VinFast 'được lợi' thế nào từ chính sách chuyển đổi xanh của Hà Nội?
Chính sách chuyển đổi xe xăng sang xe điện của Hà Nội được cho là mang lại lợi ích lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe máy điện. Đặc biệt là VinFast - doanh nghiệp cung ứng xe máy điện lớn nhất thị trường.
Thế nhưng, thực tế là, doanh nghiệp này càng bán lại càng lỗ.

Người dân tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm xe máy điện VinFast tại sự kiện “Đổi xăng lấy điện - Cùng VinFast kiến tạo tương lai xanh"
Khi UBND TP. Hà Nội bắt đầu bàn thảo các giải pháp thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hạn chế xe máy xăng, dầu vào khu vực Vành đai 1, đồng thời thúc đẩy chuyển đổi sang xe máy điện, một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp sản xuất xe điện, đặc biệt là VinFast sẽ “hưởng lợi lớn”.
Tuy nhiên, nguồn tin riêng của phóng viên cho thấy sự thật hoàn toàn trái ngược. Mảng kinh doanh xe máy điện của VinFast không hề lãi như đồn đoán, thậm chí sẽ tiếp tục “lỗ chồng lỗ” nếu doanh số tăng lên khi áp dụng chính sách mới.
Căn nguyên của thực tế khó tin này là thế nào?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, đó là do chiến lược “khác thường” của VinFast. Ngay từ khi bắt đầu sản xuất xe điện, hãng xe Việt đã lựa chọn cách hỗ trợ toàn diện, từ mức giá tốt hơn hẳn xe xăng cùng phân khúc, tới chính sách miễn phí sạc giúp người dùng dễ dàng sở hữu xe máy điện.
Điều này khiến mảng xe máy điện VinFast các năm qua không những không lãi, mà còn đang gánh lỗ trên mỗi xe bán ra. Báo cáo tài chính năm 2024 ghi nhận hãng đạt doanh số 71.000 xe máy điện, tương ứng mức lỗ thực tế 345 tỷ đồng. Mức lỗ với xe máy điện sẽ còn tăng lên trong thời gian tới khi ngày càng nhiều người dân chuyển đổi sang xe điện theo chính sách mới.
Theo tính toán, nếu lấy số lỗ trên 1 xe máy điện bán ra của năm 2024 là tham chiếu - thì năm 2025 VinFast có khả năng lỗ khoảng hơn 2.200 tỷ đồng nếu đẩy hết công suất 500.000 xe của nhà máy để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nghĩa là VinFast càng bán được xe thì doanh nghiệp này càng lỗ nặng, chưa tính chi phí phát sinh khác.
Tuy vậy, cách làm của VinFast nhận được nhiều ủng hộ của người dân và giới chuyên gia. TS. Trần Hoàng Minh - chuyên gia tài chính doanh nghiệp, nhận định, thương hiệu Việt rõ ràng đã biết chắc việc gánh khoản lỗ khủng nhưng vẫn liên tiếp đưa ra chính sách tốt hơn để hỗ trợ người dùng. Trong bối cảnh ô nhiễm không khí nặng nề, tinh thần mạnh mẽ ấy của VinFast rất đáng khâm phục.
“Nếu không có sự cống hiến và hy sinh của những doanh nghiệp tiên phong như VinFast, việc chuyển đổi phương tiện từ xăng sang điện ở Việt Nam sẽ mất nhiều năm hơn, đặc biệt trong bối cảnh người dân trước đây chưa quen với xe máy điện. Tinh thần tiên phong này rất đáng ghi nhận, bởi lợi ích quốc gia - giảm phát thải, xanh hóa giao thông - đã được lên trên bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp”, TS. Minh nhấn mạnh.
Ngày 12/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các địa phương thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn và ô nhiễm nước tại các khu vực tập trung đông dân cư và các cơ sở sản xuất.
Riêng Hà Nội và TP.HCM, triển khai các giải pháp thúc đẩy người dân chuyển đổi phương tiện giao thông từ nhiên liệu hóa thạch sang điện. Theo lộ trình, từ 1/7/2026, Hà Nội sẽ dừng lưu thông xe máy xăng trong khu vực Vành đai 1. Từ 1/1/2028, sẽ hạn chế cả ô tô cá nhân chạy xăng trong Vành đai 1 và 2. Từ năm 2030, phạm vi dự kiến được mở rộng ra đến Vành đai 3.
Hiện UBND TP. Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết để trình Hội đồng Nhân dân Thành phố thông qua trong kỳ họp sắp tới.