Cầu, đường trên tuyến kênh Tây 'kêu cứu'
Thời gian qua, ngày càng có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông qua đây. Nhiều cây cầu và một số đoạn đường xuống cấp cần sớm được khắc phục, xử lý để bảo đảm an toàn.
Tuyến kênh chính Tây có tổng chiều dài khoảng 39km, bắt nguồn từ cống số 2 hồ Dầu Tiếng đến cống K39, xã An Cơ, huyện Châu Thành. Trên suốt chiều dài tuyến kênh này có nhiều cây cầu, cống dẫn nước và đường giao thông chạy dọc 2 bên tuyến kênh cho phép các phương tiện trọng tải nhẹ dưới 10 tấn qua lại. Tuy nhiên, thời gian qua, ngày càng có nhiều xe tải trọng lớn lưu thông qua đây. Nhiều cây cầu và một số đoạn đường xuống cấp cần sớm được khắc phục, xử lý để bảo đảm an toàn.
“cày nát” bờ kênh
Từ khi tuyến đường bờ kênh Tây đoạn từ cầu Suối Ông Đình (xã Trà Vong, huyện Tân Biên) đến cầu K21 (xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh) được đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân. Đồng thời, đây được coi là đường đi ngắn nhất từ xã Trà Vong đến xã Tân Bình (thành phố Tây Ninh) nên nhiều xe có tải trọng trên 10 tấn vẫn lén lút chạy qua. Đến nay, mặt đường trên hai bên bờ kênh này đã bị “cày nát”, hư hỏng nặng.
Đứng ở điểm giao bên cạnh cầu Suối Ông Đình chừng 10 phút, chúng tôi ghi nhận có đến 7 lượt xe tải lớn, xe máy cày chở đầy gỗ đi qua bờ kênh. Bánh xe hằn sâu xuống mặt đường đất mềm và tiếp tục khiến những “ổ gà”, “ổ voi” càng to thêm.
Chị Trần Thị Bình, người dân gần cầu Suối Ông Đình cho biết: “Mấy hôm nay trời mưa nhỏ, đường ít đọng nước, ít trơn trượt, tôi mới dám chở con đi học. Còn các cháu nhỏ có nhà ở gần đây bị gia đình “cấm tiệt”, không cho đi xe vì sợ ngã xuống kênh. Lúc mưa lớn, những chỗ hư trên đường ngập nước, đầy bùn lầy, rất nguy hiểm. Đã có nhiều người đi xe máy bị ngã, bùn đất dính từ đầu đến chân. Đường hẹp mà xe chở vật liệu, gỗ, nông sản lại quá lớn, chiếm gần hết mặt đường, gây nguy hiểm cho người đi mô tô, xe máy”.
Thực tế, đường dẫn vào bờ kênh chính Tây đã được đặt biển báo cấm xe trên 10 tấn lưu thông nhưng nhiều lái xe vẫn cố tình đi vào đường cấm. Thời gian qua, lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng khác cùng Đội Quản lý kênh Tây thuộc Công ty TNHH một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa (DT-PH) đã có nhiều biện pháp ngăn chặn xe tải lớn lưu thông trái phép trên đường kênh nhưng không hiệu quả.
Ông Nguyễn Đình Lữ - quyền Đội trưởng Đội Quản lý kênh Tây cho biết, hằng năm, tuyến đường này đều được duy tu, sửa chữa, nhưng chỉ được một thời gian lại bắt đầu xuống cấp. Hiện nay, Công ty DT-PH đang thực hiện dự án sửa chữa, nâng cấp kênh Tây, dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành để phục vụ người dân hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để tuyến đường được sử dụng lâu dài, an toàn thì người dân cần có ý thức chấp hành các quy định về tải trọng xe khi lưu thông trên đường.
