Câu chuyện văn hóa từ chuyến đi CHLB Đức
Tôi vừa được đi cùng đoàn công tác của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương do anh Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương dẫn đầu thăm và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Có lẽ, không cần phải nói rõ về mục đích của chuyến đi này khi mà nhiều người đã biết, chiến lược đầu tư về văn hóa, văn nghệ bao giờ cũng phải suy nghĩ từ rất sớm.
1. Chúng tôi xuất phát từ sân bay Nội Bài trên chuyến bay của Vietnam Arlines đến Berlin vào chiều 10/10. Nắng thì trắng nhưng nhẹ mát, cây cối trải một màu vàng vì thời tiết đang giữa thu, đường phố xe cộ và người đi lại thưa vắng đưa đến cho chúng tôi một cảm giác bình an. Vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Đức, Vũ Quang Minh ra đón chúng tôi tận sân bay nói như tâm tình “rất thú vị là các anh đến thủ đô Berlin đúng giữa mùa thu”.
Rồi anh chỉ lên hàng cây khoác nắng vàng đang khe khẽ chùm lá nói với tôi “chắc anh đã biết cây phong rồi phải không ạ. Cây đặc trưng có sức sống mãnh liệt miền giá lạnh đó anh”. Tôi nhìn theo tay anh chỉ, cây phong nửa thân dưới vừa khuất ánh mặt trời, mang màu mát sẫm của hoàng hôn, còn phía trên thân cây cao là sáng lóa của nắng vàng rực lên, chả biết màu nắng hay màu của lá cây về chiều. Tôi từng biết cây phong trong tuyệt tác văn chương “Cây phong non trùm khăn đỏ” của nhà văn Aimatop, cuốn sách gối đầu giường của chúng tôi suốt thời sinh viên nhưng cây phong ấy cũng chỉ hình dung qua tình yêu và trí tưởng tượng.
Mãi đến khi được thăm đất nước Ukraine xinh đẹp vào năm 2011 ở thành phố cảng Odessa tôi mới được nhìn thấy cây phong trong những áng văn chương tuyệt đẹp của nhà văn được Giải thưởng Lênin năm 1963 “Truyện núi đồi và thảo nguyên”. Hàng cây phong hai bên đường từ sân bay về khu Làng Sen tại Odessa nhuốm một màu vàng như tranh của Isaac Levitan rung rinh trong gió nhẹ và nắng chiều khiến chúng tôi ngỡ đang đi trong một thế giới thần tiên nào đó. Giờ không rõ số phận những cây phong xưa ấy thế nào, chỉ biết thương về kỷ niệm mà thôi. Nay sang Đức, tôi được đứng gần hơn, để được chiêm ngưỡng màu lá, màu của thân cây phong. Cây phong hợp với mùa đông, mùa của rét mướt, có cảm giác cây phong chịu rét, thu cái rét vào thân mình để tỏa hơi ấm cho cuộc đời.
Những ngày ở Đức, trời rét vào buổi sáng từ 2-5 độ C, nhưng gần trưa về chiều thì nắng ấm. Đại sứ quán Việt Nam ở Đức sắp xếp cho đoàn Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương làm việc với nhịp độ khá dày đặc. Đối với riêng CHLB Đức, đoàn chúng tôi muốn tìm hiểu hoạt động văn học, nghệ thuật của cộng đồng người Việt Nam tại đây và việc gắn kết giao lưu giữa văn hóa hai nước qua sáng tạo văn học, nghệ thuật, nhất là nhân dịp hai nước chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao...
Ngay chiều muộn đầu tiên tới Berlin, chúng tôi làm việc, giao lưu với Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ tháng Mười do ông Nguyễn Đức Thắng, người Việt Nam thế hệ thứ nhất làm Chủ tịch. Tiếp lời ông Chủ tịch, chị Quỳnh Liên, Phó Chủ tịch CLB hào hứng nói: Đây là CLB có tính chất quần chúng thuộc Hội những người Việt Nam toàn Liên bang, với hạt nhân văn nghệ như một đoàn văn công quần chúng vậy. Chúng tôi lấy văn hóa, nghệ thuật đã kết nối những tấm lòng của bà con Việt Nam ở Berlin giúp nhau, giúp cả những người dân Đức trong những ngày khó khăn nhất thời đại dịch COVID-19. Chị Liên kể, chị đã được cử về nước tham gia đoàn kiều bào Việt Nam ra thăm quần đảo Trường Sa, những lần được giao lưu với các chiến sĩ trẻ nơi đảo xa là thêm một lần càng thấy yêu thương, gắn bó với Tổ quốc một cách tự nhiên nhất.
