Câu chuyện tỷ giá tác động ra sao tới chứng khoán?
Từ thời điểm tháng 8/2023, tỷ giá đã có xu hướng tăng mạnh và tiếp diễn trong tháng 9, việc tỷ giá tăng cao sẽ tác động ra sao tới thị trường chứng khoán, hãy cùng chuyên gia VPS phân tích.
Tỷ giá vẫn neo cao ảnh hưởng thị trường
Trong giai đoạn vừa qua, câu chuyện tỷ giá VND/USD luôn là đề tài nóng được giới đầu tư đưa ra bàn luận. Xét về diễn biến tỷ giá, theo chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) nhận định, tỷ giá giữa VND và USD đã tăng mạnh và đạt đỉnh vào tháng 10/2022 tại mức 25.200 VND/USD và sau đó tỷ giá đã hạ nhiệt đáng kể trong 6 tháng đầu năm. Tuy vậy, tỷ giá VND/USD một lần nữa lại “nóng” trở lại và có xu hướng tăng mạnh trong những tuần đầu tháng 8. Hiện tỷ giá giữa VND/USD vẫn giao dịch ở mức cao trên 24.000 VND/USD.
Theo chuyên gia VPS, việc tỷ giá tăng sẽ có tác động nhất định lên thị trường chứng khoán, trong đó ảnh hưởng mạnh tới dòng vốn ngoại. Khối nhà đầu tư nước ngoài sẽ e dè hơn trong chiến lược đầu tư khi tỷ giá tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng cũng ảnh hưởng tới quyết định của các quỹ ETF. Trong tháng 8, các quỹ ETFs đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam ghi nhận rút ròng gần 4.500 tỷ đồng - mức kỷ lục trong 2 năm qua.
Các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ khi tỷ giá tăng, bởi họ sẽ mất nhiều chi phí hơn để nhập khẩu, trong khi khó tăng giá bán để giữ vị thế cạnh tranh, dẫn tới ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Tỷ giá có sự tác động không nhỏ đến thị trường chung, người ta vẫn thường nói tỷ giá là một trong ba nhân tố trong “Bộ ba bất khả thi”. Nếu tỷ giá duy trì đà tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải dừng việc giảm lãi suất, thậm chí xem xét điều chỉnh tăng trở lại để kiềm chế tỷ giá. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí lãi vay cao hơn.
Biến động tỷ giá giai đoạn cuối năm
Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia VPS cho rằng tỷ giá có thể hạ nhiệt trong thời gian tới. Nguyên nhân một phần do thông thường lượng kiều hối về Việt Nam sẽ tăng trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ. Cuối năm thường là thời điểm người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào gửi tiền về Việt Nam hỗ trợ người thân, hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh. Theo WB và KNOMAD cho biết, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021. Trong 10 năm trở lại đây, lượng kiều hối đã vượt mức 10 tỷ USD và tăng gần gấp đôi. Năm 2022, WB và và KNOMAD đánh giá lượng kiều hối về Việt Nam tăng 4,4% so với năm 2021. Lượng kiều hối lớn đổ về chắc chắn sẽ hỗ trợ không nhỏ cho chính sách điều hành tỷ giá của NHNN, giúp “ghìm cương” tỷ giá USD/VND.
Ngoài ra, NHNN có động thái đầu tiên phát hành tín phiếu kể từ tháng 3/2023. Điều này cho thấy NHNN sẵn sàng can thiệp để “hạ nhiệt” tỷ giá và theo đó, được kỳ vọng sẽ giữ chân dòng tiền ngoại và tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân.
Một yếu tố quan trọng khác giúp tỷ giá “hạ nhiệt” đó là việc dòng vốn FDI vẫn ổn định từ đầu năm đến nay, nhiều khả năng những tháng cuối năm, dòng tiền giải ngân vẫn tăng trưởng tốt. Tính đến ngày 20/08, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, để có một chiến lược đầu tư hợp lý, chuyên gia VPS cho rằng, nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi tình hình biến động của tỷ giá. Lưu ý không nên hoảng sợ khi có những biến động mạnh nhưng mang tính ngắn hạn bởi tỷ giá. Khi tỷ giá tăng (đồng nghĩa với việc VND mất giá), các cổ phiếu xuất khẩu có thể được hưởng lợi. Do đó, nhà đầu tư có thể quan tâm các cổ phiếu thuộc nhóm xuất khẩu như: Thủy sản, Dệt May, Nông sản..../.