Câu chuyện về nữ cứu thương Mạc Thị Phúc
Chúng tôi có mặt tại tư gia của Trung tướng Lê Thu Hà (nguyên Chính ủy Bệnh viện Trung ương quân đội 108) với những hồi ức về mẹ bà là bác sĩ Mạc Thị Phúc (nguyên Phó Chủ nhiệm khoa Tim mạch bệnh viện Trung ương quân đội 108).
Từ một nữ sinh Hà Nội, trở thành nữ cứu thương trung đoàn Thủ đô, bà mạc thị phúc đã đi qua hai cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc. Bà phúc là phu nhân của Trung tướng Lê Hai (nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính Trị quân đội nhân dân Việt Nam). Trung tướng Lê Thu Hà giở lại những kỉ vật của mẹ bồi hồi và xúc động, những kí ức xưa lại ùa về...
Cuộc đời của mẹ tôi không thể nói là êm đềm như một dòng sông, hay là một phu nhân quyền quý, mặc dù mẹ có thể được hưởng những đặc ân đó. Cuộc đời của mẹ là cả một sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến, vươn lên không ngừng của người thầy thuốc quân y cách mạng nhưng cũng thật giản dị, đầy ắp tình thương, vị tha bao dung, chắt chiu của người phụ nữ Việt Nam.
Mẹ tôi là con cả trong gia đình có hai chị em. Ông ngoại tôi là chủ nhà in Mạc Đình Tư. Cuộc sống ấm êm của hai chị em chưa được bao lâu thì ông bà ngoại tôi đột ngột ốm, rồi lần lượt qua đời, để lại hai người con côi cút. Vì hai chị em còn nhỏ nên họ hàng phải nhờ người giám hộ.
Trước Cách mạng Tháng Tám, mẹ tôi là nữ sinh trường Thăng Long. Mẹ được học các thầy Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... nên tiếp nhận những tư tưởng tiến bộ, giác ngộ đi theo cách mạng. Sau này mỗi khi có dịp bố mẹ tôi vẫn thường qua nhà thăm Đại tướng. Bác Giáp vẫn nhận ra mẹ tôi, âu yếm gọi là "trò Phúc". Bác bảo: "Khi xưa lúc bác giảng bài, trò Phúc bị cận thị ngồi ở bàn đầu, có lần bác mượn bút trò".
Những ngày tháng 8 năm 1945 mẹ tôi cùng với những nữ sinh ngày ấy trong đó có bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng (sau này là Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội) tham gia Hội phụ nữ Cứu Quốc Hà Nội.
Có một kỉ niệm mẹ vẫn thường kể với chị em tôi và các cháu, đó là khi mẹ tham gia Hội Liên hiệp phụ nữ Cứu quốc Hà Nội, có một lớp học vào các buổi tối, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giảng dạy bồi dưỡng về công tác phụ nữ.
Ngày đó, đường phố Hà Nội an ninh còn lộn xộn, trước khi tan lớp, Hồ Chủ tịch bao giờ cũng căn dặn mọi người phải đi về cẩn thận, và cử chiến sĩ cảnh vệ đưa các cháu nữ về. Khóa học kết thúc, Bác tặng cho mỗi người trong lớp học một tấm lụa. Mẹ tôi không may áo mà giữ tấm lụa mãi, suốt 9 năm ở chiến khu Việt Bắc, mẹ vẫn thỉnh thoảng giở ra ngắm rồi lại trân trọng gấp cất vào hòm.
Ngày toàn quốc kháng chiến, mẹ tôi tham gia vào Trung đoàn Bảo vệ thủ đô, đăng kí tình nguyện ở lại bảo vệ thành Hà Nội. Một lần, thực dân Pháp càn vào làng Yên Sở. Ở đó có một trạm xá, thương binh được đưa về rất nhiều.
Nghe thấy tiếng xe tăng, quân Pháp càng lúc càng đến gần, bị bất ngờ nên mọi người chạy nháo nhào. Lúc đấy có hai đồng chí bị thương ở não rất nặng nằm trên cáng, không thể di chuyển được. Mẹ tôi không chạy mà cùng một đồng chí nữa đưa thương binh vào giấu trong hậu cung của đình làng Yên Sở.