Cầu máng có nguy cơ sập
Trên tuyến kênh Tây có 5 cây cầu được đưa vào sử dụng làm đường giao thông, trong đó có cầu Máng (hay còn gọi là cầu K25), thuộc địa phận xã Trà Vong, huyện Tân Biên. Ngoài nhiệm vụ chính là dẫn nước, cây cầu này còn phục vụ giao thông đi lại, tải trọng cho phép tối đa là 10 tấn.
Qua 34 năm sử dụng, cây cầu này đã có dấu hiệu xuống cấp. Theo đánh giá của cơ quan giám định, chất lượng bê tông, cốt thép của cây cầu chỉ còn chịu lực được khoảng 70% so với thiết kế kỹ thuật ban đầu. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự xuống cấp của cây cầu này được Đội Quản lý kênh Tây cho biết là do thường xuyên có các xe tải trọng lớn lưu thông. Thậm chí, khi Đội gắn barie giới hạn chiều cao của xe, nhiều phương tiện vẫn cố tình đi qua, đâm gãy cả barie.
Ông Nguyễn Đình Lữ cho biết: “Do các xe chở nông sản, gỗ, cao su quá tải qua đây khiến cầu Máng (K25) ngày càng nhanh xuống cấp và yếu hơn. Đội Quản lý kênh đã phối hợp với Công an xã lập biên bản, xử lý các phương tiện vi phạm, chủ yếu là vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tình trạng này. Nếu các phương tiện có tải trọng lớn tiếp tục lưu thông sẽ gây rung lắc, làm nứt cầu, khiến nước xì ra, ăn mòn bê tông, cốt thép bên trong và có thể gây nguy cơ gãy, sập cầu”.
Theo Công ty DT-PH, cầu Máng là một trong những điểm quan trọng của hệ thống kênh Tây. Nếu chẳng may cầu bị sập thì vùng sản xuất của các huyện Tân Biên, Châu Thành và sắp tới có thêm huyện Bến Cầu sẽ không được cấp nước tưới. Thời gian khắc phục sự cố ở cầu có thể lên đến 1 năm, sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất của người dân.
Ngoài cầu Máng (K25), trên tuyến kênh Tây hiện nay còn có 5 cây cầu có mật độ lưu thông cao, với nhiều phương tiện có tải trọng lớn; nhưng trong đó có 4 cây cầu đã xuống cấp nặng gồm cầu Phước Ninh, cầu K13, cầu K21 và cầu Suối Ông Đình.
Đơn cử như cầu K13, được đưa vào sử dụng 34 năm. Theo đánh giá của cơ quan giám định, cầu K13 rất yếu nhưng mỗi ngày vẫn có hàng trăm lượt xe kéo container, xe tải lớn lưu thông qua đây. Bà Nguyễn Thị Mai, buôn bán quanh khu vực cầu K13 cho biết, mỗi khi xe kéo container, xe tải lớn đi qua, nhiều người ở gần đó có cảm giác như cây cầu đang “rung bần bật”. Cầu yếu, nhỏ hẹp nên nhiều người đi qua đây phải đứng lại để nhường đường cho các phương tiện giao thông lớn đi qua để hạn chế nguy cơ tai nạn.
Trước thực trạng này, ông Nguyễn Đình Lữ đề xuất: “Trước kia thường kết hợp giữa cống và cầu nhưng giờ bên ngành Giao thông muốn tách hẳn phần cống với cầu nên phía Đội Quản lý kênh và Công ty DT-PH đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như lãnh đạo tỉnh cần có giải pháp để đưa cống điều tiết nước này về phía hạ lưu và bàn giao lại cầu, cống cho ngành Giao thông để họ có phương án xử lý, xây dựng cầu mới”.
Trước thực trạng trên, rất mong các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hữu hiệu trong việc ngăn ngừa, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm tải trọng đi trên kênh Tây. Đồng thời, tỉnh cần có phương án xử lý tình trạng xuống cấp của những cây cầu và đường đi trên tuyến kênh Tây.
Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/cau-duong-tren-tuyen-kenh-tay-keu-cuu-a112491.html