Câu chuyện World Cup: Nằm phơi nắng sa mạc lấy năng lượng
Đầu tiên, thấy châu Á vươn lên khá ngoạn mục. Iran là đội châu Á chịu thiệt thòi nhất khi trận đầu thua Anh tới 6-2. Nhưng ở lượt trận thứ hai, họ đã chơi một thứ bóng đá thông minh kết hợp quả cảm, và thắng Xứ Wales với tỉ số cách biệt 2-0.
Đó là điều trước trận đấu ít người dám nghĩ tới. Vì trận đầu bị Anh “dội nước đá” lạnh toát như thế, mà có lẽ nhờ “nằm phơi nắng sa mạc” nên hồi phục được năng lượng, Iran đã có trận thắng Xứ Wales quá tuyệt vời.
Nếu tạm kết sơ sơ, thì điều đáng mừng nhất là bóng đá châu Á đã vươn lên hơn cả niềm mong đợi. Không phải vì Qatar tổ chức World Cup mà châu Á được hưởng lợi gì, nhưng có một đặc tính rất đáng quí của người châu Á, đó là sự kiên trì, nhẫn nại, và với vũ khí này, cộng với lòng quyết tâm và cảm xúc khi chơi bóng đá, châu Á đã làm nên chuyện. Nhật Bản chẳng hạn, đó là đội bóng giàu cảm xúc, họ đã chơi một thứ bóng đá cảm xúc. Và họ được.
Cũng phải nói thêm, từ trận thứ hai trở đi, các HLV đã bắt đầu tính toán lợi hại qua từng trận đấu. Nhưng với một đội bóng giàu hàng đầu nhưng vất vả cũng hàng đầu tại Worrld Cup này do chính mình tổ chức, thì họ chỉ còn biết cố gắng qua từng trận, và bắt đầu tính tới mình có ghi được bàn thắng nào không, chứ không phải mình thắng người ta cả trận. Qatar đã làm được điều mà dân họ vui sướng, là ghi được 1 bàn vào lưới Senegal, dù chung cuộc chịu thua 1-3. Nên nhớ, Senegal là quê hương của Sadio Mane, danh thủ tầm châu Âu và chức vô địch châu lục của họ được đánh giá cao hơn chức vô địch châu lục của Qatar, vì độ khó cao hơn, đẳng cấp cũng cao hơn. Tôi nghĩ, Qatar không nên buồn khi thua Senegal, mà nên vui khi ghi được 1 bàn vào lưới của đội bóng châu Phi này.
Bóng đá khắc nghiệt như vậy đó. Không phải mình giàu thì tự nhiên mình đá bóng hay, mình có thể tổ chức một giải bóng đá thế giới rất thành công, nhưng bản thân mình thì thua cuộc. Thôi, được cái này thì mất cái khác, Còn trận sau cùng gặp ông kẹ Hà Lan, Qatar cứ chơi hết mình, và cố gắng ghi 1 bàn vào lưới Hà Lan, thì lại tìm thấy niềm vui khi mình ghi được 1 bàn thắng. Những đội bóng yếu, khi may mắn có mặt ở World Cup, chỉ cần ghi một bàn đã hạnh phúc lắm rồi.
Khi đội tuyển nữ Việt Nam giành được vé tới World Cup ở New Zealand 2023, tôi có gặp tiền vệ công Bích Thùy, người đã ghi bàn thắng quyết định giúp Việt Nam (nữ) lần đầu đoạt vé tới đấu trường thế giới. Tôi có nói với Thùy: “Ước mong lớn nhất của bác là được thấy cháu ghi 1 bàn thắng, chỉ 1 bàn thôi, vào bất cứ đội bóng nào cùng bảng với mình. Như thế, bác cháu mình đã quá thỏa nguyện rồi”. Quả thật, ở cùng bảng với Mỹ và Hà Lan thì mong gì thắng họ. Nhưng ghi được một bàn danh dự thôi, đã quí hơn… kim cương rồi.
Khi có mấy “Ông Lớn” đã gặp khó ngay trận đầu, thì đội tuyển Anh lại trở thành một ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch, dù họ mới được 4 điểm sau 2 trận. Tôi cảm thấy như thế, vì đội Anh có những cầu thủ đang còn trẻ mà chơi rất chững chạc, và những cầu thủ lớn tuôi lại chơi khá thoáng. Khi trẻ chững chạc, già lại thoáng, thì đội bóng ấy có khả năng đi xa đấy.
Nhưng mọi sự mới ở đoạn đầu. Còn nhiều vui vẻ, buồn khổ, và hân hoan nữa đang chờ. Qatar không hề tiếc tiền khi tổ chức một giải World Cup xa hoa như vậy. Những người lao động nghèo ở Việt Nam được xem World Cup sau những giờ lao động nhọc mệt, thế cũng đủ vui rồi.