Câu chuyện về cặp vợ chồng 'quyền lực' tìm ra vaccine chống Covid-19 hiệu quả
Cặp vợ chồng này đã dành cả đời mình để nghiên cứu cho lĩnh vực ung thư và bệnh truyền nhiễm. Tới bây giờ, họ còn là những người tìm ra loại vaccine phòng Covid-19 hiệu quả đầu tiên trên thế giới.
"Lời tiên tri" táo bạo...
Vào một ngày nọ cách đây 2 năm, tiến sĩ Ugur Sahin đã lên sân khấu hội thảo y tế ở Berlin (Đức) và đưa ra một dự đoán gây chấn động. Ông cho biết công ty mình đang sử dụng một loại công nghệ mới gọi là mRNA (RNA thông tin) để chế một loại vaccine đặc trị, phòng trường hợp toàn cầu bùng lên đại dịch mới.
Lúc ấy, Sahin và công ty BioNTech của mình vẫn chưa nổi tiếng rộng rãi, chỉ trừ giới khởi nghiệp công nghệ sinh học châu Âu biết đến. Đây là công ty do ông và vợ mình – bác sĩ Özlem Tureci, sáng lập chuyên tập trung vào các liệu pháp chống ung thư. Nhưng từ đó đến nay, BioNTech chưa tung sản phẩm nào ra thị trường.
Thế nhưng chẳng ai ngờ rằng, tuyên bố hùng hồn ngày ấy của Sahin đã trở thành sự thật. Vào 9/11, công ty Pfizer và BioNTech thông báo vaccine do đội ngũ bác sĩ Sahin phát triển có thể chống virus SARS-CoV-2 hiệu quả đến 90%, một con số rất cao trong giai đoạn đại dịch bùng mạnh như bây giờ.
"Đây có thể là dấu chấm hết cho kỷ nguyên của đại dịch Covid-19" – tiến sĩ Sahin trả lời phỏng vấn ngày 10/11. Nhờ kết quả này, Pfizer cùng BioNTech bứt lên vị trí hàng đầu trong cuộc chạy đua sản xuất vaccine chống lại đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1.2 triệu người.
Tận tâm nghiên cứu vaccine Covid-19 nhanh nhất có thể
Theo phỏng vấn trên tờ Nytimes, BioNTech đã bắt đầu nghiên cứu vaccine chống Covid-19 từ hồi tháng 1/2020. Bởi sau khi tiến sĩ Sahin đọc được một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet, ông tin chắc rằng virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở Trung Quốc sẽ biến chuyển thành đại dịch toàn cầu.
Vậy nên, hầu như các nhà khoa học thuộc công ty hiện đang ở trụ sở Mainz (Đức) đã hủy toàn bộ kỳ nghỉ và tập trung vào dự án gọi là "Lightspeed" – một tốc độ ánh sáng.
"Có lẽ khá ít công ty có đủ năng lực và khả năng để làm điều này nhanh như chúng tôi đã làm. Tuy nhiên đây không phải là cơ hội phát triển mà là nghĩa vụ phải làm, vì bản thân tôi nhận ra công ty có thể nằm trong số những người đầu tiên tạo ra vaccine" – ông Sahin khẳng định vào tháng 10.
Sau khi BioNTech đã tìm ra một số ứng viên vaccine có triển vọng, ông Sahin đã kết luận rằng công ty sẽ cần giúp đỡ để tiến hành thử nghiệm nhanh, lấy được cấp phép từ các cơ quan quản lý để phân phối hàng loạt ra thị trường. Vậy nên, BioNTech và Pfizer đã thỏa thuận hợp tác phát triển vaccine chống Covid-19.
Điểm chung giữa những con người thiên tài
Bác sĩ Sahin (55 tuổi), sinh tại Iskenderun thuộc Thổ Nhĩ Kỳ. Vào lúc lên 4, gia đình ông đã chuyển đến Cologne (Đức) để cha mẹ làm việc tại nhà máy của Ford. Từ nhỏ, Sahin đã muốn trở thành bác sĩ và học tại Đại học Cologne. Vào năm 1993, ông nhận bằng tiến sĩ nhờ nghiên cứu liệu pháp miễn dịch ngừa ung thư.
