Câu đố: 'Mặc áo xanh, đội nón xanh/Đi quanh một vòng/Mặc áo trắng, đội nón trắng' - Là quả gì?
Cái gì mà biến hóa khôn lường quá vậy bạn nhỉ?
"Mặc áo xanh, đội nón xanh/ Đi quanh một vòng/ Mặc áo trắng, đội nón trắng" - Là quả gì? Với câu đố mẹo này, đừng "dại" mà suy nghĩ theo hướng nghiêm túc quá bạn nhé. Bật mí, đáp án là một loại quả vốn dĩ có màu xanh, nho nhỏ như quả trứng gà ta và rất được các ông bà lớn tuổi ưa thích.
Đến đây, nếu bạn vẫn chưa nghĩ ra đáp án thì xin chia sẻ cho bạn thêm một dữ liệu đắt giá nữa. Đây là loại quả đã đi vào cổ tích, âm nhạc. Muốn ăn nó phải kết hợp với lá trầu. Vâng, đáp án rất đơn giản, đó chính là... quả cau. Quả cau có vỏ xanh, khi róc vỏ người ta thường gọt theo một vòng, rồi bổ ra. Lúc này, từ màu xanh ban đầu, quả cau sẽ thành màu trắng đẹp mắt với đầu nhọn như chiếc nón.
Nếu cau bổ ra không ăn ngay, người ta sẽ cho vào rổ xóc qua nước với nước sạch, tiếp đến xếp từng miếng cau vào xảo hoặc rổ đan bằng cây tre, có mắt thưa để phơi nắng. Sau đó cho vào lọ rồi mang cất vào góc nhà, gầm tủ hoặc cho vào túi nilon, bọc giấy báo bên ngoài và treo trên dựa bếp để cau không bị mốc, để dành ăn khi hết mùa cau tươi.
Cau thường biết đến với tục ăn trầu. Đây là tập tục có từ lâu đời ở một số quốc gia Ðông Nam Á. Riêng ở Việt Nam, tục lệ này đã có từ hàng ngàn năm qua và đã trở thành một nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống từ xưa đến nay. "Miếng trầu là đầu câu chuyện" là thế.
Nguyên liệu ăn trầu có 4 thứ chính: Lá trầu không, cau, vỏ cây, vôi tôi. Thoạt đầu, người ta dùng lá trầu không cuộn nhiều vòng tròn lại, gài cuốn lá vào cánh lá để giữ cho lá khỏi tở ra. Cau tươi (hoặc khô) bổ cả hạt, thành miếng, một chút vỏ cây, quệt một ít vôi tôi rồi cho tất cả vào miệng nhai. Người ta chỉ nuốt nước cốt và nhả bã trầu không ăn.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều câu ca dao, bài hát dân ca nói về tình yêu nam nữ qua hình tượng lá trầu, quả cau: "Yêu nhau cau sáu bổ ba. Ghét nhau cau sáu bổ ra làm mười", hay "Miếng trầu ăn kết làm đôi. Lá trầu là vợ, cau tươi là chồng. Trầu xanh, cau trắng, chay hồng. Vôi pha với nghĩa, thuốc nồng với duyên". Cau trầu cũng là một thứ "đầu" của các sự lễ nghĩa. Bất kỳ giỗ chạp dù lớn hay nhỏ, ngày sóc ngày vọng, lễ, Tết bao giờ cũng phải có đĩa trầu cau đặt trên bàn thờ cúng tổ tiên.