Câu chuyện truyền cảm hứng của vợ chồng trẻ 'vượt cửa tử đột quỵ'

Đột quỵ lúc đêm khuya khiến Trang rơi vào cảnh 'thập tử nhất sinh', và nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, giờ đây cô gái hồi phục và tập đi mỗi ngày.

Suốt thời gian đồng hành cùng vợ, Chiến không quên ghi lại những thước phim đáng nhớ. (Video: NVCC)

"23h ngày 14/3/2024, vợ tôi xuất hiện dấu hiệu đột quỵ. Đang mang thai tháng thứ 6, di chuyển chậm chạp, cô ấy chỉ kịp bò vào đến giường gọi với chồng sau đó ngã xuống sàn nhà bất tỉnh. Trong cơn hoảng loạn, gia đình vội đưa Trang tới bệnh viện gần nhất, sau đó chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai", anh Nguyễn Đạt Chiến (27 tuổi, Quốc Oai, Hà Nội, chồng của Phí Thị Trang (21 tuổi) chia sẻ lại đoạn ký ức không bao giờ dám quên.

Đến 13h hôm sau, bác sĩ thông báo “Trang bị xuất huyết não, khó cứu được”. “Bác sĩ nói nếu mổ tỷ lệ sống chỉ khoảng 10%, thì khả năng sống thực vật rất cao. Tôi đứng không vững, tim như có ai đó bóp nghẹt”, Chiến nhớ lại.

Dù chỉ còn 1% hy vọng, Chiến cũng quyết tâm phải cứu bằng được vợ. Ký xong tờ giấy cam kết mổ, anh ngồi một góc khu cấp cứu và khóc như mưa.

Chiến gác lại công việc, đồng hành cùng vợ điều trị, phục hồi sức khỏe. (Ảnh: NVCC)

Chiến gác lại công việc, đồng hành cùng vợ điều trị, phục hồi sức khỏe. (Ảnh: NVCC)

Những ngày sau đó, người chồng trẻ chạy khắp nơi làm thủ tục, giấy tờ cho vợ. Điện thoại nhiều lúc trong tình trạng nóng máy vì liên hệ khắp nơi để nhờ kết nối với những y bác sĩ đầu ngành, tìm phương pháp chữa trị tốt nhất.

Hai ngày sau, Chiến được vào thăm vợ. Nhìn người vợ khỏe mạnh, hoạt bát giờ nằm bất động bên máy móc để duy trì sự sống, anh tự nhủ bằng mọi giá phải cứu được cả vợ và con.

Năm ngày sau mổ, qua cơn nguy kịch, Trang chuyển ra phòng bệnh bình thường, nhận ra mọi người, có thể nói chuyện nhưng nửa người bên trái liệt hoàn toàn.

Bác sĩ tư vấn gia đình nên đưa Trang sang Bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội tập phục hồi các chức năng. Sau 21 ngày tập, dưới sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, sức khỏe Trang tốt dần lên và được xuất viện.

Anh Chiến quyết định đưa Trang về sống tại trang trại của bố mẹ vợ để được hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Hàng ngày anh dành thời gian tối đa cho vợ từ 7h đến 22h. Lúc vợ ngủ, anh mới xử lý việc công ty.

Để phù hợp với khẩu vị của người mới bị ốm lại đủ dưỡng chất cho thai nhi, Chiến trực tiếp xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho vợ con. Người đàn ông kiên nhẫn tự tay đút từng miếng cơm cho vợ. Mỗi ngày từ 10-11h sáng có nhân viên y tế tới tập vật lý trị liệu, Chiến cũng tập cùng để khích lệ vợ.

Đều đặn hai tuần một lần, anh lại thuê xe cứu thương đưa vợ tới bệnh viện kiểm tra thai. Người đàn ông hy vọng khi nhìn thấy con qua màn hình máy siêu âm vợ sẽ nỗ lực vượt qua hoàn cảnh.

Tổ ấm nhỏ của Chiến và Trang. (Ảnh: NVCC)

Tổ ấm nhỏ của Chiến và Trang. (Ảnh: NVCC)

Nhờ kiên trì tập phục hồi, Trang dần dần điều chỉnh được tay trái bình thường và ngồi xuống sàn ăn cùng gia đình. Tháng 6/2024, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc đón bé Gấu - con trai đầu lòng chào đời, cả hai cảm nhận rõ như một phép màu đến với gia đình. Ông bố trẻ nhận hết công việc bỉm sữa để vợ được nghỉ ngơi.

Cả hai dự định sau khi Trang phục hồi hoàn toàn mới quay trở lại công việc, trước mắt sẽ dồn toàn tâm chăm sóc cho vợ. Bước ra từ lằn ranh sinh tử, Trang cảm thấy may mắn khi vẫn còn cơ hội được sống, mong câu chuyện của bản thân có thể truyền thông điệp: “Hãy cố gắng bước tiếp, dù bạn có trải qua những gì khó khăn nhất”.

Còn với Chiến, cảm nhận giữa sự sống và cái chết thật mong manh nên anh càng trân trọng mọi thứ và yêu thương vợ con nhiều hơn. Điều hạnh phúc và ý nghĩa nhất với anh giờ đây chính là nụ cười, ánh mắt hạnh phúc mỗi ngày của vợ con.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cau-chuyen-truyen-cam-hung-cua-vo-chong-tre-vuot-cua-tu-dot-quy-ar919454.html