Câu chuyện về quê 'ăn cơm với ba má' của chàng trai xứ Quảng
Đào Duy Tài, chàng trai xứ Quảng (sinh năm 1992) đã quyết định 'bỏ phố về quê' để thực hiện niềm say mê với công việc sáng tạo nội dung số. Sở hữu kênh TikTok 'Bếp bên sườn đồi' đạt hơn 22.000 người theo dõi, Duy Tài đã tái hiện lại mâm cơm của kí ức với những món ngon ngày xưa bên khung cảnh làng quê thơ mộng, yên ả.
Mơ ước góp sức trẻ xây dựng quê hương
Tốt nghiệp ngành Báo chí, trường CĐ Truyền hình, rồi làm phóng viên một kênh truyền hình suốt 10 năm, thế nhưng, Đào Duy Tài đã quyết định từ bỏ công việc sau nhiều năm gắn bó ấy để về quê với ấp ủ theo đuổi đam mê trở thành một nhà sáng tạo nội dung.
Cơ duyên dẫn đến quyết định lớn này là vào một ngày anh về quê, đây mới là lần anh thật sự nhìn ngắm ngôi làng của mình, từ “làng trẻ” giờ đã trở thành “làng già”. Nhiều ngôi nhà bỗng trở thành “nhà hoang” do người trẻ chọn vào thành phố mưu sinh kiếm sống. “Chẳng lẽ làng quê mình, nơi e ấp cho mình tuổi thơ rực rỡ, nơi mình lớn lên với những kí ức đẹp đẽ rồi sẽ chỉ còn người già, rồi sẽ vắng vẻ đến vậy sao?”, anh Tài trăn trở.
Anh chọn về quê với mơ ước sẽ theo đuổi công việc sáng tạo nội dung thành công, từ đó tạo nguồn cảm hứng cho những người bạn trẻ khác có động lực trở về xây dựng và phát triển quê hương.
Ngoài ra, chuỗi ngày tháng căng thẳng với công việc ở thành phố khiến Duy Tài mệt mỏi và chịu nhiều áp lực. Vì thế, ý tưởng về quê làm việc được anh quyết định, anh muốn bản thân cần sống ý nghĩa và tích cực hơn.
Chàng trai Quảng Nam chia sẻ, để đưa ra quyết định trở về quê làm lại từ đầu là rất khó khăn. Nhưng anh vẫn chấp nhận và tập trung cho công việc mới đó là sáng tạo nội dung nhằm quảng bá, giới thiệu ẩm thực và vẻ đẹp của quê hương.
Ban đầu, gia đình, bạn bè và đồng nghiệp của Duy Tài rất bất ngờ với quyết định này của anh vì không ai nghĩ một người đam mê và cống hiến hết mình cho nghề như thế lại chọn về quê để bắt đầu lại từ con số 0. Nhưng bằng quyết tâm của mình, may mắn là gia đình và người thân sau đó đã ủng hộ và luôn bên cạnh chia sẻ với anh.
Duy Tài tâm sự: “Ở quê, bà con hiền lành lắm, nên khi thấy một thanh niên về, họ đều động viên và mừng. Tất nhiên, cũng có những lời xì xào nhưng mình nghĩ, đó cũng chỉ xuất phát từ sự quan tâm của mọi người, họ không có ác ý gì với mình”.
Bữa ăn từ hai người, giờ đã có bốn người
Chuyến về quê lần này, không chỉ anh mà còn có thêm một người bạn đặc biệt hỗ trợ xây dựng và phát triển kênh TikTok “Bếp bên sườn đồi”.
Trong những ngày đầu tiên, anh cùng người bạn của mình đã dọn dẹp khắp nơi trong nhà. Khi dọn đến căn nhà kho, Duy Tài đã nảy ra ý tưởng tạo nên không gian giản dị là một căn bếp giữa sườn đồi để nấu những món ngon cho người thân, là nơi chữa lành cho chính bản thân anh và là nội dung để chia sẻ đến mọi người.
Điều đặc biệt là việc cải tạo căn bếp không tốn bất kì chi phí nào và toàn bộ vật liệu được anh tái chế từ đồ dùng cũ của gia đình. Quá trình xây dựng căn bếp là bằng cả sự nhiệt huyết và quyết tâm của Duy Tài, để vẫn được làm nghề báo ở một trạng thái khác, được theo đuổi đam mê là thứ đã trở thành hơi thở đối với anh.
“Có lúc, đang dọn dẹp căn bếp, mình và người bạn của mình rơi nước mắt nhớ về cuộc sống ở thành phố, nơi mình đã dành tất cả tình yêu để sống và làm việc ở đó. Có lúc thấy tiếc nuối, có lúc thấy như cuộc đời tàn nhẫn với mình, nhưng rồi nỗ lực vươn lên mới là điều bọn mình lựa chọn”.
Duy Tài tâm sự, ngày xưa, gia đình anh nghèo lắm, nhà lại đông anh em nên khi ba má đi làm ruộng, mấy anh em người quét nhà, người nấu cơm, người nấu cám heo... Dần dần, những công việc này trở thành thói quen và sở thích đối với anh. Từ năm lớp Năm, anh đã có thể tự làm tất cả việc nhà từ dọn dẹp đến nấu nướng. Đó chính là lý do mà những món ăn được đăng tải trên kênh như mì Quảng, chè xu xoa, bánh bèo, mít trộn... đều do chính tay anh chuẩn bị nguyên liệu và chế biến.
Với Tài, nấu ăn cũng là một niềm đam mê. Nội dung mà anh chia sẻ trên kênh là những món ăn ngày xưa đã in sâu trong kí ức tuổi thơ của mỗi người con đất Quảng.
Sau khi “Bếp bên sườn đồi” ra đời, sự thay đổi lớn nhất trong gia đình mà Duy Tài chia sẻ: “Đó là bữa ăn từ hai người (chỉ có ba má) giờ đã có bốn người. Ba má bảo, có hai đứa, ba má ăn ngon miệng hơn, còn hai đứa mình thì cảm thấy bữa ăn ấm cúng và ý nghĩa vô cùng”.
Điều mà chàng trai mong muốn khi trở thành nhà sáng tạo nội dung là tạo ra giá trị có ích cho gia đình, xã hội và phải là nội dung “sạch”, tử tế, được mọi người nhớ, yêu thương.
Như bao người làm nội dung khác, Duy Tài mơ ước kênh của mình được nhiều người biết đến và sẽ kỳ diệu hơn nếu anh có thể sống với công việc này. Từ nội dung chỉn chu, cảm xúc mà kênh mang lại, hy vọng chàng trai sẽ tạo thêm động lực, truyền cảm hứng để những người con xa quê về quê nhiều hơn.