Câu đố tiếng Việt: Đinh nào dù chắc nhưng không đóng được?
Bạn có nghĩ ra loại đinh nào đáp ứng câu hỏi hóc búa trên không?
Nhanh như chớp là gameshow thu hút lượt xem cao, đã qua nhiều mùa chơi với hàng trăm khách mời nổi tiếng. Bên cạnh những kiến thức chuẩn được đưa ra thì chương trình có rất nhiều những câu hỏi mẹo vui nhộn. Tham gia thử thách cùng những câu đố vui, lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất là giải trí.
Bên cạnh đó, khi cố gắng suy nghĩ để tìm ra lời giải đáp cho những câu hỏi - đây là yếu tố kích thích bộ não làm việc, liên tưởng nhiều hơn đến các sự vật và hiện tượng xung quanh mình. Nói cách khác, các câu đố mẹo giúp rèn luyện tư duy và phát triển trí não.
Bây giờ hãy dành 5 phút nghĩ xem đáp án của câu đố vui sau đây của chương trình:
Đinh nào dù chắc nhưng không đóng được?
Nói tới ĐINH, ai cũng dễ dàng nghĩ tới vật dụng bằng kim loại (hay tre, gỗ) cứng, một đầu nhọn, dùng để đóng, treo, giữ vật này vào vật khác, hoặc ghép các vật với nhau. Vậy nên, câu hỏi về "đinh không đóng được" tất nhiên không phải là đinh theo nghĩa phổ biến này.
Đáp án chính là Đinh lăng, đinh hương. Đây là hai loại cây quen thuộc, dù bắt đầu bằng chữ "đinh" nhưng tất nhiên không thể đóng được.
Đinh lăng còn có tên là cây gỏi cá, nam dương sâm, tên khoa học là Polyscias fruticosa, hay Panax fruticosum. Panax fruticosus là một loài cây nhỏ thuộc chi Đinh lăng (Polyscias) của Họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Cây đinh lăng được trồng làm cảnh, thức ăn hay làm thuốc trong y học cổ truyền. Cây đinh lăng nhỏ, chỉ cao từ 1-2 mét. Lá kép, chẻ khía, mọc so le, lá chét có răng cưa nhọn. Hoa đinh lăng màu lục nhạt hoặc trắng xám, quả dẹt, màu trắng bạc.
Ở Việt Nam, loài cây này được trồng khá phổ biến trong vườn gia đình, đình chùa, trạm xá, bệnh viện để làm cảnh, làm thuốc và làm rau gia vị. Cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, trồng được trên nhiều loại đất và có khả năng tái sinh vô tính khỏe.
Các nhà khoa học đã tìm thấy trong đinh lăng có các loại alkaloid, glucosid, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B6, các axit amin (bao gồm lycin, cystein và methionin) và nhiều nguyên tố vi lượng khác. Trong lá đinh lăng còn có saponin triterpen, một genin đã xác định được là axit oleanolic.
Đinh lăng được dùng chủ yếu là phần lá và rễ. Lá được hái, sử dụng quanh năm. Rễ đinh lăng được thu hái vào mùa đông, ở những cây đã có từ 4-5 tuổi trở lên, cỡ độ tuổi này, rễ mới có nhiều hoạt chất. Khi đào lấy rễ, rửa sạch, cắt bỏ phần rễ sát với góc thân. Rễ nhỏ thì dùng cả, nếu rễ to thì dùng phần vỏ rễ.
Trong khi đó, đinh hương là một loại cây thân gỗ, có nguồn gốc từ Indonesia. Cây đinh hương hay còn gọi là đinh tử, đinh tử hương, hùng đinh hương, công đinh hương, chi giải hương... được sử dụng trong việc chế biến món ăn để kích thích vị giác người dùng. Ngoài ra, với hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đinh hương cũng được dùng như một thực phẩm bổ trợ cho việc phòng và chữa bệnh.
Việc sử dụng đinh hương như một loại gia vị trong việc chế biến món ăn đã có rất lâu ở nhiều quốc gia Châu Á. Đặc biệt ở Indonesia, đinh hương còn là hương liệu để làm nên thuốc lá. Ngày nay, khi mức sống của người dân nâng cao, đinh hương còn được chế tạo thành tinh dầu và được dùng trong việc massage, giảm căng thẳng, làm đẹp...
Các loại vitamin có trong đinh hương bao gồm vitamin B, C, D, E, K cùng với các khoáng chất như canxi, photpho, kali, kẽm... Đặc biệt, trong thành phần đinh hương có chứa eugenol, có tác dụng điều chế thuốc gây mê, gây mê thần kinh, giảm đau xương khớp, giảm viêm...