Câu chuyện tìm sinh kế thoát nghèo tại một huyện miền núi
Hàng trăm hộ gia đình tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa tìm được sinh kế thoát nghèo nhờ tiếp cận chăn nuôi bền vững sau khi tham gia vào mô hình Chăn nuôi theo Chuỗi giá trị trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo.
Thường Xuân là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, có 17 km đường biên giới giáp với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Dân số toàn huyện trên 90 nghìn người chủ yếu thuộc 3 dân tộc Thái, Kinh, Mường. Thường Xuân cũng là huyện miền núi khó khăn thuộc 62 huyện nghèo của cả nước, hiện tỷ lệ hộ nghèo trong huyện vẫn lên trên 21%.
Chị Cầm Thị Kiều (35 tuổi) cùng chồng và hai con sống tại một ngôi làng nhỏ ở ven chân núi thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thu nhập của người dân địa phương nơi đây khá bấp bênh nếu chỉ dựa vào phương thức canh tác truyền thống, nên hầu hết phải bôn ba đi làm thuê ở xa. Gia đình chị Kiều cũng không ngoại lệ. Chồng chị là trụ cột trong gia đình, anh chọn đi làm thuê ở một tỉnh xa để mang lại tương lai tốt đẹp hơn cho cả gia đình. Vài tháng anh mới về nhà thăm nhà được một lần. Còn chị Kiều ở lại làng vừa chăm sóc con, vừa nhận làm thuê những công việc phụ tại địa phương.
Tuy cần mẫn làm việc, nhưng vợ chồng chị Kiều vẫn không thể trang trải cho cuộc sống của gia đình nhỏ. Bữa ăn của chị và hai con hàng ngày chỉ có cơm trắng cùng rau rừng và măng. Vài tháng một lần chị mới có chút tiền mua ít thịt, cá để cải thiện bữa ăn gia đình. Chị cũng chưa từng biết cách chăn nuôi.
Năm 2021, gia đình chị Kiều cùng 20 hộ có hoàn cảnh khó khăn khác trong thôn đã được nhận được hỗ trợ từ mô hình này. Mỗi gia đình nhận được 100 con vịt giống Mavin Cherry cùng thức ăn chăn nuôi và các hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bền vững.
Được sự động viên tinh thần từ các cán bộ dự án, chị Kiều đã mạnh dạn tham gia tập huấn chăn nuôi. Trước đó, các cán bộ dự án cùng chính quyền cấp xã, thôn cũng hỗ trợ chị chuẩn bị chuồng trại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đàn vịt giống sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Nhờ tuân thủ tuyệt đối kỹ thuật mà cán bộ dự án đã hướng dẫn và giám sát định kỳ,đàn vịt lớn rất nhanh và xuất bán sau 50 ngày với trọng lượng trung bình mỗi con đạt 3,1 kg. Trong 100 con chỉ có bốn con bị chết.
Ở khâu tiêu thụ, các cán bộ dự án tập đoàn Mavin và Tầm Nhìn Thế Giới (World Vision) cũng đã liên hệ giới thiệu thương lái tới tận hộ gia đình để thu mua hết số vịt của gia đình chị và các hộ khác trong nhóm. Gia đình chị đã bán 80 con vịt với tổng số tiền thu được 8.928.000 đồng. Số tiền này được chị dùng để mua quần áo cho các con và trang trải sinh hoạt hàng ngày. 16 con còn lại, chị để dành cải thiện bữa ăn cho gia đình, với hy vọng các con được bổ sung dinh dưỡng sẽ cao lớn, khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa...
Niềm vui ánh lên trong ánh mắt khi chị Kiều chia sẻ: "Bây giờ, tôi không còn lo lắng về kỹ năng chăn nuôi như trước nữa bởi tôi đã hiểu khi tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do các cán bộ hướng dẫn thì không còn gì phải e ngại nữa. Tôi cũng hy vọng những hộ gia đình nghèo trong thôn cũng chăn nuôi tốt để vừa có thực phẩm cải thiện bữa ăn gia đình, vừa có thêm thu nhập để mang lại cuộc sống tốt hơn cho các con".
