Câu đố tiếng Việt: 'Con gì nghe tên đã biết thích đi lo chuyện bao đồng'?
Bạn mất thời gian bao lâu mới có thể đưa ra đáp án cho câu đố trên.
Hãy thử sức với câu đố thú vị sau:
"Con gì nghe tên đã biết thích đi lo chuyện bao đồng?".
Gợi ý cho bạn, đây là một câu đố mẹo, đố chữ. Con vật này thực chất chẳng lo lắng, quan tâm đến chuyện của ai cả. Chẳng qua trùng hợp thay là tên gọi của nó có liên quan đến một câu thành ngữ chỉ việc "lo chuyện bao đồng", "làm việc tốn công vô ích mà không được lợi lộc gì".
Nói đến đây, bạn đã nhớ ra câu thành ngữ quen thuộc nào chưa? Đây là một câu thành ngữ rất phổ biến, được sử dụng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày đấy!
Nếu nói đến đây mà bạn vẫn chưa nghĩ ra thì xin mách nước, đó là câu "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" và loài vật được nói đến trong câu đố chính là con Ốc Tù Và!
Cho những ai chưa biết, ốc tù và là một chi gồm đa dạng các loài ốc trong họ Ranellidae thường gặp ở Việt Nam, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương Nhiều loài trong chi này có giá trị kinh tế, vỏ của chúng được sử dụng làm đồ trang trí. Kích thước của loài ốc này từ 23–35 cm. Con to nhất có kích thước dài 42 cm và nặng gần 6 kg.
Những loại ốc này có dạng kèn, lớn và nặng. Mặt ngoài màu kem, có nhiều vân màu nâu đậm và nâu nhạt. Nhiều đường xoắn ốc nổi rõ từ miệng đến đỉnh. Miệng lớn màu hồng nâu, càng gần mép càng nhạt màu, mép ngoài gợn sóng. Ăn sao biển gai. Sống ở vùng dưới triều đáy mềm, ven các rạn san hô, có khi xuống sâu 20 - 30m. Nhiều loài trong chi này có độc tố, độc tố của ốc tù và, ốc tù và gai miệng đỏ là tetrodotoxin. Ốc tù và chỉ sinh sản tự nhiên.
Ở Việt Nam có loại ốc tù và vân nâu (Charonia tritonis) là loài ốc quý, có giá trị mỹ nghệ cao. Ở Việt Nam, loài ốc này chỉ sinh sống ở vùng biển Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Khánh Hòa (vùng biển cạnh đảo Hòn Mun và Hòn Tre). Vì thế, từ nhiều năm nay ốc tù và trong vùng biển Nha Trang đang bị khai thác triệt để. 10 năm qua các nhà khoa học của Viện đã không tìm thấy ốc tù và trong khu vực vịnh Nha Trang.
Còn về câu thành ngữ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", thì phía sau nó là một câu chuyện lịch sử rất thú vị. Ngược dòng lịch sử, ngày trước ở nông thôn, tổng là đơn vị hành chính bao gồm một số xã, nhiều tổng mới hợp thành một phủ - tương đương huyện bây giờ. Trong bộ máy hành chính của tổng, to nhất là chánh tổng rồi đến lý trưởng các làng xã và thấp nhất là mõ làng. Khi có việc gì của làng như ma chay, đình đám... anh mõ cầm mõ tre đi gõ để báo tin cho làng xã biết. Ngoài ra người này còn đi tuần phòng ban đêm và gõ mõ báo hiệu giờ giấc.
Mõ làng làm việc này không có lương bổng. Tuy nhiên anh ta thường được làng cấp cho một mảnh đất công nhỏ để cày cấy hoặc đến mùa gặt được các địa chủ cho một ít thóc. Dù làm ít hay nhiều thì lợi ích của anh mõ cũng chỉ có vậy. Ngoài một công cụ truyền tin là cái mõ, ngày xưa các anh mõ còn dùng cái tù và, là vỏ một con ốc biển hoặc một cái sừng trâu thông hai đầu dùng hơi thổi để báo tin tức, việc làng.
Việc phải trầy trật vác tù và đi thổi khắp làng xã của cả tổng mà lợi lộc được hưởng chẳng là bao chính là cơ sở để xuất hiện thành ngữ "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng".