Câu chuyện về chiếc huy chương Olympic được tái chế từ xác điện thoại
Đây là lần đầu tiên ban tổ chức Thế vận hội sử dụng toàn bộ huy chương tái chế để trao thưởng cho các vận động viên.
Vận động viên bắn súng người Trung Quốc, Qian Yang là người đầu tiên nhận huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo 2020. Cô cũng là vận động viên đầu tiên nhận được huy chương vàng được làm từ đồ điện tử tái chế, từ smartphone và các thiết bị khác.
Năm 2017, ban tổ chức Thế vận hội Tokyo đã thông báo về ý định làm huy chương bằng kim loại quý, thu được từ các thiết bị điện tử cũ. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị trì hoãn 4 năm do đại dịch Covid-19. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 kêu gọi khán giả quyên góp các thiết bị điện tử cũ, đã qua sử dụng. Sau chiến dịch, nhiều thiết bị như smartphone, máy ảnh kỹ thuật số, máy chơi game cầm tay và laptop được khán giả gửi về chương trình.
Sau 18 tháng, chiến dịch đã nhận được 47.488 tấn thiết bị điện tử, với hơn 5 triệu chiếc điện thoại di động, thu về 28,4 kg kim loại vàng, 3.500 kg kim loại bạc và 2.700 kg kim loại đồng. Theo DigitalTrends, ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đặt mục tiêu sản xuất khoảng 5.000 huy chương cho Olympic và Paralympic của Nhật Bản.
"Các huy chương Olympic và Paralympic Tokyo 2020 sẽ được khán giả đánh giá cao vì đã sử dụng vật liệu tái chế. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một thông điệp quan trọng cho các thế hệ tương lai", vận động viên thể dục dụng cụ từng đoạt huy chương vàng Olympic Nhật Bản, Kohei Uchimura cho biết.
Olympic và Paralympic Tokyo 2020 là sự kiện đầu tiên sử dụng toàn bộ huy chương tái chế để trao thưởng. Trước đó, Thế vận hội Olympic 2016 ở Rio, Brazil sử dụng huy chương tái chế chiếm phần lớn là kim loại bạc, thu được từ các bề mặt gương, tấm tia X-quang...