Cầu gỗ lợp mái lá có lịch sử hơn 700 năm ở Nam Định
Được xây dựng từ thời Lý, cầu lợp làng Kênh ở huyện Trực Ninh, Nam Định là cầu mái lợp lá duy nhất còn lại tại Việt Nam, có lịch sử hơn 700 năm tuổi.
Theo TTXVN, "Thượng gia hạ kiều" (trên là nhà, dưới là cầu), hay còn gọi là cầu ngói, đình kiều (trên cầu có đình), là loại hình kiến trúc khá phổ biến ở các nước châu Á nhiệt đới. Thuật ngữ này dùng để chỉ những cây cầu gỗ có lợp mái che phía trên.
Kiến trúc nhà - dưới cầu xuất hiện ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 15, khi người Nhật xây dựng Chùa Cầu tại Quảng Nam. Hiện nay, số lượng cầu được xây dựng theo phong cách này tại Việt Nam không còn nhiều.
Hầu hết những cây cầu còn lại đều đã được công nhận là các Di tích văn hóa, như Chùa Cầu (Quảng Nam), cầu ngói Thanh Toàn (Thừa Thiên Huế), cầu Nhật Nguyệt tại chùa Thầy (Hà Nội) và cầu ngói Phát Diệm (Ninh Bình).
Riêng tỉnh Nam Định vẫn bảo tồn được ba cây cầu "thượng gia hạ kiều", đó là cầu ngói Hải Anh (huyện Hải Hậu), cầu ngói Chợ Thượng (huyện Nam Trực) và cầu lợp làng Kênh. Trong đó, cầu lợp làng Kênh là cây cầu gỗ lợp mái lá duy nhất của Việt Nam.
Cây cầu độc đáo này tọa lạc tại làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh), được xây dựng vào đời Lý, cách đây khoảng 700 năm, sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng vào để tưới tiêu. Trải qua nhiều thế kỷ, cầu vẫn giữ được kết cấu kiến trúc cổ kính và độc đáo.
Toàn bộ cầu có 28 cột, trong đó 4 cột chính được cắm sâu dưới lòng sông, mỗi cột có đường kính trên 50 cm. Theo thời gian, các cột chính bị bào mòn nên đã được thay thế bằng gỗ mới.
Cầu có năm nhịp, mỗi nhịp dài từ 1,45–1,65m, tạo thành một công trình dài 10m, rộng 4m, cao 3m tính từ mặt sàn lên. Toàn bộ cột, xà, và sàn cầu đều được làm bằng gỗ lim, với sàn cầu ghép từ những tấm gỗ dày, rộng hơn 40cm.
Bên trong lòng cầu, hai dãy bục gỗ được uốn cong theo thành cầu, giống như những dãy ghế dài để lữ khách dừng chân nghỉ ngơi. Vào những buổi trưa hè hoặc lúc rảnh rỗi, người dân thường chọn cầu làm nơi nghỉ ngơi, hóng gió, hoặc câu cá thư giãn.
Ngay từ khi xây dựng, mái cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói), một loại cây trồng ở vùng đất bãi mặn, lợ ven biển. Mái bổi nhẹ, xốp, chịu được gió bão. Khi lớp bổi mục, người dân lại lợp thêm lá mới. Sau nhiều lần trùng tu, mái cầu hiện nay đã được thay bằng lá cọ. Các bẹ cọ được buộc chặt với vì kèo và gia cố bằng sợi mây, giúp mái cầu chắc chắn, chống chịu tốt trước gió bão.
Trước đây, cầu được đặt theo hướng Bắc – Nam. Sau đó, do hệ thống sông ngòi chỉnh trang lại, cầu đổi sang hướng Đông – Tây để phù hợp hơn với sinh hoạt của người dân. Cầu Lợp làng Kênh đã được trùng tu nhiều lần với quy mô lớn vào các năm 1883, 1904, và 2014. Trong quá trình trùng tu, thợ đều khắc chữ Hán trên hệ thống vỉ cột để ghi lại dấu ấn lịch sử.
Theo TTXVN