Câu chuyện thứ bốn mươi: Tôi nhập ngũ để viết tiếp giấc mơ biên cương còn dang dở của bố

Bố tôi, người lính Biên phòng quanh năm xa nhà, cả cuộc đời gắn với biên giới Lai Châu. Anh em chúng tôi cũng quen với việc 'ăn tết trước ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời để bố lên biên giới canh giữ đất trời biên cương'.

Tôi là con trưởng và hợp tính với bố nhất nên thường viết thư tâm sự. Dù không nói ra nhưng qua những lần nói chuyện, tôi hiểu rằng, bố rất kỳ vọng tôi sẽ nối nghiệp của bố - trở thành người lính trấn ải biên cương.

Năm 2000, tôi tốt nghiệp cấp 3. Trong khi các bạn rủ nhau thi trường này trường khác, tôi chỉ thi duy nhất 1 trường là Học viện Biên phòng dù biết rằng “tỉ lệ chọi” rất cao. Quãng thời gian ôn thi vào học viện, tôi được Đại tá Nguyễn Hoài Khanh, Trưởng khoa Chiến thuật, Học viện Biên phòng, cũng là đồng đội của bố khi còn công tác tại Đồn Biên phòng Vàng Ma Chải, Bộ đội Biên phòng Lai Châu giúp đỡ rất nhiều. Bác Khanh ở tập thể, phòng chật hẹp nhưng vẫn bố trí cho tôi 1 giường 1 bàn học và đồ đạc để tôi ôn thi thật tốt. Những lúc nghỉ ngơi, bác lại kể cho tôi nghe chuyện bác và bố ngày còn ở biên giới, điều đó càng khiến tôi cố gắng hơn nữa để thực hiện mong muốn của bố. Và tôi đã trở thành học viên của Khoa Quản lý bảo vệ biên giới trong sự vui mừng của bố và đồng đội. Sau này, khi đã có con, tôi mới hiểu rằng khát khao của người làm bố là khiến con mình tự hào về mình và muốn nối nghiệp của mình.

 Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng Điện Biên.

Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng Điện Biên.

Năm 2002, bố tôi mất khi đang là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Pa Thơm, Bộ đội Biên phòng Điện Biên. Cú sốc tinh thần ấy khiến mẹ tôi, gia đình tôi như không trụ vững. Hai năm trong quân ngũ khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi đã tự nói với bản thân, mình phải thay bố gánh vác gia đình này. Tôi học chăm hơn, rèn luyện bản thân mình nghiêm túc hơn. Mặc dù có người yêu nơi quê nhà, nhưng nghĩ tới bố, tôi đã đặt bút ghi duy nhất 2 chữ “Điện Biên” vào tờ đơn nguyện vọng nơi công tác khi ra trường. Dù bố đã đi xa nhưng luôn là tấm gương để tôi soi vào để phấn đấu và vượt qua những khó khăn trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Lên biên giới, tôi đã trải qua công tác tại các đồn Biên phòng Mường Mươn, Leng Su Sìn, Nậm Kè, Na Cô Sa, Nậm Nhừ, Tây Trang, A Pa Chải. Công tác với những người là đồng đội của bố, tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về ông nên càng thêm tự hào. Tôi nhớ lại những tâm sự của bố về những trăn trở, làm thế nào để đồng bào Mông không còn di cư tự do? Làm thế nào để cuộc sống của đồng bào Mông, Hà Nhì ngày càng tốt hơn và cả làm thế nào để đời sống tinh thần, vật chất của bộ đội được đảm bảo để gắn bó với đơn vị, với biên cương? Ở cương vị người chỉ huy, tôi đã nỗ lực rất nhiều. Tôi đã tập trung lãnh đạo đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng cảnh quan đơn vị xanh-sạch-đẹp, tăng gia sản xuất để cải thiện cuộc sống cho bộ đội. Tôi cũng vận động, kêu gọi các tổ chức, mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm, làm nhà, tặng cây, con giống cho đồng bào phát triển kinh tế. Những năm gắn bó với biên giới, tôi hiểu rằng, biên cương có giàu đẹp, có vững mạnh hay không phải nhờ phần không nhỏ vào sức mạnh lòng dân. Đó là vì trách nhiệm của một người lính và đó là cách tôi hoàn thành những tâm nguyện còn dang dở của bố.

Trung tá ĐẶNG VĂN TUẤN - Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, Bộ đội Biên phòng Điện Biên

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cau-chuyen-thu-bon-muoi-toi-nhap-ngu-de-viet-tiep-giac-mo-bien-cuong-con-dang-do-cua-bo-719521