Vừa đưa được hai đồng chí vào trong, đóng vội cánh cửa hậu cung, cũng là lúc quân Pháp ập đến. Chúng sục sạo khắp nơi, rồi dừng lại trước ngôi đình, bước qua bậc tam cấp ngó nghiêng vào bên trong.
Khung cảnh yên ắng, không có lấy một tiếng động. Quân Pháp sợ bị Việt Minh phục kích nên không dám ở lâu. Chúng đi thám thính mấy vòng quanh ngôi đình, rồi bỏ đi. Nếu hôm đấy chúng chỉ bước thêm dăm mét, mở cánh cửa hậu cung thì mẹ và hai đồng chí thương binh chắc sẽ không còn và cũng chẳng có tôi trên cuộc đời này.
Năm đấy mẹ 22 tuổi. Vì chuyện này mà sau đó, cô cứu thương trẻ Mạc Thị Phúc đã được Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu III Nguyễn Văn Trân gửi giấy khen ngợi tinh thần dũng cảm....
Những tấm huân, huy chương thời Trung đoàn bảo vệ thủ đô trong những ngày lịch sử hào hùng của Hà Nội mùa đông năm 1946 được mẹ tôi lưu giữ, bảo quản trong một hộp kính có đóng khung cẩn thận.
Mẹ tôi kể khi có lệnh rút khỏi Hà Nội để lên ATK, những ngày đó đợi đến đêm tối, quân ta rút qua gầm cầu Long Biên, chờ khi đèn pha của địch chuyển hướng, mẹ và mọi người chạy như chân không bén đất, băng qua bãi bồi giữa dòng sông Hồng để sang được phía bờ bên kia, nơi có thuyền của ta đợi sẵn. Nước sông ở đây chảy siết, gió về đêm thật lạnh.
Cứ mỗi lần chiếc đèn pha của giặc chiếu lên thành cầu sáng lóa rồi quét xuống sông, mọi người lại nín thở, im lặng như tờ, chỉ có tiếng gió lao xao và tiếng sóng nước ầm ào. Những năm kháng chiến, mẹ vừa công tác vừa học tập để trở thành y sĩ, rồi y tá và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ phục vụ thương binh nặng ở Cò Nòi.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, mẹ tôi về tham gia tiếp quản một bệnh viện ở Hải Phòng sau đó chuyển công tác về Bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội. Những năm này, chuyên gia y tế của các nước xã hội chủ nghĩa như Bulgaria, Liên Xô (cũ), Tiệp Khắc... sang Việt Nam để giúp đỡ cho ngành y tế non trẻ của nước ta. Trong những tập album của gia đình vẫn còn lưu giữ được những tấm ảnh đen trắng cách nay hơn nửa thế kỉ của mẹ chụp chung với các chuyên gia nước bạn.
Tôi vẫn nhớ những ngày thơ bé, khi mẹ đi học bác sĩ ở Viện Nghiên cứu Y học quân sự (nay là Học viện Quân y) thì hai chị em ở nhà với bố và bà nội. Bố tôi khi đó là Chủ nhiệm khoa Triết học của Học viện Chính trị. Những hôm bố có giờ giảng ở lớp của mẹ, tôi được đi theo vào thăm mẹ.
Mẹ cho ngồi bên cạnh, cho tôi chiếc bút chì xanh đỏ để tôi vẽ nguệch ngoạc, giữ trật tự trong khi bố tôi ở trên bục giảng. Khi lớn hơn tôi thường thấy nhiều buổi tối mẹ về nhà ăn cơm vội vàng rồi lại đạp xe vào bệnh viện để tham gia các lớp học chuyên môn do các thầy Nguyễn Ngọc Doãn, Phạm Gia Triệu giảng dạy. Đó là những thầy thuốc đầu ngành nội, ngoại khoa của ngành y nước ta, sau này đều được phong Anh hùng LLVT Nhân dân Việt Nam.
Tôi có "nhiệm vụ" rất yêu thích là được mang cơm vào bệnh viện cho mẹ khi bà đi trực. Leo lên chiếc xe đạp nam cao lênh khênh của bố, đạp xe từ nhà đến bệnh viện để đưa cơm cho mẹ. Đường phố Hà Nội khi đó còn thưa thớt, tôi đèo em gái ngồi ở phía sau, đạp xe từ nhà đến bệnh viện chừng mười phút. Ngày đó, mỗi lần ra vào bệnh viện thì phải trình chứng minh thư. Bác bảo vệ hỏi cặn kẽ là con mẹ nào, vào viện có việc gì, rồi mới cho vào.
