Câu chuyện tình dục hóa cơ thể phụ nữ trong lịch sử Olympic

Quy định về trang phục của các nữ vận động viên phần nào phản ánh sự khác biệt giới tính trong thể thao.

Theo Independent, trang phục thi đấu của các vận động viên thu hút sự quan tâm của người hâm mộ. Những bộ bikini gợi cảm trở thành đề tài gây tranh cãi trên các diễn đàn.

Tại giải Bóng ném bãi biển Euro 2021, đội bóng nữ của Na Uy bị Liên đoàn Bóng ném châu Âu xử phạt 1.800 USD vì mặc quần đùi dài trong một trận đấu. Họ cho rằng các vận động viên nữ phải tuân thủ quy tắc trong thể thao và bắt buộc mặc bikini có đáy quần vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá 10 cm cùng loại áo lót thể thao bó sát với khoảng hở ở tay.

Sau đó, liên đoàn nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người hâm mộ. Nhiều nữ vận động viên đã lên tiếng cho biết bản thân cảm thấy bị thiếu tôn trọng và cơ thể không thoải mái khi mặc bikini trong điều kiện thi đấu.

Nhà báo Saman Javed nhận định câu chuyện tình dục hóa cơ thể phụ nữ trong thể thao bằng những bộ trang phục gợi tình đã có từ lâu, xuyên suốt lịch sử Olympic.

 Trang phục của đội thể dục dụng cụ Đức ở Olympic Tokyo 2020.

Trang phục của đội thể dục dụng cụ Đức ở Olympic Tokyo 2020.

Năm 1900

Phụ nữ được phép tham gia thế vận hội lần đầu tiên vào năm 1900, khi giải đấu diễn ra tại Paris, Pháp. 22 người phụ nữ, chiếm 2% trên tổng số vận động viên. Họ chỉ được phép tham dự 5 môn thể thao quần vợt, chèo thuyền, golf, cưỡi ngựa và bóng cửa. 977 nam vận động viên được thi đấu ở tất cả môn thể thao.

Lý do của vấn đề này được chia sẻ bởi David Goldblatt - tác giả của cuốn sách The Games: A Global History of the Olympics. "Mối quan tâm chính là cơ thể của phụ nữ khi chơi thể thao sẽ khiến các vận động viên nam mất tập trung. Để khắc phục, vận động viên nữ phải mặc những chiếc váy có kích thước đến mắt cá chân với tay áo dài và phần cổ cao" - trích nội dung trong cuốn sách.

Ngoài ra, việc lựa chọn trang phục kín giúp phụ nữ có thể che chắn, vừa thể hiện đạo đức, vừa ngăn đàn ông có những suy nghĩ không tốt khi nhìn thấy bộ phận trên cơ thể.

 Tay vợt người Anh - Charlotte Cooper Sterry - trở thành nhà vô địch quần vợt nữ đầu tiên của thế vận hội năm 1900.

Tay vợt người Anh - Charlotte Cooper Sterry - trở thành nhà vô địch quần vợt nữ đầu tiên của thế vận hội năm 1900.

Thời điểm năm 1908

Gần một thập kỷ sau, tại thế vận hội năm 1908 ở London (Anh), trang phục của phụ nữ được phép để lộ chân, nhưng vẫn phải thể hiện sự kín đáo.

Hình ảnh của các vận động viên Đan Mạch cho thấy chiếc áo dài tay rộng đi kèm chân váy quá gối đồng màu trở thành trang phục thi đấu. Những bộ đồng phục đi ngược với quy định của liên đoàn khi yêu cầu các vận động viên nam và nữ phải mặc đồ vừa vặn với cơ thể.

Tuy nhiên, việc quy định đưa ra sẽ khiến hình thể của phụ nữ bị gò bó, để lộ những điểm nhạy cảm, thu hút sự chú ý của đàn ông. Người hâm mộ nhận định quy tắc này không tôn trọng và luôn có sự phán xét về cơ thể của phụ nữ.

 Trang phục của các vận động viên Đan Mạch năm 1908.

Trang phục của các vận động viên Đan Mạch năm 1908.

