Câu chuyện về quả xoài trị giá 2,5 triệu đồng
Ngày 20-7, tại Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ VI năm 2025, Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, Viện Hóa học nước biển Fukuoka (Nhật Bản) đã chia sẻ về câu chuyện quả xoài có giá 2,5 triệu đồng.

Nhóm thảo luận Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh và phát triển bền vững
Theo Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, ở Nhật Bản, 1 triệu đồng chỉ mua được 5kg gạo chất lượng cao (gạo sạch). Đáng chú ý, một quả xoài Miyazaki người Nhật bán tới 2,5 triệu đồng.
"Với 2,5 triệu đồng đó, ở Việt Nam, tôi có thể mua xoài xoài ăn trừ bữa nhiều ngày" - Tiến sĩ Cường nói.
Lý giải vì sao một quả xoài Miyazaki ở Nhật có thể được bán với giá hơn 2 triệu đồng, trong khi xoài Việt Nam dù ngon nhưng giá trị lại thấp hơn rất nhiều, Tiến sĩ Cường cho biết, vấn đề không nằm ở thương hiệu mà nằm ở "câu chuyện".
Người Nhật Bản thường không quảng cáo rầm rộ trên ti vi, nhưng họ quảng cáo ngầm và họ rất chăm chút cho sản phẩm của mình.
Họ kể câu chuyện về quả xoài Miyazaki. Cây xoài ra trái họ cắt bớt đi số quả trên cây, sau đó bọc trong túi lưới. Họ đăng lên một tờ báo nhỏ nói rằng, loại xoài này ăn tại thời điểm vừa chín rụng đặc biệt ngon.
Nếu như khách ăn xoài Miyazaki mua ở siêu thị mà phản ánh không ngon, họ sẽ giải thích rằng, do khách không đến Miyazaki để ăn xoài vào thời điểm đạt độ ngon nhất. Ăn như vậy, xoài để lâu đã kém chất lượng đi rất nhiều.
Như vậy, cùng với việc chăm bẵm sản phẩm rất tốt và kể "câu chuyện" hay về quả xoài, Nhật Bản đã góp phần quảng bá du lịch địa phương, vừa bán được được xoài giá cao, vừa thu hút du khách đến địa phương thưởng thức đặc sản xoài Miyazaki.
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, sự chênh lệch giá cao như vậy không đơn thuần nằm ở chi phí sản xuất hay marketing, mà nằm ở một thứ vô hình nhưng vô cùng quyền lực - giá trị cảm nhận.

Tiến sĩ Đinh Hùng Cường, Viện Hóa học nước biển Fukuoka (Nhật Bản)
Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trở nên vô cùng cấp thiết
Nông sản Việt Nam từ lâu được định vị là một mặt hàng thô, bán theo cân, theo tấn, tập trung vào số lượng. Trong khi đó, các quốc gia như Nhật Bản đã thành công trong việc biến nông sản thành một "tác phẩm", một sản phẩm cao cấp chứa đựng văn hóa, niềm tin và cả một câu chuyện thương hiệu đầy hấp dẫn.
"Tôi sinh ra ở mảnh đất Phú Thọ. Ngày trước, ra đồng tôi còn thấy con cua con ốc, con đỉa. Bây giờ đố ai nhìn thấy con đỉa ở đồng. Người ta thường nói "dai như đỉa" mà nó còn không sống được thì những sản phẩm cây trồng, cho con người ăn như thế thì làm sao đảm bảo được!" - anh Cường chia sẻ.
Theo anh Cường, việc chuyển sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh trở nên vô cùng cấp thiết. Việc tạo ra những sản phẩm an toàn, không chỉ ngon mà còn là bước đi xây dựng lại nền móng cho thương hiệu bền vững.
Để làm được điều đó, cần những sản phẩm đột phá từ nghiên cứu khoa học. Theo quan điểm của anh Cường, phải đưa được cái tốt nhất của nghiên cứu ra thành sản phẩm để ứng dụng vào đời sống.
Tuy nhiên, con đường đưa những sản phẩm này từ phòng thí nghiệm ra thị trường tại Việt Nam còn quá nhiều chông gai. Những rào cản về thủ tục sở hữu trí tuệ, cơ chế tài chính và hệ sinh thái sản xuất đang khiến nhiều ý tưởng tiềm năng bị "mắc kẹt".
Dựa trên kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn của Nhật, anh Cường đề xuất những giải pháp tháo gỡ rào cản ở Việt Nam. Trong đó, cần phòng thí nghiệm mở (Open Lab).
Thay vì mỗi doanh nghiệp tự đầu tư, Nhà nước có thể xây dựng các phòng thí nghiệm dùng chung tại các sở khoa học - công nghệ, được trang bị máy móc hiện đại. Các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp có thể đến sử dụng và trả phí, giúp giảm gánh nặng đầu tư ban đầu.
Đặc biệt, cần rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế. Anh Cường nhìn nhận, quy trình cấp bằng kéo dài 3 - 4 năm như hiện tại đang làm lỡ mất cơ hội vàng của sản phẩm. Vì thế, anh đề nghị cần rút ngắn xuống còn 1 năm để doanh nghiệp nhanh chóng có "tấm khiên pháp lý" bảo vệ mình và tự tin cạnh tranh.
Đồng thời, anh Cường cho rằng, các nhà sáng tạo không nhất thiết phải xây dựng nhà máy. Họ có thể tập trung vào R&D và marketing, việc sản xuất để cho các nhà máy chuyên gia công đảm nhiệm.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cau-chuyen-ve-qua-xoai-tri-gia-25-trieu-dong-post618100.antd