Cầu đi bộ sông Sài Gòn: Kỳ vọng biểu tượng mới
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn không chỉ kết nối quận 1 với Thủ Thiêm mà còn hứa hẹn trở thành biểu tượng mới, tạo không gian công cộng độc đáo và thúc đẩy du lịch
Chiều 7-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường đã có buổi làm việc với Sở Giao thông Công chánh và các đơn vị liên quan về tiến độ dự án cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn.
Nhiều người chờ đợi
Theo thông tin mới nhất từ UBND TP HCM, công trình này dự kiến khởi công vào ngày 29-3, sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch ban đầu.

Quang cảnh khu vực Bến Bạch Đằng - điểm kết nối cầu đi bộ tại quận 1, TP HCM Ảnh: CHÍ NGUYÊN
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, do Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood tài trợ toàn bộ. Việc huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân không chỉ giúp giảm áp lực ngân sách mà còn khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển hạ tầng đô thị.
Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn sẽ nối công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) với khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), có tổng chiều dài 261 m, thiết kế vòm treo dây văng với mặt cắt ngang thay đổi từ 7 - 11 m. Cầu có khổ thông thuyền 80 m x 10 m, bảo đảm giao thông thủy thuận lợi. Công trình được trang bị hệ thống chiếu sáng, thang máy và các tiện ích hiện đại. Mái che bằng vật liệu ETFE cùng hệ thống chiếu sáng mỹ thuật sẽ được triển khai trong giai đoạn sau khi xác lập sở hữu toàn dân.

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn
Theo đề xuất ban đầu, cây cầu này không chỉ giúp kết nối 2 khu vực quan trọng của TP HCM mà còn tạo thêm một không gian công cộng độc đáo, góp phần nâng cao giá trị mỹ quan và thu hút du khách. Hiện nay, việc di chuyển giữa quận 1 và Thủ Thiêm chủ yếu dựa vào các cây cầu và hầm Thủ Thiêm, vốn phục vụ xe cơ giới là chính.
Thường xuyên đi dạo buổi tối tại khu vực Bến Bạch Đằng, anh Phạm Văn Phú (SN 1996, ngụ quận 1) cho biết rất mong chờ cây cầu sớm hoàn thành. "Cây cầu này sẽ giúp việc di chuyển giữa quận 1 và Thủ Thiêm thuận tiện hơn, đồng thời tạo thêm không gian thư giãn, vui chơi cho người dân" - anh nhận xét.
Trong khi đó, chị Phạm Thị Minh Phương (SN 1992, ngụ TP Thủ Đức) lại mong đợi những thay đổi tích cực mà cây cầu sẽ mang lại cho cuộc sống thường nhật. "Nhà tôi ở Thủ Thiêm, muốn qua trung tâm TP HCM phải chạy xe máy hoặc đón xe công nghệ, vừa tốn thời gian vừa không thoải mái. Nếu có cầu đi bộ, tôi có thể thong thả tản bộ từ nhà qua quận 1, vừa tiện lợi vừa có thêm trải nghiệm thú vị. Tôi tin đây sẽ là một biểu tượng mới của thành phố, nơi không chỉ người dân mà cả du khách đều muốn ghé thăm" - chị hào hứng.
Cơ hội và thách thức
Theo kỹ sư cầu đường Trần Văn Tường, cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn mang lại lợi ích về giao thông và cải tạo đô thị. Khu vực trung tâm TP HCM, nhất là đường Tôn Đức Thắng, thường xuyên kẹt xe, trong khi nhu cầu đi bộ giữa quận 1 và Thủ Thiêm khá lớn. Không gian dành cho người đi bộ tại Bến Bạch Đằng và phố đi bộ Nguyễn Huệ còn hạn chế. Nếu có cầu, dòng người đi bộ sẽ lan tỏa, kết nối tốt hơn khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP HCM.
Theo kỹ sư Tường, hệ thống hạ tầng TP HCM chưa thuận tiện cho người đi bộ, khi vỉa hè bị lấn chiếm, không gian công cộng hạn chế. Vì vậy, xây dựng công trình đi bộ kết hợp không gian công cộng có thể giúp giảm kẹt xe và thúc đẩy du lịch.
Bên cạnh đó, cây cầu còn có tiềm năng trở thành điểm nhấn kiến trúc. Từ trên cầu, người dân và du khách có thể ngắm toàn cảnh TP HCM, tận hưởng vẻ đẹp sông Sài Gòn. Khi kết hợp với công viên ven sông Thủ Thiêm và phố đi bộ Nguyễn Huệ, cầu sẽ tạo nên một trục cảnh quan mới, thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, để dự án đạt hiệu quả cao, thành phố cần có cơ chế phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công và sớm đưa vào khai thác.
Trong khi đó, kiến trúc sư Khương Văn Mười nhấn mạnh: "Cầu đi bộ không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là một tác phẩm nghệ thuật trong đô thị, nơi kết nối quá khứ và tương lai của TP HCM". Ông cũng cho rằng công trình không chỉ giúp người dân thuận tiện di chuyển giữa quận 1 và Thủ Thiêm mà còn mang ý nghĩa lớn về kiến trúc, văn hóa và du lịch. Đây sẽ là điểm giao thoa giữa đô thị cổ và khu đô thị mới, mở ra không gian sinh hoạt cộng đồng sôi động bên dòng sông Sài Gòn.
Từ năm 1993, đường Tôn Đức Thắng từng được định hướng thành tuyến phố đi bộ; trong khi Thủ Thiêm được quy hoạch thành công viên văn hóa - nghệ thuật với các công trình như Nhà hát Thành phố, đền thờ An Khánh và công viên hoa hướng dương - điểm đến quen thuộc của giới trẻ.
"Không chỉ phục vụ đi lại, cây cầu sẽ là điểm ngắm cảnh lý tưởng, nơi tổ chức các sự kiện sông nước, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Trên thế giới, nhiều thành phố đã thành công trong việc kết hợp cầu đi bộ với bến thuyền, ga du lịch và công trình kiến trúc độc đáo, tạo nên những điểm nhấn hấp dẫn" - kiến trúc sư Khương Văn Mười nhận định.
Lo ngại tính khả thi
Trong khi đó, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch Đô thị TP HCM) lo ngại về tính khả thi của dự án cầu đi bộ. Ông cho rằng thói quen ưu tiên xe cá nhân của người dân TP HCM khiến việc sử dụng cầu trở nên hạn chế.
Ông Nguyên cũng lưu ý thiết kế cầu cần bảo đảm tàu thuyền lưu thông, đồng nghĩa với độ dốc nhất định, gây bất tiện cho người đi bộ. Nếu cầu có kiến trúc vòm mềm mại, dù đẹp nhưng có thể không hiệu quả so với chi phí đầu tư.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cau-di-bo-song-sai-gon-ky-vong-bieu-tuong-moi-196250307204657989.htm