Thời kỳ Olympic 1912-1932

Thế vận hội ở Stockholm (Thụy Điển) năm 1912 đánh dấu lần đầu tiên phụ nữ được phép tham gia môn thể thao bơi lội. Vào thời điểm đó, vận động viên nữ phải mặc trang phục bơi phom dáng rộng với áo ba lỗ và quần có chiều dài đến đùi.

Đến năm 1932, Olympic được tổ chức ở Los Angeles (Mỹ), trang phục bơi đã được thay thế với phom dáng phù hợp trong lúc vận động viên tham gia thi đấu cùng chiều dài vừa đủ để che chắn cơ thể người mặc.

 Trang phục bơi của vận động viên nữ tại Olympic năm 1932.

Trang phục bơi của vận động viên nữ tại Olympic năm 1932.

Từ năm 1996-2012

Khi môn bóng chuyền bãi biển được giới thiệu tại Olympic ở Mỹ, các vận động viên nữ phải mặc đồng phục hoàn toàn khác so với nam giới. Trong khi hình ảnh những vận động viên nam trong chiếc áo ba lỗ rộng và quần shorts, phụ nữ phải diện đồ bơi hai mảnh kéo sát đùi, để lộ điểm nhạy cảm trên cơ thể.

Những bộ đồng phục đã được quy định từ năm 2012 khi liên đoàn bóng chuyền bổ sung thêm quy tắc, điều khoản phục trang cho thế vận hội khi phụ nữ có thể mặc bikini hai mảnh hay đồ bơi một mảnh dạng monokini, nhưng đáy quần phải vừa vặn và cắt một góc hướng lên phía trên, không được dài quá 10 cm.

Thời điểm đó, nhiều tờ báo cũng lên tiếng cho rằng đồng phục của vận động viên nữ có phần gợi tình, có dấu hiệu tình dục hóa hình thể phụ nữ.

 Vận động viên nữ tham gia thi đấu môn bóng chuyền tại Olympic năm 1996.

Vận động viên nữ tham gia thi đấu môn bóng chuyền tại Olympic năm 1996.

Mốc thời gian 2012-2021

Sau các điều khoản được bổ sung vào quy định phục trang cho thế vận hội năm 2012, các vận động viên nữ bắt đầu chống lại sự phân biệt giới tính bằng việc chia sẻ quan điểm với công chúng về những quy chuẩn khắt khe của liên đoàn thể thao.

Vào tuần trước một đội bóng nữ của Na Uy chấp nhận bị Liên đoàn Bóng ném châu Âu xử phạt 1.800 USD vì lựa chọn quần đùi dài trong một trận đấu. Thậm chí, đội thể dục dụng cụ nữ của Đức còn thể hiện sự bình đẳng giới, bằng cách thi đấu trong trang phục jumpsuit che kín thay vì những bộ bikini gợi cảm như trước đây.

Thông điệp của đội tuyển Đức nhằm khẳng định các nữ vận động viên có quyền lựa chọn trang phục họ cảm thấy phù hợp, không bị tình dục hóa trong lúc thi đấu.

Vận động viên Elisabeth Seitz chia sẻ: "Chúng tôi cảm thấy trang phục jumpsuit có sự thoải mái trong khi tham gia thi đấu. Điều này không có nghĩa chúng tôi không muốn mặc trang phục theo quy chuẩn bình thường nữa. Điều đó tùy vào từng ngày, dựa trên cảm xúc và ý muốn của chúng tôi".

Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 chính là nơi thể hiện rõ nhất những quan điểm của các nữ vận động viên trong việc tự bảo vệ chính họ, công chúng quốc tế cho rằng đã đến lúc những quy định có dấu hiệu tình dục hóa hình thể phụ nữ cần phải chấm dứt, để ngăn chặn việc quấy rối tình dục trong lĩnh vực thể thao.

 Các vận động viên nữ cần được bảo vệ bằng việc xóa bỏ quy định khắt khe về phục trang khi tham gia thi đấu thể thao.

Các vận động viên nữ cần được bảo vệ bằng việc xóa bỏ quy định khắt khe về phục trang khi tham gia thi đấu thể thao.

Thuận Vũ

Ảnh: Independent

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cau-chuyen-tinh-duc-hoa-co-the-phu-nu-trong-lich-su-olympic-post1245163.html