Bệnh viện 108 thời đó đẹp như một công viên, thật thanh bình, nhiều cây xanh, râm mát. Nó hấp dẫn những đứa trẻ ở lứa tuổi học trò như chị em tôi. Mùa hè tiếng ve kêu râm ran trên những cây sấu già. Mùa đông những tán cây cổ thụ xào xạc lá. Bao giờ chị em tôi cũng nán lại ở ghế đá để tận hưởng quang cảnh hấp dẫn này.
Lần nào đưa cơm vào tôi cũng thấy mẹ bận rộn, phải cấp cứu hay thăm khám bệnh nhân, phải chờ lâu mẹ mới được nghỉ ăn cơm. Thời đó bồi dưỡng trực đêm thường là một bát phở ở căng tin bệnh viện. Mẹ nhiều khi chẳng ăn lại mang về nhà cho chúng tôi, vì phở là một thứ đặc biệt không phải lúc nào cũng được ăn như bây giờ.
Cũng có khi mẹ để dành phiếu bồi dưỡng cho tôi vào ăn trong căng tin cùng với các cô chú nhân viên bệnh viện. Vừa ăn tôi vừa bị các cô chú trêu đùa là nhân viên mới của Bệnh viện. Tất cả những câu chuyện đó cứ thấm dần vào tôi những hình ảnh giản dị và đẹp đẽ của những thầy thuốc quân y Bộ đội Cụ Hồ.
Mẹ sống giản dị, tiết kiệm, gương mẫu, luôn hết lòng vì công việc, tân tụy với người bệnh. Có lẽ vì vậy nên suốt những năm công tác từ kháng chiến chống Pháp cho tới khi về Bệnh viện Quân y 108, mẹ luôn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Đảng ủy của bệnh viện.
Năm 1975 đất nước thống nhất, niềm vui chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam lại diễn ra. Lúc này, bố tôi đang là Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ông được giao nhiệm vụ Phó tư lệnh chính trị mặt trận Campuchia, trong suốt hơn mười năm. Những năm 80 kinh tế nước ta rất khó khăn, vừa chiến tranh biên giới Tây Nam, lại chiến tranh biên giới phía Bắc, cùng với lệnh cấm vận của Mỹ.
Trong những năm bố tôi ở Campuchia, mẹ ở nhà lo mọi việc trong gia đình. Tôi nhớ mẹ cũng nuôi lợn, trồng rau, chắt chiu để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Mẹ là người luôn bao dung, quan tâm tới tất cả mọi người, không chỉ với chúng tôi mà cả đối với nội ngoại hai bên, bạn bè đồng chí, ai cũng tôn trọng và quý mến mẹ. Tôi cũng nhận ra rằng mẹ hiền hậu vậy nhưng cũng thật mạnh mẽ trước những khó khăn, thách thức, luôn là điểm tựa cho chúng tôi.
Khi mẹ nghỉ hưu, vốn là người chăm hoạt động, năng nổ các công việc xã hội nên mẹ tham gia sôi nổi các công tác ở phường làm Bí thư chi bộ, Hội trưởng Hội Phụ nữ phường, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ... Bằng lương hưu của mình, mẹ tiết kiệm để trợ giúp nuôi 3 cháu mồ côi cả bố lẫn mẹ ở phường từ khi các cháu còn nhỏ đến khi học hết phổ thông. Đài Truyền hình Hà Nội sau này đã quay lại những thước phim sống động ấy.
Mẹ tôi làm những công việc này như một lẽ tự nhiên, như bản tính của người phụ nữ Việt Nam đôn hậu, thương yêu và đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn. Nhân cách ấy, lối sống ấy, tấm lòng ngập tràn yêu thương ấy đã ngấm vào hai chị em tôi như bài học đạo đức về lẽ sống làm người.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004) mẹ được chọn là người phụ nữ tiêu biểu, cựu chiến binh có thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến nhà riêng để tặng hoa và chúc mừng mẹ. Giờ này, mẹ đã không còn nữa nhưng những hình ảnh, niềm tự hào về mẹ sẽ sống mãi trong lòng chúng tôi.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/cau-chuyen-ve-nu-cuu-thuong-mac-thi-phuc-585035/