Trở lại Berlin, chị kể về chuyến đi vượt sóng ra đảo trình diễn những bài thơ chị mới sáng tác cho các hội viên, câu chuyện đã vượt qua lời kể để biến thành nồng độ mới của tình cảm yêu nước, nó lan tỏa, lên lỏi trong cộng đồng. Buổi làm việc đầu tiên có sự chứng kiến của Đại sứ và phu nhân dường như bỏ qua khâu lễ tân, chỉ là trò chuyện, báo cáo một số tiết mục văn nghệ ngay tại sân khấu bếp ăn trong khuôn viên đại sứ quán. Có lẽ, trong không khí tháng mười, nên các anh chị CLB chọn hát một chùm bài về Hà Nội. Tiếng đàn piano réo rắt của nghệ sĩ Nguyễn Xuân Hùng, gọi thân mật là "Hùng râu" và ngón đàn guitar điêu luyện của nghệ sĩ Kiều Hải, con trai của ca sĩ tài danh Kiều Hưng; và giọng hát ấm vang, trữ tình của anh Nguyễn Khắc Hùng, còn gọi là "Hùng Lý", làm cho đêm diễn vượt ra ngoài tính không chuyên vốn có của nó.
Nhớ lại những ngày cả thế giới bị đại dịch COVID-19 hoành hành, một số tổ chức cộng đồng người Việt đã bàn nhau thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật để quyên góp hàng vạn khẩu trang y tế hỗ trợ nhiều trường học ở Berlin. Đó cũng là cách làm của CLB Văn nghệ tháng Mười, của Không gian văn hóa Việt toàn Liên bang Đức do ông Lê Xuân Đính, một kiều bào thế hệ thứ nhất định cư gần 40 năm nay làm Chủ tịch. Có lẽ, vì thế, chính quyền sở tại và người dân Đức ngoài tình cảm biết ơn đã hiểu hơn tính cách và những nét văn hóa đẹp của bà con Việt kiều, “của ít lòng nhiều”, rằng “qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”.
Chị Ngọc, Phó Chủ tịch Không gian văn hóa Việt, người nhỏ nhắn mà nội lực thật phi thường, nói với tôi rằng: “Những ngày COVID-19 hoạn nạn chung, bà con mình đang lúc thuận lợi hơn thì gom tay giúp nơi nào người dân Đức bất ngờ gặp khó hơn mình, đó là việc làm bình thường giữa những con người sống chung trên vùng đất này. Tôi không nghĩ đó là sự trả ơn, vì có đáng bao nhiêu của nả đâu, nhưng là câu chuyện tình cảm, cảm thông giữa những phận người, không phân biệt lãnh thổ. Đừng ai nghĩ bạn đã giàu thì mình thôi phải giúp. Không đâu ạ, không ai đứng ra ngoài nỗi đau, tôi là người Việt Nam, tôi nghĩ thế và làm thế”.
Tại nhà riêng của bác Lê Xuân Đính, một căn hộ mở trên tầng 2, nhỏ thôi, là “đại bản doanh” của Không gian văn hóa Việt, đoàn chúng tôi được nghe bác Xuân Đính xúc động trình bày bài chèo chuyển thể từ bài thơ “Bâng khuâng Trường Sa” của nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ. Ông đứng dậy hát bằng chất giọng Yên Định (Thanh Hóa) ở tuổi xấp xỉ “xưa nay hiếm” mà vẫn ngọt ngào, trong trẻo, lúc da diết ngân rung, lúc thả chữ tròn vành rõ tiếng làm chúng tôi lặng đi vì xúc động. Ông cho biết, Không gian văn hóa Việt với hơn 200 ngàn thành viên khắp thế giới đang làm một dự án nghệ thuật lớn để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày quan hệ ngoại giao giữa hai nước Đức - Việt, trong đó có vở chèo đặc sắc “Việt Đức thiên tình sử” mà ông đang gấp rút hoàn thành kịch bản. Dự án dự kiến mời những nghệ sĩ tài năng của nước nhà sang dàn dựng cho “đội tuyển” thành các tiết mục nghệ thuật chào mừng những ngày lễ trọng vào năm 2025, phục vụ cho bà con Việt Nam trên khắp thế giới thông qua Internet.
2. Có lẽ, buổi làm việc gây ấn tượng mạnh với chúng tôi là được thưởng thức một chương trình nghệ thuật có tên “Berlin - Hà Nội 2023” do Đại sứ Vũ Quang Minh và phu nhân Nguyễn Minh Hạnh mời đoàn cùng xem. Chương trình nghệ thuật này được tổ chức tại Bảo tàng Kesselhaus Heberge do dàn nhạc hợp xướng, thính phòng Lichtenberg - Piekjeine với sự tham gia của các nghệ sĩ Đức và Việt Nam.
Dàn dựng và tham gia biểu diễn gồm vợ chồng nghệ sĩ Lê Mạnh Hùng - Trần Phương Hoa và Nguyen Helene do nữ nhạc trưởng Chorleiterin Katrin Hubner chỉ huy. Các nghệ sĩ người Đức và Việt thế hệ thứ hai đã biểu diễn rất thành công bằng tiếng Việt, nhạc cụ Việt các bài dân ca Bắc Ninh nổi tiếng như “Trống cơm”, “Qua cầu gió bay”, “Cây trúc xinh”... cùng các bài bài hát, bản nhạc kinh điển nổi tiếng của Heinrich Schutz, Max Reger, Samuel Barber... từ thế kỉ trước mà chúng tôi được nghe lần đầu. Đây là chương trình hợp xướng được dàn dựng và biểu diễn một cách công phu và nhuần nhuyễn, tự nhiên như dân ca. Một số bài hát dân ca quan họ theo kịch bản là mời khán giả cùng phát âm, hát theo nghệ sĩ và tiếng nhạc.
