Câu chuyện thể thao: Cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu tại Bỉ
Ngày 5-7-2019, tiền đạo đội tuyển Việt Nam trưởng thành từ Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai JMG đã chính thức ký với CLB Sint-Truidense V.V bản hợp đồng có thời hạn một năm. Qua đó trở thành cầu thủ đầu tiên của V.League thi đấu ở giải vô địch quốc gia Bỉ.
Ảnh minh họa.
Như chúng ta đã biết, sau khi chia tay CLB Hàn Quốc Incheon United, Ban lãnh đạo CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) không giấu giếm ý định sẽ đưa Công Phượng sang Pháp thi đấu. Theo lời ông bầu Đoàn Nguyên Đức thì Clermont Foot Auvergne 63 - tập thể đang chơi tại giải hạng hai Pháp - đã gửi thư đàm phán, ngỏ ý muốn có tiền đạo này trong 3 năm. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo HAGL là chỉ chấp nhận ràng buộc theo từng mùa giải.
Đúng lúc này thì lời đề nghị thứ hai được gửi đến. Trao đổi với báo giới, Giám đốc điều hành CLB Sint-Truiden - ông Takayuki Tateishi (người Nhật Bản) cho hay: Chúng tôi biết cầu thủ này từng chơi bóng ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Các chuyên gia của CLB đã phân tích kỹ về khả năng chuyên môn của Công Phượng và chúng tôi quyết định chiêu mộ cầu thủ này!
Mặc dù mới giành vé thăng hạng cách đây 3 năm song thành tích của Sint-Truidense V.V (tại giải Vô địch Bỉ) những mùa giải gần đây đều cho thấy những dấu hiệu rất tích cực. Họ liên tục cải thiện thứ hạng và giành hạng 7 tại giải đấu cao nhất quốc gia mùa bóng năm ngoái. Điều này có nghĩa Công Phượng cùng đồng đội sẽ không phải chật vật tìm kiếm suất trụ hạng như quãng thời gian còn khoác áo Incheon United.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, so với giải Ligue 2 của Pháp, việc Nguyễn Công Phượng chọn giải vô địch quốc gia Bỉ thuận lợi hơn về nhiều mặt. Thứ nhất, như đã nói, thời gian hợp đồng chỉ là một năm - đúng ý nguyện của ông bầu Đức và cũng đủ để đánh giá một cách tương đối chính xác mức độ hòa nhập trước khi hai bên quyết định “có” hay “không” tiếp tục gia hạn. Thứ hai, CLB Sint-Truidense V.V hiện thuộc quyền sở hữu của một tập đoàn điện tử Nhật Bản nên có nhiều cầu thủ đến từ xứ sở mặt trời mọc đang chơi bóng tại đây. Môi trường ấy ít nhiều sẽ giúp tiền đạo quê Nghệ An bớt bỡ ngỡ bởi anh từng có hơn một năm chơi bóng tại Mito Hollyhock (Nhật Bản).
Bên cạnh những thuận lợi ấy, Công Phượng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Sint Truidense đang sở hữu tới 5 tiền đạo chất lượng, theo giá trị chuyển nhượng lần lượt là Yohan Boli (người Bờ Biển Ngà, giá 2,7 triệu Euro), Wolke Janssens (Bỉ, 225 nghìn Euro), Kosuke Kinoshita (Nhật Bản, 315 nghìn Euro), tiền đạo Duckens Nazon (Pháp, 315 nghìn Euro) và đội trưởng Jordan Botaka (Congo, 1,35 triệu Euro). Trong khi đó, trị giá bản hợp đồng của Công Phượng chỉ là 150.000 Euro, đồng nghĩa anh sẽ phải nỗ lực rất nhiều mới có thể giành được một suất đá chính trong đội hình.
Nhưng bất luận đóng góp, vị thế của Nguyễn Công Phượng ở đội bóng mới thế nào đi chăng nữa thì việc một cầu thủ Việt Nam thi đấu tại châu Âu vẫn là thành tích rất đáng tự hào của sân cỏ quốc nội. Quan trọng hơn, nó chứng tỏ chiến lược mở Học viện hướng tới “xuất khẩu cầu thủ” của ông bầu Đoàn Nguyên Đức là đúng đắn và khả thi.