi kết thúc năm học gửi tặng lại những cuốn SGK vào thư viện nhà trường để các lớp sau có thể mượn và sử dụng.
Việc quyên góp, ủng hộ SGK dành tặng cho học sinh nghèo là một việc làm nhân văn, thiết thực, không chỉ thể hiện tấm lòng yêu thương, sẻ chia mà còn giáo dục các em học sinh về thói quen tiết kiệm, giữ gìn sách vở, ứng xử văn hóa với sách.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/cau-chuyen-sach-giao-khoa-dau-nam-hoc/192554.htm