Câu chuyện tăng lương
Những ngày gần đây, từ nghị trường kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV, nhiều nội dung quan trọng đã được bàn thảo, xem xét, quyết định, trong đó có việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang với mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8% so với trước đây.
Điều này không chỉ là tin vui đối với những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà còn thu hút sự quan tâm lớn của xã hội bởi nó phần nào đáp ứng niềm mong mỏi của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức...khi mà nguồn sống chủ yếu phụ thuộc vào lương, bù đắp lại mức trượt giá thời gian qua, giúp đội ngũ công bộc của nhân dân yên tâm làm việc, cống hiến.
Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV bàn thảo, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có vấn đề tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức... từ thời điểm 1/7/2023. Ảnh: TTXVN
Ngay từ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (NQ 27) về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp đã nêu rõ quan điểm: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội; tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, đảm bảo đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động, hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị- xã hội, thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững.
NQ 27 cũng xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đảm bảo đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội...
Cụ thể hóa và đưa NQ 27 vào cuộc sống, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về Chương trình hành động thực hiện NQ 27 của Trung ương. Từ cuối năm 2018, Bộ cũng đã chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng sáu nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo chức vụ, chức danh, vị trí việc làm gắn với lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước và các giải pháp tài chính tạo nguồn cho cải cách tiền lương, đồng thời xây dựng dự thảo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương mới để triển khai thực hiện từ năm 2021 theo yêu cầu tại NQ 27 của Trung ương.
Mặc dù, tại kỳ họp cuối năm 2019 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020 nhưng do tác động bất lợi của nhiều yếu tố, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 làm cho nền kinh tế và ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn nên Hội nghị lần thứ Mười ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 10/2020) và Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã xem xét, quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách tiền lương, Quốc hội cũng quyết định hoãn tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1/7/2020 và vẫn giữ mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng từ năm 2019 cho đến nay.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn của đất nước, nhất là đà phục hồi, phát triển kinh tế sau khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát, để tiếp tục thực hiện mục tiêu ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã trình Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ Tư xem xét, điều chỉnh, tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 1/7/2023 để giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức lương cơ sở.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sau khi điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, căn cứ tình hình thực tiễn kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và giai đoạn đến năm 2025, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan kịp thời trình Chính phủ, Trung ương, Quốc hội việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo đúng yêu cầu tại NQ 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dù vậy, tại nghị trường Quốc hội lần này, một số đại biểu Quốc hội nêu ý kiến đề xuất nên tăng lương cơ sở ngay từ thời điểm 1/1/2023 thay vì đến 1/7/2023 và điều này dường như phù hợp với mong mỏi, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khu vực công bởi nó xuất phát từ những con số cần suy ngẫm: Hiện thu nhập của một người có trình độ thạc sĩ cũng chỉ hơn năm triệu đồng/tháng và mới tính đến nửa đầu của năm 2022, cả nước đã có gần 40 ngàn cán bộ, công chức, viên chức, 653 tiến sĩ, 4.018 thạc sĩ xin thôi việc, nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có yếu tố thu nhập chưa hoặc không đảm bảo cuộc sống.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung, nếu thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm đầu năm 2023 sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát. Chiều 11/11/2022, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo đó, chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo NQ 27 của Trung ương trong năm 2023; Quốc hội quyết nghị từ 1/7/2023 tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp BHXH đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo, hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công đảm bảo không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị, tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở...Dù chưa phải là tất cả nhưng đây là nỗ lực rất lớn, là nguồn động viên quý giá để người hưởng lương từ ngân sách nhân lên niềm tin về một cuộc sống đủ đầy hơn.
Hoàng Anh
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/cau-chuyen-tang-luong/188819.htm