Chương trình Hợp tác Thúc đẩy Chăn nuôi theo Chuỗi giá trị nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình nghèo theo chủ trương xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo. Trong giai đoạn I (2019-2021) thực hiện tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa, hàng trăm hộ nông dân đã thoát nghèo, làm chủ nghề chăn nuôi heo, gà, vịt và tiếp cận chăn nuôi bền vững. Năm 2023, mô hình bước sang năm thứ 2 của giai đoạn II (2022-2024), với tổng ngân sách hơn 2,29 tỷ đồng do tập đoàn Mavin và tổ chức World Vision hỗ trợ, được thực hiện tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.
Ông Nguyễn Đình Cường, Chuyên gia của Tổ chức World Vision cho biết Chương trình Hợp tác Thúc đẩy Chăn nuôi theo Chuỗi giá trị nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế cho các hộ gia đình nghèo. Trong Giai đoạn I (2019-2021) thực hiện tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa, hàng trăm hộ nông dân đã thoát nghèo, làm chủ nghề chăn nuôi heo, gà, vịt và tiếp cận chăn nuôi bền vững. Năm 2023, mô hình bước sang năm thứ 2 của giai đoạn II (2022-2024), với tổng ngân sách hơn 2,29 tỷ đồng do tập đoàn Mavin và tổ chức World Vision hỗ trợ, được thực hiện tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.
Theo ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, Thường Xuân là huyện nghèo thuộc diện 30a của tỉnh Thanh Hóa, điều kiện tự nhiên phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất, lưu thông hàng hóa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, các Chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang là nguồn lực lớn giúp huyện thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, với chủ trương xã hội hóa và đa dạng nguồn lực, công cuộc xóa đói giảm nghèo còn được sự hỗ trợ, giúp sức của các doanh nghiệp và nhiều cơ quan, tổ chức trên địa bàn.
"Mặc dù còn nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, diện tích tự nhiên rộng nhưng nhờ có sự quan tâm đầu tư của nhà nước cộng với công tác xã hội hóa trong công tác đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, phúc lợi, an sinh xã hội", ông Lương chia sẻ.
Đề cập về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, ông Lương cho hay từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã huy động được 14,2 tỷ đồng hỗ trợ phát triển chăn nuôi và 6 tỷ đồng hỗ trợ phát triển trồng trọt. Tuy nhiên, do kinh phí hỗ trợ ít nên số lượng người dân được tham gia các mô hình, dự án hàng năm vẫn chưa được nhiều.
Kinh nghiệm cho thấy, nếu chỉ hỗ trợ vốn cho hộ nghèo thôi thì chưa đủ, quan trọng là phải dạy cho nông dân kỹ năng, kỹ thuật sản xuất chăn nuôi trồng trọt, để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh đối với vật nuôi cây trồng. Đồng thời, người dân cũng cần phải biết cách tiêu thụ sản phẩm, bán ở đâu và bán cho ai để đạt được lợi nhuận tốt.
Trong thời gian 5 năm qua, các cấp chính quyền huyện, xã tại huyện Thường Xuân đã phối hợp với các cấp hội nông dân, hội phụ nữ và sự trợ giúp xã hội hóa từ nhiều doanh nghiệp, đã phối hợp tổ chức 57 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt cho nông dân, hướng dẫn đưa 15 sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart.vn; vận động, hướng dẫn xây dựng 8 sản phẩm OCOP và 2 sản phẩm VietGAP; chứng nhận 21,78 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
"Vấn đề then chốt trong xóa đói giảm nghèo là khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo", ông Lương nhấn mạnh.
Ông chia sẻ: Sự tham gia của đối tượng hưởng lợi vào công tác lập kế hoạch trung hạn và hàng năm về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế đã được quan tâm. Trong 3 năm qua, đã tổ chức được 65 cuộc họp thôn lập kế hoạch phát triển sản xuất với hơn 11.000 hộ tham gia, trong đó hộ nghèo khoảng 6.850, hộ cận nghèo 3.000, phụ nữ, dân tộc thiểu số 8.500 người. Người dân được tham gia bàn bạc, thống nhất lựa chọn mô hình, dự án và bình bầu người thụ hưởng các chính sách hàng năm; việc xác định mô hình được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trong thời gian tới, để công tác giảm nghèo nhanh và bền vững đạt hiệu quả trên địa bàn huyện Thường Xuân, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Coi đây là giải pháp then chốt, đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững.
Mặt khác, tiếp tục chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác cũ, nâng cao trình độ thâm canh, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất cho hộ nghèo. Đồng thời, huy động nguồn lực của doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và đóng góp của nhân dân vào công tác xóa đói giảm nghèo.