Câu đố Tiếng Việt: Vì sao lại nói là 'cưỡi ngựa xem hoa'?
Bạn có biết nguồn gốc câu thành ngữ này xuất phát từ đâu không?
Chúng ta thường dùng câu "Cưỡi ngựa xem hoa" để chỉ việc tìm hiểu một cách sơ lược, không đi sâu vào chi tiết. Nhưng tại sao lại dùng hình ảnh "cưỡi ngựa xem hoa" để ví von như vậy? Thoạt nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến chuyện "qua loa, đại khái".
Thực tế, câu thành ngữ này bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian. Xưa có anh chàng con nhà giàu nhưng bị tật chân đi cà nhắc. Điều này khiến ngoài ba mươi tuổi mà anh vẫn không lấy được vợ. Gia đình anh rất lo lắng nên tìm đến cầu cứu một bà mai có tiếng trong vùng, mong bà giúp anh yên bề gia thất.
Sau khi cân nhắc, bà mai giới thiệu anh cho một tiểu thư nhà nọ. Cô này vốn bị tật sứt môi nên hai mươi tám tuổi vẫn chẳng lấy được chồng. Nhưng bà mai giấu nhẹm chuyện đó, chỉ kể những đức hạnh của cô khiến anh nhà giàu nọ mê đắm, muốn cưới cô cho bằng được.
Bà cũng bày kế cho anh đến ngày gặp thì cưỡi ngựa đến thăm nàng. Như vậy sẽ không ai biết chân anh đi cà nhắc nữa. Anh chàng hớn hở thưởng cho bà mai rất hậu, yên tâm mình sẽ cưới được nàng tiểu thư nhà danh giá.
Xong xuôi, bà mai lại qua nhà cô gái để giới thiệu về anh nhà giàu. Bà mai ca tụng anh đủ điều, chỉ giấu tật chân đi cà nhắc. Nghe xong, cô gái cũng khấp khởi muốn lấy được anh chàng nhưng lại ngại bản thân mang dị tật. Bà mai liền bày kế cho cô khi đến ngày hẹn cứ cầm một bông hoa để trên miệng, giả vờ e thẹn, vừa ngắm vừa thưởng thức hương hoa. Cô gái nghe xong như mở cờ trong bụng, rút ngay cây trâm tặng bà mai.
Đến ngày hẹn, cả hai làm theo ý bà mai, một bên "cưỡi ngựa", một bên "xem hoa". Họ diễn rất giỏi nên không ai thấy được khuyết điểm của người còn lại. Cuộc gặp tốt đẹp, hai gia đình quyết định tiến đến hôn nhân. Đêm động phòng, chàng trai và cô gái mới biết được khuyết tật của nhau thì đã muộn.
Từ đó, người ta dùng thành ngữ "cưỡi ngựa, xem hoa" để chỉ những việc làm có tính chủ quan, qua loa mà không suy xét kĩ.
Trong kho tàng Tiếng Việt còn nhiều câu thành ngữ có nguồn gốc thú vị như:
- "Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà": Nhằm chỉ việc giúp đỡ, tạo điều kiện cho người xấu phản chủ, rắp tâm hãm hại người trong gia đình. Câu thành ngữ là lời cảnh báo, nhắc nhở chúng ta cần cẩn trọng trước người ngoài, đừng vì lòng thương mà sẵn sàng giúp đỡ người khác để bị họ lợi dụng, hãm hại.
- "Rồng đến nhà tôm": Sở dĩ có yếu tố "rồng" và "tôm" xuất hiện vì thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian từ xa xưa. Đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn. "Rồng" ở đây chỉ cá chép, sau khi đã đỗ đạt, ở vị thế cao sang nhưng vẫn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Còn "tôm" thì không hề tự ti, mặc cảm về xuất thân hay hoàn cảnh mà vẫn trân trọng tình bạn này. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người.
- "Nghèo rớt mồng tơi": Ở đây, "tơi" không phải là loại rau mồng tơi như chúng ta vẫn nghĩ. "Tơi" là một loại áo mặc đi mưa vào thời xưa.