Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi - điểm nhấn du lịch đêm Đà Nẵng
Một sản phẩm du lịch mới của thành phố Đà Nẵng sẽ được đưa vào phục vụ du khách trong năm 2024 là dịch vụ du lịch về đêm tại cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi - cây cầu lâu đời nhất nối đôi bờ sông Hàn.
Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu đường bộ đầu tiên bắc qua sông Hàn, thành phố Đà Nẵng được xây dựng từ năm 1965. Từ ngày có chiếc cầu mới Trần Thị Lý, cây cầu này cấm phương tiện qua lại và được cải tạo, lắp đặt hệ thống điều khiển để nâng nhịp cầu. Vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ, Tết, cầu Nguyễn Văn Trỗi được nâng, hạ 1 lần nhịp giữa để thông thuyền và phục vụ nhu cầu thưởng thức của người dân, du khách.
Ngành Du lịch và UBND quận Sơn Trà đang phối hợp triển khai phương án thí điểm dịch vụ du lịch ban đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi. Tại đây sẽ lắp đặt ánh sáng mỹ thuật, đặt các mô hình xe lam cổ, xe cũ, làm điểm check-in và tổ chức triển lãm ảnh, trưng bày sản phẩm chuyên ngành định kỳ hằng quý vào các ngày lễ, Tết. Nơi đây còn diễn ra các hoạt động âm nhạc dân tộc, trữ tình, vũ hội đường phố, các sự kiện đồng diễn, nhảy flashmob, lễ hội yoga, nghệ thuật đường phố phục vụ du khách.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng cho rằng, dịch vụ du lịch về đêm tại cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi hy vọng sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch mới và là cú hích cho phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng.
“Cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi là điểm nhấn và sản phẩm du lịch của thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi triển khai một số mô hình, hoạt động để mở rộng hơn. Quá trình triển khai cũng phải có trách nhiệm vừa mang tính chất là du lịch, dịch vụ, vừa giữ gìn bảo tồn văn hóa, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường” - ông Hùng chia sẻ.
UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch thành phố năm 2024 với hàng loạt sản phẩm du lịch mới sẽ được đầu tư phát triển trong năm nay. Trong đó sẽ tập trung hoàn thiện thủ tục để khởi công Dự án Tổ hợp "Dòng sông ánh sáng" và bến thủy nội địa, Khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm, Khu tổ hợp công trình phục vụ Lễ hội pháo hoa quốc tế.
Đối với Dự án “Dòng sông ánh sáng” sẽ kết nối chiếu sáng nghệ thuật tại 5 cây cầu bắc qua sông Hàn, trên mặt nước dòng sông và những công trình cao tầng 2 bên bờ sông Hàn. Theo đó, dòng sông Hàn sẽ lung linh ánh sáng, tạo sự hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế đêm.
Các khu điểm vui chơi giải trí ở thành phố Đà Nẵng cũng có kế hoạch nâng cấp mở rộng, làm mới sản phẩm để đón khách du lịch.
Bà Phạm Tú Cầu, Tổng Giám đốc Sungroup Vùng miền Trung cho biết, tới đây, Sungroup sẽ đầu tư 39.000 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng hình thành nhiều sản phẩm mới tại BaNa Hills; Xây dựng BaNa Hills trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc tế, là điểm trung tâm thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng.
Theo bà Phạm Tú Cầu: “Với vai trò là cánh chim đầu đàn, trong thời gian tới, Sungroup kiên định đặt tiêu chí tiên phong phát triển bổ sung các công trình đẳng cấp, khác biệt, đưa Đà Nẵng thành điểm đến hàng đầu. Sun World Ba Na Hills sẽ tổ chức chuỗi lễ hội sôi động suốt 4 mùa như lễ hội hoa và ẩm thực; lễ hội quốc tế hay lễ hội mùa thu, Giáng sinh… Năm 2024, Sungroup tiếp tục đồng hành đưa Lễ hội Pháo hoa quốc tế đến với người dân và du khách, khắc họa lễ hội pháo hoa tàm cỡ quốc tế".
Tạp chí du lịch Mỹ CnTraveller bình chọn Đà Nẵng là Top 11 điểm đến tốt nhất châu Á trong năm 2024 và theo trang MICENET của Úc, Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng để các doanh nghiệp lựa chọn tổ chức du lịch MICE. Đà Nẵng cũng là điểm đến hàng đầu dành cho du khách Ấn Độ.
Theo dự báo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), sự phục hồi du lịch toàn cầu sẽ diễn ra vào năm 2024 với sự quay trở lại chậm nhưng ổn định của thị trường Trung Quốc và tăng cao ở Hàn Quốc và Tây Âu. Năm 2024, ngành Du lịch Đà Nẵng đặt mục tiêu đón 8,42 triệu lượt khách lưu trú, tăng hơn 13,8% so với năm 2023, gần bằng 105% so với năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển các sản phẩm du lịch theo Đề án định hướng phát triển du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 9 nhóm sản phẩm du lịch đang thu hút khách đến Đà Nẵng, trong đó chú trong khai thác Du lịch MICE, Du lịch Golf, Du lịch Cưới.
Bà Nguyễn Thị Hoài An, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2024, ngành Du lịch thành phố tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến khôi phục các đường bay quốc tế để kết nối lại thị trường khách du lịch quốc tế.
"Năm 2024, chúng tôi đã có nhiều kế hoạch về xúc tiến, quảng bá, đặc biệt là mở rộng các đường bay, xúc tiến mạnh các thị thường quốc tế, đa dạng hóa về thị trường khách và sản phẩm du lịch. Ngoài các sự kiện tổ chức tại Đà Nẵng, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường tiềm năng và trọng điểm, mở ra những hướng đi mới như du lịch cưới, sản phẩm du lịch Mice, du lịch golf ” - bà Hoài An nhấn mạnh.