Câu chuyện về bằng Tiến sĩ đặc biệt của Didier Drogba
Didier Droga nở nụ cười hạnh phúc, nhưng trông tâm tư hơn hẳn những lúc bùng nổ trên bục nhận cúp và huy chương vô địch. Bởi hôm nay, anh nhận bằng Tiến sĩ, chứ không phải cúp bạc.
Cựu danh thủ Chelsea, tiền đạo Didier Drogba đã được Mạng lưới các trường ĐH Khoa học và Công nghệ Bờ Biển Ngà vinh danh vì những nỗ lực khôi phục sự ổn định tại quê nhà và thúc đẩy bóng đá ở Tây Phi.
Trong buổi lễ tổ chức vào hôm qua, cựu tiền đạo của Chelsea và đội tuyển Bờ Biển Ngà xúng xính trong bộ áo cử nhân, đứng giữa hàng chục sinh viên và hãnh diện khoe bằng “Đíp-Lôm” của RUSTA (Réseau des Universités des Sciences et Technologies – Mạng lưới các trường ĐH Khoa học và Công nghệ Bờ Biển Ngà).
Tiến sĩ danh dự Didier Drogba của RUSTA.
Thời còn thi đấu đỉnh cao, Didier Drogba là huyền thoại của giải Ngoại hạng Anh và Chelsea với 164 bàn thắng, 4 chức vô địch Premier League và 1 Champions League. Anh cũng là đội trưởng của ĐHQG Bờ Biển Ngà với 105 lần ra sân. 3 lần dẫn dắt quê nhà dự World Cup với tư cách thủ quân.
Didier Drogba là ngôi sao bóng đá lớn nhất mà quốc gia này có được. Sự thành công từ bóng đá giúp chàng trai xuất thân nghèo hèn này trở thành một biểu tượng về nghị lực. Tài năng, giàu có, sức hút của Didier Drogba tạo ra nguồn cảm hứng cho thanh niên trong nước, nhận được sự yêu mến của mọi thế lực trong một đất nước thi thoảng lại mịt mù khói súng và máu của những phe đối lập tranh giành quyền lực.
Bạn không nhìn lầm đâu, đây chính là Didier Drogba huyền thoại.
Nhưng Didier Drogba không giữ lấy tiếng tăm và tiền bạc cho riêng mình mà sử dụng nó như công cụ để kết nối và hòa giải, mang lại cơ hội học vấn cho những thanh thiếu niên trong nước. Năm 2007, Drogba được bổ nhiệm làm Đại sứ thiện chí cho Chương trình Phát triển Liên hợp quốc. Năm 2009, anh đã quyên góp 3 triệu bảng Anh xây dựng một bệnh viện ở quê hương Abidjan.
Một trong những hành động đáng chú ý nhất của anh ấy là vào năm 2005, sau khi Bờ Biển Ngà đánh bại Sudan để giành quyền tham dự World Cup 2006. Giữa cuộc nội chiến, Drogba đã mời các camera truyền hình vào phòng thay đồ của đội sau trận đấu và phát biểu cầu xin đất nước của anh chấm dứt xung đột. Điều này dẫn đến một lệnh ngừng bắn sau nhiều năm bạo lực.
Từ năm 2002, Bờ Biển Ngà rơi vào cuộc nồi da xáo thịt phe của Chính quyền Tổng thống Laurent Gbagbo ở miền Nam và phiến quân miền Bắc do Guillaume Solo làm thủ lĩnh. Thống kê cho thấy, trong 4 năm tương tàn đã có hơn 4000 người chết, hàng triệu người phải bỏ xứ ra đi vì giao tranh. Đất nước điêu tàn vì kinh tế kiệt quệ khi các công trình công cộng, nhà máy, trường học, bệnh viện v..v đổ nát. Bệnh tật hoành hành, lòng người ly tán. Và chàng trai khi đó 27 tuổi đã đặt dấu ấn.
Trong trận đấu với Sudan trên sân nhà ở Thủ đô Abidjan, Bờ Biển Ngà sẽ giành vé đến World Cup 2006 tại Đức nếu thắng và Cameroon không đả bại được Ai Cập. Drogba và đồng đội đã giành chiến thắng dễ dàng 3-1. Tất cả phải nán lại ít phút chờ đợi vì trận đấu bên kia còn ít phút nữa mới xong và Cameroon …được hưởng phạt đền khi tỉ số đang là 1-1. Chả hiểu thế nào bóng lại trúng cột dọc văng ra. Thế là cả nước chìm vào lễ hội.
Didier Drogba trong vòng vây của cảnh sát sau trận đấu lịch sử với Sudan năm 2005.
Didier Droga đã gọi ngay các phóng viên vào phòng họp báo và trước micro, anh thành khẩn: “tôi và các đồng đội đã hứa sẽ chiến đấu để chúng ta lần đầu đến World Cup và cho sự hòa hợp. Và các bạn đã thấy, chúng ta có thể tận hưởng niềm vui cùng nhau, từ Nam đến Bắc và các vùng miền”. Anh chạy tiếp ra sân, gọi các đồng đội lại, họ quỳ xuống sân và hét vào micro: “Hãy tha thứ cho nhau và buông vũ khí xuống đi. Đất nước này không thể lụi tàn vì chiến tranh nữa. Hãy đi bầu cử và tất cả sẽ tốt đẹp”. Người ta đã khóc và thấy cả các cảnh sát cũng đổ lệ, dù trước đó không lâu còn vung dùi cui vào dân. Didier Drogba sau đó đã kể lại tất cả việc làm lúc đó hoàn toàn bản năng, từ trái tim chứ không có kịch bản nào.
Quỹ Didier Drogba ký kết với Bộ Giáo dục Bờ Biển Ngà thực hiện Dự án xóa mù chữ cho trẻ em thông qua phương tiện kỹ thuật số.
Tất nhiên, chiến tranh chẳng thể kết thúc ngay lúc đấy nhưng suốt một tháng sau đó, tiếng súng đã tạm ngưng để người dân thay vào tiếng nâng ly và hát hò. Những khoảnh khắc mà họ đã không còn biết tới suốt hơn 3 năm qua. Sau World Cup 2006, hai phe đã ngồi lại và đặt bút ký kết thúc chiến sự. Thậm chí cả Laurent Gbagbo và Guillaume Solo còn cùng đến dự một trận đấu của Bờ Biển Ngà trước Madagascar, cùng hát quốc ca và hò reo trong trận thắng 5-0. Dấu ấn của Didier Drogba với hòa bình quê nhà là không nhỏ, dù không phải quyết định nhưng một tháng sau trận đấu ở Abidjan cũng giúp hàng trăm người không bỏ mạng.
Drogba có một quỹ từ thiện mang tên anh, “Quỹ Didier Drogba”, chuyên cung cấp hỗ trợ tài chính và vật chất cho người dân ở Châu Phi về giáo dục và y tế. Năm ngoái, Drogba đã được chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin ca ngợi là “người tiên phong” khi anh được chọn nhận Giải thưởng Chủ tịch UEFA năm 2020.