Khi vừa bắt đầu sự nghiệp, Sahin đã gặp gỡ vợ mình là tiến sĩ Tureci – một người phụ nữ mong muốn trở thành nữ tu sĩ, nhưng rồi lại theo học y khoa. Bà hiện 53 tuổi, là giám đốc y tế của BioNTech.
Tureci sinh ra ở Đức trong một gia đình bác sĩ nhập cư Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau khi kết hôn, cặp đôi đã quay trở lại làm việc thay vì hưởng tuần trăng mật như bao người khác.
Ban đầu cả hai chỉ tập trung vào nghiên cứu và giảng dạy, cụ thể là đứng lớp tại trường Đại học Zurich, nơi Tiến sĩ Sahin làm việc trong phòng thí nghiệm của Rolf Zinkernagel - nhà khoa học giành giải Nobel Y khoa năm 1996.
Chỉ sau đó vài năm, đôi vợ chồng cùng thành lập công ty BioNTech. Bác sĩ Sahin khẳng định, startup này sẽ phát triển nhiều công nghệ chống ung thư, bao gồm RNA. Bên cạnh đó, họ còn muốn xây dựng một công ty dược phẩm quy mô lớn tại châu Âu.
Khoa học gia tỷ phú nhưng... không có xe hơi
Trước đại dịch Covid-19 thì BioNTech đã phát triển rất nhanh. Công ty đã huy động được hàng trăm triệu USD tiền đầu tư và hiện sở hữu 1800 nhân viên. Nhờ vậy, họ đã mở rộng ra nhiều chi nhánh tại Berlin, Đức, Cambridge và Massachusetts (Mỹ).
Vào năm ngoái, quỹ Bill & Melinda còn tài trợ 55 triệu USD cho BioNTech để nghiên cứu cách chống HIV và bệnh lao.
Cũng trong vòng 2019, bác sĩ Sahin được trao giải Mustafa – một giải thưởng Iran dành cho người Hồi giáo đạt thành tựu lớn trong khoa học và công nghệ. Vào năm 2016, hai vợ chồng đã bán Ganymed với giá 1,4 tỷ USD. Thế nên sau này, BioNTech quyết định phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu vào năm 2019.
Trong vài tháng trở lại đây, định giá của startup này đã nhảy mạnh lên 21 tỷ USD. Thế nên, đôi vợ chồng nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiễm nhiên gia nhập hội những người giàu nhất nước Đức. Tuy nhiên họ vẫn sống cùng con gái trong một căn hộ nhỏ, đi xe đạp đến văn phòng và không mua xe hơi.
"Sahin thật sự rất kỳ lạ, ông chỉ quan tâm đến khoa học chứ những vấn đề về kinh doanh thì không hứng thú. Sahin cũng sống rất nghiêm tắc nên tôi tin tưởng ông ấy hoàn toàn" – CEO Pfizer tâm sự.
Hiện nay ở Đức, việc nhập cư vẫn là vấn đề gây nhiều luồng dư luận trái chiều. Do đó mà thành công của hai vợ chồng Sahin bỗng trở thành điểm sáng. Theo tờ báo mạng Focus, tiến sĩ Sahin và vợ Tureci đã giúp nước Đức trở thành một tấm gương cho kết quả của sự hội nhập thành công.
Dù vậy nhưng có lẽ, ông Sahin cũng chẳng bận tâm mấy về chính trị trong thời điểm này. BioNTech vẫn rất bận rộn chạy đua với dự án phát triển vaccine chống Covid-19. Thậm chí, họ còn bận đến mức chưa hoàn thiện báo cáo tài chính trong thỏa thuận hợp tác với Pfizer.
"Tôi và vợ đã nhận được kết quả thử nghiệm vaccine chống Covid-19 vào đêm 8/11. Lúc ấy thật sự cả hai rất vui sướng và thở phào nhẹ nhõm, sau đó thì tự thưởng trà Thổ Nhĩ Kỳ tại nhà mà thôi" – Bác sĩ Sahin vui mừng chia sẻ.