Câu chuyện từ một bản nghèo

Bản Nậm Củm, xã Bum Nưa là một trong 5 bản có đồng bào dân tộc Mảng sinh sống tập trung của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trước đây, khu vực này dường như cách biệt với thế giới bên ngoài. Các gia đình trong bản hầu như đều có người nghiện ma túy. Những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của các cấp, diện mạo Nậm Củm đã có những thay đổi tích cực nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới, tuy nhiên, sự nghèo đói, lạc hậu vẫn đang đeo bám dai dẳng cuộc sống của người dân nơi đây.

Bản Nậm Củm bên dòng suối Nậm Sì Lường. Ảnh: Tùng Nguyên

Bản Nậm Củm bên dòng suối Nậm Sì Lường. Ảnh: Tùng Nguyên

Sự luẩn quẩn của đói nghèo

Chúng tôi trở lại Nậm Củm vào những ngày đầu năm 2021. Bản Nậm Củm nay mang dáng vẻ khang trang hơn trước nhờ chương trình xây dựng Nông thôn mới. Khu vực trung tâm bản trước đây là bãi đất trống lô nhô đá, nay được thay thế bằng hệ thống đường nội bản bê tông hóa; nhiều căn nhà mới, kiên cố đã được dựng lên. Điểm trường cấp mầm non và cấp tiểu học ở Nậm Củm đã được xây dựng kiên cố... Hơn 4ha ruộng bậc thang của bản cũng đang vào mùa đổ nước.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa, ông Lò Văn Trung, những năm qua, từ sự quan tâm của tỉnh, huyện, bản Nậm Củm đã được đầu tư mạnh, nhờ đó, góp phần cùng xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Củm đã được hỗ trợ cây con giống, hướng dẫn kỹ thuật để phát triển sản xuất, vươn lên. Từ năm 2014 đến nay, bản đã tăng thêm 11 hộ, nâng tổng số hộ của bản lên thành 39 gia đình; có nhiều con em của người dân bản đang học trung học cơ sở tại xã...

“Nhưng cơ bản Nậm Củm vẫn nghèo, vẫn phải thường xuyên nhận trợ cấp gạo cứu đói của Chính phủ. Bản có 39 hộ thì có 28 hộ nghèo, các hộ còn lại có mức sống trung bình” - Phó Chủ tịch UBND xã Bum Nưa chia sẻ. Nhưng đau đáu hơn cả là ở Nậm Củm vẫn còn dai dẳng tình trạng nghiện rượu; số người nghiện thuốc phiện có giảm nhưng vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn.

Nguyên nhân sâu xa của những câu chuyện trên, tựu chung vẫn là do cái nghèo vây bủa. Đồng bào dân tộc Mảng ở Nậm Củm nói riêng, ở toàn huyện Mường Tè nói chung, dù hiện không lâm vào cảnh thiếu đói triền miên, nhưng nghèo đang là thực tế khó có thể phủ nhận.Theo số liệu của Phòng Dân tộc huyện Mường Tè, toàn huyện có 235 hộ, với 1.210 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mảng, chiếm 2,58% dân số toàn huyện. Nhưng đến thời điểm này, số hộ nghèo dân tộc Mảng vẫn là 153 hộ, với 766 nhân khẩu, chiếm tỷ lệ hơn 64,47%; riêng ở bản Nậm Củm, tỷ lệ hộ nghèo là hơn 71,79% (28/39 hộ).

Chính sách đã “thấm sâu” vào đời sống của đồng bào?

Trao đổi thực trạng trên với ông Lý Anh Hừ, Bí thư Huyện ủy Mường Tè, chúng tôi nhận được những chia sẻ của người đứng đầu cấp ủy của huyện nghèo 30a này. Ông cho biết, mặc dù cấp ủy, chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc Mảng vẫn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Mảng là cao nhất trong 10 thành phần dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn huyện với hơn 64,47% hộ nghèo.

“Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Mảng quá cao khiến việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo chung của huyện gặp rất nhiều khó khăn, cứ mãi là huyện nghèo”, ông Hừ trăn trở.

Được biết, là một trong 16 dân tộc thiểu số (DTTS) rất ít người của nước ta, bên cạnh các chính sách chung triển khai ở vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn thì đồng bào dân tộc Mảng ở Mường Tè còn được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án đặc thù khác. Đó là chính sách theo Quyết định 2086/QĐ-TTg nhằm phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người; là chính sách trong Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” theo Quyết định 1672/QĐ-TTg... Học sinh dân tộc Mảng ở Mường Tè còn được thụ hưởng chế độ hỗ trợ học tập theo Nghị định 57/2017/NĐ-CP của Chính phủ; được hỗ trợ phụ cấp ăn trưa theo Nghị quyết 35/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Lai Châu...

Theo báo cáo của UBND huyện Mường Tè, thời gian qua, các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện Mường Tè được bố trí vốn để thực hiện. Theo đó, đối với Chương trình 135, huyện Mường Tè đã phân bổ hàng chục tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, thực hiện các mô hình giảm nghèo với gần 70% dân số toàn huyện được thụ hưởng.

Đối với việc thực hiện Quyết định 1672/QĐ-TTg, giai đoạn 2013-2020, với tổng kinh phí trên 245 tỷ đồng, huyện Mường Tè đã đầu tư hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, thực hiện giải ngân đảm bảo kế hoạch giao. Về thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg, giai đoạn 2019-2020 với tổng kinh phí giao cho huyện là trên 5,7 tỷ đồng, đến nay tỷ lệ giải ngân năm 2020 ước đạt 100% kế hoạch...

Tùng Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cau-chuyen-tu-mot-ban-ngheo-post438306.html