Chẳng những các nghệ sĩ Đức trên sân khấu mà cả khán giả người Đức, khán giả Việt Nam và ông bà đại sứ đều hát theo điệu dân ca, chân giẫm xuống nền nhà theo điệu nhạc. Một chương trình giống như dạy tiếng Việt và tiếng Đức cho tất cả mọi người bằng âm nhạc vậy. Phải chăng, đó là bắc cầu niềm tin yêu? Và, còn điều này độc đáo nữa, các nghệ sĩ đều không chuyên, dàn nhạc cũng tự tổ chức, tự lo về kinh phí.
Lê Mạnh Hùng vốn là nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam, sang Đức đã lâu, vợ chồng ông luôn trăn trở và tìm cách tổ chức chương trình này để đưa tiếng Việt, đưa văn hóa Việt qua cộng đồng giao thoa với tiếng Đức, văn hóa Đức, nhưng phải tự lo về kinh phí nên vợ chồng nghệ sĩ vừa biểu diễn say mê, vừa phải chạy đôn chạy đáo. Khán giả vô cùng thích thú khi thưởng thức văn nghệ còn được phát âm tiếng Việt.
Được mời phát biểu, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ thay mặt đoàn công tác bày tỏ: Tôi từng đi nhiều nước, từng dự nhiều buổi hòa nhạc, tôi từng làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, từng chỉ đạo và tham dự chương trình của hai nhà hát của Đài (Đoàn Ca múa nhạc dân tộc và Đoàn Ca nhạc mới) nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe một chương trình nghệ thuật đặc biệt, đầy xúc động. Các bạn nghệ sĩ đã kéo công chúng về với mình, công chúng không chỉ là người thưởng thức mà còn là người tham gia cùng biểu diễn. Điều đặc biệt này các dàn nhạc giao hưởng trên thế giới không có được. Qua biểu diễn của các bạn, tôi thấy số phận những người dân nước tôi trong hành trình hội nhập vào cộng đồng người Đức. Điều đó khó khăn nhưng được nước Đức - với tư cách là tổ quốc thứ hai của họ - đã cưu mang, dang rộng vòng tay với nhiều người Việt Nam.
3. Đoàn của chúng tôi còn có buổi làm việc với lãnh đạo Hội Đức - Việt do ngài Chủ tịch hội Rolf Schulze - nguyên đại sứ tại Việt Nam dẫn đầu, một cuộc gặp thân tình và cởi mở, nồng ấm. Đoàn cũng làm việc với Viện Goethe CHLB Đức về kinh nghiệm kết nối tư vấn, hỗ trợ xuất bản sách văn học, nghệ thuật, làm việc với bà Giám đốc Liên hoan phim Berlin và tham dự Liên hoan phim tại thành phố Leipzig; đoàn có buổi tham vấn với tiến sĩ Trương Hồng Quang, người đạt Giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi văn toàn miền Bắc năm học 1975-1976 với số điểm tuyệt đối trong cảm thụ bài thơ “Nhật ký” của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm. Anh nói về một bản dịch “Truyện Kiều” do vợ chồng người Đức Franz Faber và Irene Faber dịch, xuất bản năm 1964 tại Đức và một số vấn để hợp tác văn học, nghệ thuật Đức - Việt thời gian qua mà anh có tham gia trong đó có bản song ngữ “Truyện Kiều” Đức - Việt xuất bản năm 2015 (Nhà xuất bản Thế giới) và vở kịch “Atlas” (Địa đồ) của Thommas Kock đang thực hiện...
Câu chuyện của tiến sĩ Trương Hồng Quang cùng những cuộc gặp, những câu chuyện văn hóa trong chuyến đi này giúp tôi biết nhiều hơn con đường giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Đức từng trải qua một thời gian rất dài, cũng phải chờ đợi rất lâu mới có kết quả. Giống như câu chuyện năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng nhà báo Franz Faber “Truyện Kiều” với bản dịch ra tiếng Pháp của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh. Bác đã nói với ông rằng: “Tôi hy vọng, với cuốn sách này, ông có thể bắt đầu một cái gì”.
Phải 10 năm sau đó, năm 1964 chúng ta mới có bản dịch “Truyện Kiều” ra tiếng Đức của vợ chồng ông bà Faber. Viết đến đây, tôi nhớ lại phát biểu của Đại sứ Vũ Quang Minh nói với chúng tôi ngay tại buổi làm việc đầu tiên: Mong muốn phát triển hơn nữa hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay giữa hai nước Việt Nam - CHLB Đức để tạo dòng chảy cho thế hệ sau.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/cau-chuyen-van-hoa-tu-chuyen-di-chlb-duc-i711861/