Câu chuyện thành công về kinh tế của Việt Nam đến từ đâu?
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.
Cụ thể, WB dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,1% vào cuối năm 2024 và 6,5% vào năm 2025. Cả hai mức này đều cao hơn ước tính hồi tháng 4/2024 của cơ quan này.
Dự báo cho thấy, Việt Nam có thể có mức tăng trưởng lớn hơn vào năm 2025 so với các nền kinh tế mới nổi khác như Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý III/2024 ước tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 6,82%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,2%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, khu vực dịch vụ tăng 6,95%.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức tăng trưởng cao là điểm sáng. Tính chung 9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 15,4%, nhập khẩu tăng 17,3%, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD.
Trong khoảng thời gian này, Việt Nam thu hút 24,78 tỷ USD dòng vốn đầu tư, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI trong 9 tháng ước tăng 10,7% so cùng kỳ và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 3,9% cùng kỳ năm 2023.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
"Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công" là câu nhận định đầu tiên của WB trên chuyên trang về Việt Nam của tổ chức này phát hành hồi đầu năm nay. Cụ thể, WB cho rằng, những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với các xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Với những diễn biến phát triển của Việt Nam, WB đánh giá: "Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á Thái Bình Dương".
Trang DW cho rằng, Việt Nam - giống như các nước Đông Nam Á khác - phụ thuộc rất nhiều vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Theo Báo cáo Đầu tư ASEAN 2024, từ năm 2021 đến năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines đạt trung bình khoảng 236 tỷ USD một năm.
Khi các nhà đầu tư phương Tây cố gắng đa dạng hóa khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa nước này và Mỹ, các nước Đông Nam Á đang trở thành lựa chọn hàng đầu cho đầu tư nước ngoài.
Đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam, TS. Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu và nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak, Singapore (ISEAS) cho hay, đất nước có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ lợi thế trong nước là dân số 100 triệu người với tầng lớp trung lưu đang gia tăng.
Đất nước hình chữ S cũng thu hút sự chú ý của các nền kinh tế phương Tây. Đơn cử như Mỹ - đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Vào tháng 9/2023, Mỹ và Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Các nhà phân tích cho rằng, điều này thúc đẩy lợi ích kinh tế của cả hai bên.